Phát triển tỉnh Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng
Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ tỉnh Lào Cai với tổng diện tích tự nhiên 6.364,03 km2, gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và 07 huyện.
Quy hoạch phát triển tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng đến xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam của Trung Quốc, phù hợp với với quan điểm, chủ trương phát triển chung của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng và cả nước.
Quy hoạch phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện. Bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững trên cơ sở tập trung phát triển: Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế và thực hiện năm nhiệm vụ trọng tâm để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của tỉnh.
Lào Cai đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lào Cai phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để Lào Cai phát triển nhanh, bền vững và toàn diện trên các trụ cột về kinh tế, xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại; nâng cao nhanh và bền vững năng lực cạnh tranh dựa trên thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, nông nghiệp hàng hóa là động lực; trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm thủy sản 7,7%, công nghiệp - xây dựng 50,6%, dịch vụ - thương mại 36,0%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,6%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 260 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt trên 145 triệu đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hàng năm thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 7,5%/năm.
Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và Châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp. Kinh tế Lào Cai phát triển theo hướng chủ đạo là sáng tạo, xanh, sạch; một trong những trung tâm hoạt động văn hóa lớn ở vùng Tây Bắc với các thế mạnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Xây dựng tối thiểu 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp casino
Theo phương hướng phát triển, tỉnh Lào Cai phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế; xây dựng Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia. Phát triển khu vực Bảo Hà (Bảo Yên) - Tân An (Văn Bàn) trở thành trung tâm du lịch văn hóa tín ngưỡng cấp vùng và quốc gia.
Ưu tiên đầu tư, khai thác, phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh. Khai thác hiệu quả vai trò cầu nối, liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng tối thiểu 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp casino. Xây dựng sản phẩm du lịch xanh, thông minh, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao.
Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics lớn
Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam - Trung Quốc, Châu Âu, trong đó hạt nhân là khu hợp tác kinh tế qua biên giới; là khu kinh tế phát triển đa ngành, lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ logistics chi phí thấp; xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, khu logistics, cảng cạn, chợ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại tại khu vực các cửa khẩu; kết nối liên hoàn với cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là động lực tăng trưởng, tuyến đường thủy biên giới trên sông Hồng và Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển.
Đồng thời, Lào Cai tập trung chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Tổ chức phát triển nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đi đôi với nâng cao giá trị và uy tín thương hiệu nông sản địa phương. Phát huy lợi thế so sánh của địa phương để phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực. Gắn kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa với công nghiệp chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tạo nền tảng cho ổn định xã hội, an sinh xã hội, nâng cao mức sống dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước phát triển nông nghiệp vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng nông nghiệp hàng hóa…