Đây là khẳng định của Cục Hàng không Việt Nam trong báo cáo bổ sung gửi Bộ GTVT về việc đánh giá thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không Việt Nam để xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần hàng không IPP Air Cargo.
Nếu được cấp phép, IPP Air Cargo sẽ là hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam.
Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trong vòng 30 năm qua, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam mới tập trung vận chuyển hành khách mà bỏ ngỏ thị trường hàng hoá cho phía nước ngoài khai thác.
Trong xu thế chung của thế giới là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, việc phát triển hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết. Đặc biệt, trong xu thế đón bắt cơ hội từ giai đoạn hậu COVID-19, việc xem xét đồng ý cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam thành lập hãng hàng không mới chuyên chở hàng hoá tại thời điểm hiện tại (năm 2022) là phù hợp với định hướng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ cũng như thực tế thị trường hàng không Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ năm 1991, khi hoạt động vận chuyển hàng không dân dụng chính thức tách ra khỏi quân đội, tổng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam đạt 18.384 tấn. Qua hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình cả thời kỳ 1991- 2022 là 15,3%/năm.
Mặc dù thị trường có sự tăng trưởng ổn định nhưng cho đến nay, hàng không Việt Nam với 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines vẫn chỉ khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.
Tại thị trường quốc tế, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam chỉ đạt 18% vào năm 2019 và giai đoạn 2020-2021 chỉ đạt 10-12% thị phần hàng hoá quốc tế. Tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.
Trong thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3–4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5–6 lần so với trước dịch Covid-19 (ví dụ: Giá cước vận chuyển hàng hóa từ các Cảng hàng không tại châu Á đi Hoa Kỳ trước dịch trong khoảng 1,0-1,8 USD/kg nhưng nhiều thời điểm trong năm 2020 và 2021 lên tới 8 USD/kg-10 USD/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 17-18 USD/kg từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, do phần lớn đội tàu bay vận chuyển hành khách phải dừng khai thác, các hãng hàng không Việt Nam đã hoán đổi 9 tàu bay chở khách sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang, trong đó, Vietnam Airlines 05 tàu bay (02 A321 và 03 A350) và Vietjet Air 04 tàu bay A321.
Tuy nhiên, do đặc thù các tàu bay này vẫn chia khoang hành khách và hàng hóa riêng nên dù tháo ghế thì tàu bay vẫn chỉ vận chuyển được các kiện hàng nhỏ (do chuyển qua cửa hành khách), không thể vận chuyển các khối hàng lớn như các tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa (toàn bộ thân tàu bay là không gian chung rộng rãi, không bị chia khoang, có cửa rộng để đưa các khối hàng lớn vào thân tàu bay).