24/11/2024 lúc 03:07 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều điểm mới trong quy định về xuất nhập cảnh

VNHN-Trong khuôn khổ phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Dự thảo Luật nêu 4 quyền quan trọng của công dân trong lĩnh vực này.  

VNHN-Trong khuôn khổ phiên họp thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Dự thảo Luật nêu 4 quyền quan trọng của công dân trong lĩnh vực này.  

Theo Tờ trình, dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam gồm 6 chương, 40 điều.  Đáng lưu ý, dự thảo có nhiều điểm mới cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Đó là 4 quyền mang tính nguyên tắc: quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các trường hợp, thời hạn, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh (trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành); quy định đối tượng, thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh để thể hiện sự minh bạch, phù hợp với thực tế hiện nay.

Mặt khác, tuỳ từng trường hợp cụ thể, bị tạm hoãn xuất cảnh vẫn có thể được xem xét cấp hộ chiếu, đây là một điểm mới quan trọng (quy định hiện hành là tạm hoãn xuất cảnh không được cấp hộ chiếu).

Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cụ thể là phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và tình hình thực tế hiện nay, dự thảo Luật đã quy định chi tiết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp.

Theo đó, đối với các trường hợp bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 124)) thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp người đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế; quyết định của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia; người có nghĩa vụ trong vụ án, vụ việc về dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, lao động, hành chính, nếu có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, vụ việc, lợi ích của Nhà nước… thì tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn người vi phạm, người có nghĩa vụ phải chấp hành bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.

Trường hợp vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh là không quá 1 năm và có thể gia hạn, thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 1 năm.

Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời hạn là không quá 3 năm và có thể gia hạn, mỗi lần không quá 3 năm.

Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh của “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế đối với trường hợp đang có nghĩa vụ nộp thuế” để đảm bảo phù hợp với Luật Quản lý thuế; đồng thời bỏ quy định về hộ chiếu thuyền viên để phù hợp với Bộ luật Hàng hải.