24/11/2024 lúc 18:13 (GMT+7)
Breaking News

Xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang): Bài 2 – Sự thật phía sau miếng 'bánh vẽ' của chính quyền

VNHN - Không chỉ cố tình cản trở hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp đóng trên địa bàn... Lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) còn khiến dư luận hoài nghi trong quy hoạch và quản lý đất đai; đem “bánh vẽ” ra mời doanh nghiệp…

VNHN - Không chỉ cố tình cản trở hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp đóng trên địa bàn… Lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) còn khiến dư luận hoài nghi trong quy hoạch và quản lý đất đai; đem “bánh vẽ” ra mời doanh nghiệp…

Như Việt Nam Hội nhập điện tử đã thông tin: Mặc dù được UBND tỉnh cấp phép thực hiện khai thác khoáng sản tại xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang từ tháng 11/2017. Tuy nhiên, cho tới nay doanh nghiệp Long Dương vẫn chưa được UBND xã Hòa Sơn giao đầy đủ diện tích điểm mỏ như đề xuất ban đầu và phê duyệt của UBND tỉnh. Đáng nói, chính những lãnh đạo làm đề xuất quy hoạch điểm mỏ lại dùng "bình phong" lợi ích gây cản trở cho doanh nghiệp…

Có hay không việc UBND xã Hòa Sơn cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp vì “bình phong” lợi ích?

Đặc biệt, việc lãnh đạo địa phương ngang nhiên nhắn tin cho doanh nghiệp xin ô tô hay Bí thư Đảng ủy xã với tư cách là người đứng đầu địa phương về đường lối, chính sách lại lấy chức vụ của mình ra làm trò đùa khi tuyên bố không giao 1,4ha đất còn lại cho doanh nghiệp theo quy hoạch: “Nếu doanh nghiệp lấy được 1,4ha tôi sẽ viết đơn xin nghỉ chức Bí thư…” Vậy tư cách của một Đảng viên ở đâu, nhất là khi đây lại là người đứng đầu của xã? 

Tiếp tục trở lại thông tin về vụ việc, ngoài những vấn đề đã nêu thì những diễn biến của vụ việc đang dần hé lộ cho dư luận nhận thấy chiếc “bánh vẽ” của chính quyền đang dành cho doanh nghiệp. Ngoài 5ha diện tích được công khai trong quy hoạch ban đầu và quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Giang thì UBND xã Hòa Sơn còn đồng ý chuyển nhượng cho doanh nghiệp Long Dương thêm diện tích 5.520m2 thuộc đất công ích do địa phương quản lý với giá 65 triệu đồng/1 sào. Tuy nhiên, tiền thì chính quyền đã nhận nhưng diện tích như đã hứa của chính quyền dành cho doanh nghiệp vẫn chưa thấy “sủi tăm”… 

Đáng nói, trong phiếu thu của UBND xã Hòa Sơn lại xuất hiện nhiều bất minh. Trong giao kèo với doanh nghiệp, UBND xã Hòa Sơn nêu vấn đề rất cụ thể là “chuyển nhượng” diện tích 5.520m2 cho doanh nghiệp với giá 400 triệu đồng nhưng tại phiếu thu 2 lần doanh nghiệp nhận được thì lý do thu tiền được đơn vị này đưa ra là: “Thu tiền đóng góp tự nguyện xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương”(?). Tại sao lại có sự bất nhất kể trên? Việc đã nhận tiền nhưng không bàn giao đất, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Diện tích đất đó ở đâu, tại sao không được thể hiện ngay từ ban đầu khi quy hoạch?

Phiếu thu trong việc chuyển nhượng 5.520m2 đất của UBND xã Hòa Sơn

Chưa dừng lại ở đó, chính trong biên bản báo cáo số: 111/BC-UBND ngày 18/9/2017 thì đích thân chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng có xác nhận báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường; phòng khoáng sản thuộc sở Tài nguyên và Môi trường xem xét tham mưu cho UBND tỉnh về việc đất quy hoạch khai thác cát, sỏi để cấp cho doanh nghiệp Long Dương là 5ha. Trong đó, diện tích đất giao ổn định cho hộ cá nhân là 3,7ha; đất tập thể đang quản lý là 1,3ha. Vậy tại sao sau khi có sự phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Giang thì UBND xã Hòa Sơn lại không muốn giao nốt 1,4ha như đề xuất? Có hay không việc cố tình lừa trên dối dưới, đem quy hoạch ra làm trò đùa? 

Vì lợi ích nên 1,4ha đất nằm trong quy hoạch vẫn chưa được giao cho doanh nghiệp?

Ngoài những vấn đề đã nêu trong quy hoạch đất đai tại địa phương thì việc doanh nghiệp tự nguyện cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chính quyền từ chối cũng đang khiến dư luận có nhiều hoài nghi. Doanh nghiệp Long Dương chấp nhận xây dựng đường xá trong quá trình hoạt động và khắc phục khi gây sụt lún, hư hỏng nhưng lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn không chịu và yêu cầu phía doanh nghiệp phải đưa cho địa phương 700 triệu đồng(?). Vậy 700 triệu này là như thế nào? Tại sao không cho doanh nghiệp được tự đầu tư xây dựng mà lại phải quy đổi sang tiền chuyển cho UBND xã?

Xin được nhắc lại, việc cố tình gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất của UBND xã Hòa Sơn chỉ mới xuất phát từ sau khi dự án đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt còn trước đó, toàn bộ hồ sơ, quy hoạch được địa phương thiết lập đều có đầy đủ sự nhất trí cao. Từ Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn, Chủ tịch UBND xã và các cơ quan ban ngành đều có chữ ký xác nhận. Và việc UBND xã Hòa Sơn đưa ra lý do không giao nốt 1,4ha đất còn lại cho doanh nghiệp Long Dương hoàn toàn không có căn cứ và đi ngược lại với quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang, gây thiệt hại về thời gian sản xuất và kinh tế của doanh nghiệp. 

Để rộng đường dư luận, Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!