Văn học nghệ thuật Việt Nam cần bám sát “hơi thở cuộc sống”
VNHNNgày 29/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 353/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ngày 29/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 353/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ảnh minh họa
Thông báo nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp văn hóa nói chung, phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng. Kể từ khi có Đảng, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ, thực hiện tốt sứ mệnh cao quý trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, bồi dưỡng, phát triển con người toàn diện.
Ở bất kỳ thời kỳ, giai đoạn phát triển nào, văn học, nghệ thuật cũng luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; kịp thời truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 35 năm đổi mới, góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển để có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay”.
Trong quá trình phát triển đó, mặc dù có những bước thăng trầm, song thời kỳ nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc, những đóng góp trí tuệ, sức lực có ý nghĩa to lớn của các văn nghệ sĩ, trí thức, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bồi đắp và khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để đấu tranh chống chế độ thực dân cũ và mới, giành độc lập dân tộc và tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thành tựu có được đó là do các nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, văn học, nghệ thuật nước nhà đã bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, có chất lượng các nhiệm vụ được giao. Thứ hai, bằng tâm huyết, trách nhiệm, lao động nghệ thuật không mệt mỏi, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức đã xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất để phát huy những giá trị cốt lõi của mình và khắc phục những khó khăn, vượt qua những hạn chế. Thứ ba, nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể; sự ủng hộ, hưởng ứng, cổ vũ của đông đảo nhân dân đối với giới văn học, nghệ thuật. Mỗi tác giả, tác phẩm xuất sắc đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, trong nhân dân, được nhân dân đánh giá cao.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, những thành tựu của nền văn học, nghệ thuật đã đạt được chưa tương xứng; vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một là, mặc dù có chất liệu phong phú, điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật sáng tạo, phát triển, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam còn thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, đi sâu vào lòng người, xứng tầm với sự nỗ lực, cố gắng, thành quả đạt được của đất nước ta, nhân dân ta, tương xứng với sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế, xứng tầm với tình cảm, sự tôn trọng của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam. Hai là, trong thời gian qua, khi cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19, có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật kịp thời có tác dụng tốt, nhưng chưa khắc họa được hết sự khốc liệt của dịch bệnh, cũng như sự kiên cường, hy sinh vượt qua gian khổ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần cổ vũ, truyền cảm hứng, tạo động lực, khơi dậy sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và phát triển.
Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc - giá trị chân - thiện - mỹ.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong bối cảnh đó, giới văn học, nghệ thuật nói riêng và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được những năm qua, ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức, bám sát tôn chỉ, mục đích, tập trung làm tốt những nhiệm vụ.
Cụ thể, giới văn học, nghệ thuật nói riêng và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy mạnh mẽ trí tuệ và tinh thần dân chủ để phát triển văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, văn hóa, con người Việt Nam.
Hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ của mình, khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành sứ mệnh mà đất nước, nhân dân giao cho; tiếp tục xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, văn học nghệ thuật của nhân loại, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc để sáng tạo công trình, tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, tinh thần dân tộc để quảng bá hình ảnh văn hóa, con người và nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam trên trường quốc tế; đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch…
Tập trung triển khai nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các giải pháp, nhiệm vụ đột phá được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên cần bám sát “hơi thở cuộc sống” để có nhiều công trình, tác phẩm cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống dịch COVID-19 gắn với phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch...