19/01/2025 lúc 06:52 (GMT+7)
Breaking News

Vĩnh Phúc: Luật và công tác quản lý người nước ngoài gặp nhiều khó khăn

VNHN - Theo thống kê của các ngành chức năng, từ ngày 01/01/2015 đến nay, có gần 49.000 lượt người nước ngoài và Việt kiều đến Vĩnh Phúc, trong đó có gần 16.000 lượt người đến làm việc; 23.000 lượt người đi du lịch; 3.000 lượt người thăm người thân; trên 5.200 lượt người tình nguyện; gần 300 lượt người hoạt động tôn giáo và trên 750 lượt người hoạt động từ thiện. Việc này khiến công tác quản lý người nước.

VNHN - Theo thống kê của các ngành chức năng, từ ngày 01/01/2015 đến nay, có gần 49.000 lượt người nước ngoài và Việt kiều đến Vĩnh Phúc, trong đó có gần 16.000 lượt người đến làm việc; 23.000 lượt người đi du lịch; 3.000 lượt người thăm người thân; trên 5.200 lượt người tình nguyện; gần 300 lượt người hoạt động tôn giáo và trên 750 lượt người hoạt động từ thiện. Việc này khiến công tác quản lý người nước.

 

Con số thống kê nói trên được thể hiện qua số người nước ngoài đến cư trú chủ yếu từ các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Mỹ, Campuchia... Cùng với 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 16 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư và có ngành công nghiệp, du lịch phát triển, an ninh, chính trị ổn định, những năm gần đây, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương được nhiều người nước ngoài lựa chọn để sống, làm việc, học tập. Thế nhưng, việc ngày càng có đông người nước ngoài đến cư trú đã khiến cho công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

Người nước ngoài hoạt động và cư trú ngày càng nhiều

Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc thu hút hơn 330 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 4,397 tỷ USD và thường xuyên có gần 1.600 người người nước ngoài làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không chỉ giúp Vĩnh Phúc tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng mà còn góp phần giải quyết việc làm cũng như nâng cao trình độ tay nghề cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.

Riêng đối với lĩnh vực quản lý đầu tư, cấp phép kinh doanh cho người nước ngoài từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, từ năm 2019 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải quyết 38 hồ sơ đề nghị góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, đã ra thông báo chấp thuận đầu tư cho 37 trường hợp và từ chối chấp thuận đầu tư 1 trường hợp do hồ sơ có dấu hiệu bị làm giả, thiếu trung thực. Đặc biệt, qua rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện một doanh nghiệp có dấu hiệu đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” và UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 5555 về biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng này.

Tuy nhiên, xu hướng ngày càng có nhiều người nước ngoài đến làm việc, du lịch, học tập cũng khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý do có nhiều trường hợp người nước ngoài nhập cảnh hoạt động không đúng mục đích, chương trình theo đề nghị xin cấp thẻ tạm trú.

Theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện 144 trường hợp người nước ngoài, chủ yếu là quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan sử dụng thị thực ký hiệu DL (cấp cho người vào du lịch) nhưng không thực hiện lịch trình du lịch theo đơn vị bảo lãnh mà đến địa bàn hoạt động với mục đích thăm người thân, hoạt động tôn giáo, tìm thị trường đầu tư, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật...

Vĩnh phúc thường xuyên có gần 1.600 người người nước ngoài làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp

Cùng với đó là phát hiện 201 trường hợp vi phạm quy định xuất nhập cảnh; xử phạt vi phạm hành chính 120 vụ liên quan đến người nước ngoài. Trong đó, có 118 trường hợp khai không đúng sự thật để được cấp thị thực Việt Nam; 73 trường hợp cho người nước ngoài nghỉ qua đêm nhưng không khai báo tạm trú theo quy định; 7 trường hợp hoạt động không đúng mục đích, chương trình theo đề nghị cấp thẻ tạm trú và có hoạt động khác tại Việt Nam mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; 3 trường hợp đi lại quá phạm vi được phép, nhập cảnh trái phép và sử dụng chứng nhận tạm trú quá hạn.

Tại địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, huyện Tam Đảo và các khu vực xung quanh các khu công nghiệp có đông người nước ngoài cư trú ngày càng mọc lên nhiều nhà hàng, quán karaoke, khu dịch vụ, giải trí cho người nước ngoài. Việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

“Lách luật” khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn

Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cho công an địa phương, đại diện cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở lưu trú các nội dung; tuyên truyền để chính quyền các địa phương, nhân dân có ý thức đề cao cảnh giác phòng chống các hành vi vi phạm do người nước ngoài, lực lượng lao động là người nước ngoài gây ra tại nơi cư trú, lao động. Giúp người nước ngoài hiểu và chấp hành tốt pháp luật Việt Nam khi làm việc, cư trú trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ chiến sĩ phòng Xuất nhập cảnh tích cực công tác kiểm tra giám sát các hồ sơ

Song song với công tác nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, UBND tỉnh đồng thời yêu cầu Công an tỉnh, các đơn vị liên quan tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý cư trú hoạt động của người nước ngoài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, người nước ngoài làm việc, học tập, cư trú trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam, khai báo, đăng ký cư trú theo quy định.

Nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc chưa phát hiện trường hợp người nước ngoài hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
Nhưng thực tế Vĩnh Phúc nói riêng và các tỉnh nói chung công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn do Luật Lao động, Luật Đầu tư có một số nội dung chưa thống nhất và phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cho phép người nước ngoài được phép vào Việt Nam làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam và được cấp thị thực ký hiệu doanh nghiệp nhưng theo quy định tại Điểm e, Điều 7 của Nghị định số 11 của Chính phủ quy định, đối với người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích hỗ trợ kỹ thuật thì trong 1 năm chỉ được phép tạm trú tối đa không quá 90 ngày và mỗi lần nhập cảnh được phép hỗ trợ kỹ thuật, tạm trú tối đa không quá 30 ngày. Lách kẽ hở của quy định này,  các doanh nghiệp đã sử dụng danh nghĩa bảo lãnh cho người nước ngoài vào hỗ trợ kỹ thuật nhưng thực tế lại làm việc lâu dài và cứ 3 tháng lại bảo lãnh cho người nước ngoài vào làm việc tiếp.

Bên cạnh đó, hiện chưa có chế tài xử lý các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài nhưng không thực hiện thủ tục bảo lãnh nhập cảnh bởi Nghị định số 167 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội chưa được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trước những khó khăn trong công tác quản lý trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn người lao động nước ngoài, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm trên cơ sở đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, ổn định sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài cho phù hợp với thực tế./.