24/11/2024 lúc 18:09 (GMT+7)
Breaking News

Hiệp Hòa (Bắc Giang): Doanh nghiệp bị gây khó khăn bởi 'bình phong' lợi ích?

VNHN - Mặc dù được UBND tỉnh cấp phép thực hiện khai thác khoáng sản tại xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang từ tháng 11/2017. Tuy nhiên, cho tới nay doanh nghiệp Long Dương vẫn chưa được UBND xã Hòa Sơn giao đầy đủ diện tích điểm mỏ như đề xuất ban đầu. Đáng nói, chính những lãnh đạo làm đề xuất quy hoạch điểm mỏ lại dùng "bình phong" lợi ích nhóm gây cản trở…

VNHN - Mặc dù được UBND tỉnh cấp phép thực hiện khai thác khoáng sản tại xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang từ tháng 11/2017. Tuy nhiên, cho tới nay doanh nghiệp Long Dương vẫn chưa được UBND xã Hòa Sơn giao đầy đủ diện tích điểm mỏ như đề xuất ban đầu. Đáng nói, chính những lãnh đạo làm đề xuất quy hoạch điểm mỏ lại dùng "bình phong" lợi ích nhóm gây cản trở…

Gửi đơn kêu cứu đến Việt Nam Hội nhập điện tử, bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Cty Long Dương cho biết: "Công ty TNHH Phát triển và Xây dựng Long Dương được UBND tỉnh Bắc Giang cấp phép thực hiện khai thác khoáng sản theo quyết định số: 780/QĐ-UBND ngày 13/11/2017 với tổng diện tích 5ha tại khu vực bãi soi Xạ (ông Xạ), xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa. 

Theo kế hoạch, sau khi hết thời hiệu khai thác khoáng sản sẽ chuyển đổi mục đích sang mô hình nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế tại khu vực. Quy hoạch rõ ràng và chi tiết như vậy, tuy nhiên, sau khi được cấp phép và đi vào hoạt động, Công ty Long Dương lại bị chính UBND xã Hòa Sơn gây khó khăn, cản trở trong việc cấp đủ diện tích đất quy hoạch như trong giấy phép. Chưa dừng lại ở đó, hoạt động của công ty sau khi khai thác vận chuyển chủ yếu bằng đường sông nhưng lại không được mở luồng dẫn nước để thuận tiện trong hoạt động khai thác vận chuyển và xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản sau này…".

Mặc dù diện tích 1,4ha đã được đưa vào trong quy hoạch và được lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt cho Công ty Long Dương nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao đất

Trao đổi trực tiếp với PV, bà Nguyễn Thị Vân bức xúc: "Trong quá trình cấp phép và thực hiện theo giấy phép, doanh nghiệp chúng tôi luôn chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhưng chính lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn lại hết lần này đến lần khác gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đáng nói, sau khi đơn vị chúng tôi được cấp phép vào tháng 11/2017 thì đến 18/12/2017, Bí thư Đảng ủy xã lại làm đơn gửi UBND tỉnh Bắc Giang không đồng ý cho doanh nghiệp lấy 1,4ha diện tích đất công ích do xã quản lý, tại sao ngay từ lúc lập quy hoạch điểm mỏ xin cấp phép ông không ý kiến và không rà soát. Chúng tôi là doanh nghiệp, làm việc phải có kế hoạch, có lộ trình để còn chuẩn bị vốn đầu tư, chúng tôi đâu có phải trẻ con mà thích nay thế này mai thế khác. Trong khi đó, toàn bộ nghĩa vụ phải thực hiện chúng tôi đều đã tiến hành chi trả, tiền cấp quyền, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương,…".

Cũng theo bà Vân: Hơn một năm nay từ ngày được cấp giấy phép chi phí doanh nghiệp phải chi ra đã lên tới con số vài chục tỷ đồng nhưng vẫn chưa có nguồn thu vào bởi diện tích đất theo như quy hoạch ban đầu doanh nghiệp vẫn chưa được cấp. Kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp cũng theo đó mà đình trệ. Đáng nói, việc thông luồng nước là vô cùng quan trọng đối với hoạt động sản xuất cũng như vận chuyển của đơn vị nhưng vẫn chưa được đáp ứng dù đơn vị đã đặt cọc cho UBND xã Hòa Sơn số tiền là 1 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân của việc khó khăn doanh nghiệp Long Dương đang vướng phải xuất phát từ một số yêu cầu đòi hỏi của cá nhân lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn chưa được đáp ứng. Trước mặt doanh nghiệp, với tư cách là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn, ông Hoàng Thế Ước tuyên bố: Nếu doanh nghiệp Long Dương được cấp 1,4ha còn lại trong 5ha được cấp có thẩm phê duyệt thì ông sẽ không làm Bí thư nữa (?). Vì sao một Bí thư Đảng ủy xã lại phải căng thẳng như vậy với doanh nghiệp? Khuất tất ở đâu? Chính bản thân ông Ước đã có kiến nghị gửi lên UBND tỉnh Bắc Giang sau khi doanh nghiệp Long Dương được cấp phép chỉ sau 1 tháng mà trước đó, chính bản thân ông là người rất ủng hộ chủ trương doanh nghiệp vào địa phương hoạt động sản xuất. Liệu đây có phải là một sự bất thường mang tính chất cá nhân?

Tiếp tục thông tin, ngày 21/11, PV Việt Nam Hội nhập điện tử đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn. Trước những thông tin PV đưa tới liên quan đến đơn của bà Nguyễn Thị Vân, ông Tuấn cho hay: "Việc Công ty Long Dương được phê duyệt 5ha theo giấy phép là có thật, tuy nhiên, sau khi xem xét lại bản đồ quy hoạch của địa phương thì chúng tôi thấy 1,4ha mà bà Vân đang có ý kiến cần phải giữ lại bởi sợ khi cấp diện tích đó cho Công ty Long Dương người dân sẽ có đơn kiện cáo (?). Về mặt hoạt động của Công ty thì chúng tôi cũng luôn ủng hộ và tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp nhưng cũng không hiểu lý do vì sao bà Vân lại có đơn như thế (?)".

Cũng theo ông Tuấn: "UBND huyện Hiệp Hòa và cả trực tiếp Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường sau khi về thực địa cũng có ý kiến chưa thu hồi diện tích 1,4ha (?)". Tuy nhiên, khi PV hỏi đến văn bản giấy tờ chỉ đạo của các đơn vị như ông Tuấn đã nêu thì ông Tuấn cho biết: "Đấy là chỉ đạo miệng thế (?). Ở địa phương giờ nhiều Đảng viên, nhân dân cũng đang có ý kiến về diện tích đất công ích 1,4ha đó, nếu địa phương cố tình cấp cho doanh nghiệp thì họ sẽ kiện, mong muốn của người dân là được đưa diện tích 1,4ha vào thực hiện sản xuất trồng cây cối, hoa màu phát triển kinh tế địa phương(?)".

Có hay không lợi ích nhóm trong việc gây khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền địa phương?

PV tiếp tục hỏi: Vậy tại sao khi thực hiện quy hoạch ban đầu để xin cấp phép điểm mỏ, lãnh đạo UBND xã lại thống nhất toàn bộ diện tích đề xuất là 5ha để bây giờ sau khi có giấy phép lại không cấp đủ cho doanh nghiệp? Việc giữ lại 1,4ha không cấp cho doanh nghiệp mà đưa vào sản xuất liệu có kế hoạch nào không? Thiệt hại của doanh nghiệp khi không được đáp ứng đúng theo giấy phép ai sẽ chịu trách nhiệm? 

"Chúng tôi cũng chưa có kế hoạch gì cho phần diện tích 1,4ha, chỉ là dự định giao cho hội nông dân của xã để thực hiện xem xét nghiên cứu (?). Còn trước đó làm kế hoạch xin 5ha quy hoạch điểm mỏ thì do lúc đó chúng tôi chỉ thông qua ý kiến chỉ đạo cho các trưởng thôn, chưa thống nhất hết với từng người dân nên mới làm như vậy (?)". PV tiếp tục đề nghị nếu người dân địa phương có ý kiến ở đâu thì UBND xã nên phối hợp với phía Công ty thực hiện đối thoại công khai giải thích cho người dân và lắng nghe ý kiến, cùng đưa ra phương hướng xử lý tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì ông Tuấn im lặng.

1,4ha là diện tích đất công ích chính UBND xã Hòa Sơn quản lý, không phải đất của cá nhân, việc giao 1,4ha cũng nằm trong chính quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ chính báo cáo đề xuất của UBND xã. Tại sao lại có thể nói là khi quy hoạch chưa xem xét rõ? Câu trả lời của UBND xã Hòa Sơn liệu đã thỏa đáng?

Xin được nhắc lại ngoài tuyên bố có sự bất thường của Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn, ông Hoàng Thế Ước dẫn đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp như hiện nay thì một lãnh đạo khác của UBND xã Hòa Sơn cũng đã từng gửi tin nhắn đến doanh nghiệp để xin ô tô cho cá nhân mình. Liệu chăng, khi không đạt được lợi ích thì cá nhân một số lãnh đạo UBND xã Hòa Sơn đã giăng ra bức "bình phong" lợi ích gây khó khăn cho doanh nghiệp?

Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin chi tiết đến bạn đọc!