11/01/2025 lúc 03:10 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh về làm chủ công nghệ

Có thể nói, tự lực cánh sinh, làm chủ nhà máy, làm chủ công nghệ là một hợp phần quan trọng trong tư tưởng độc lập tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ về thăm Khu gang thép Thái Nguyên năm 1964. Ảnh: TL

Thất bại của Phan Bội Châu khi cầu viện Nhật để chống Pháp; của Phan Châu Trinh khi dựa vào Pháp để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hình thành tư tưởng tự chủ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong đó có tự chủ về con đường giải phóng dân tộc, làm chủ về quản lý, công nghệ trong xây dựng đất nước.

Năm 1944, sau sự kiện phi công R. Shaw được Việt Minh cứu thoát ở vùng núi Cao Bằng, Bác đặt vấn đề với lực lượng Mỹ, huấn luyện Việt Minh cùng chống Nhật. Khi được hỏi cần hỗ trợ những loại vũ khí nào, Bác gợi ý ưu tiên huấn luyện các kỹ năng tác chiến và sử dụng vô tuyến điện trước. Ngày 09/5/1945, Người viết thư cho 2 viên sĩ quan Charles Fenn và Bernard bày tỏ mong muốn “Các bạn của chúng tôi sẽ học được vô tuyến điện và những thứ cần thiết khác”.

Tháng 1/1945, trên cương vị Chủ tịch nước, Người gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Byrnes, đề nghị gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ để “xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”.

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến vấn đề quản lý, làm chủ công nghệ trong xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Những chuyến ngoại giao của Người đã góp phần mở ra con đường các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam hình thành các khu công nghiệp Thượng Đình, Việt Trì, Thái Nguyên, Uông Bí (Quảng Ninh). Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề ngay trong quá trình xây dựng, tiếp quản các công trình công nghiệp.

Ngày 13/4/1959, về thăm Khu Công nghiệp Việt Trì, Người căn dặn cán bộ, công nhân phải cố gắng học tập để nâng cao chuyên môn, kỹ thuật, sao cho các nhà máy sớm ra đời, có được những sản phẩm tự lực cánh sinh mà xưa nay vẫn phải mua của nước ngoài.

Với Nhà máy cơ khí Hà Nội, chỉ trong 4 năm đã 9 lần được đón Bác về thăm. Lần nào Người cũng hỏi thăm và căn dặn 2 vấn đề: Làm chủ công nghệ, sản xuất các loại máy cái và cải tiến quản lý xí nghiệp. Trong lần Bác về thăm nhà máy lần thứ ba, ngày 30/8/1958, Người ân cần phân tích, Liên Xô đã giúp ta xây Nhà máy, nhiệm vụ của các chú là quản lý cho tốt, nâng cao kỹ năng chế tạo, sản xuất ngày càng hoàn chỉnh các loại máy công cụ có độ chính xác cấp 2 trang bị cho ngành cơ khí cả nước, tự lực cánh sinh khôi phục và phát triển kinh tế.

Ngày 08/6/1959, đến thăm Công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên. Người khen kết quả xây dựng bước đầu của Công trường và nhắc nhở mọi người nhận rõ tiền đồ của mình, nhận rõ trách nhiệm làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Có thể nói, tự lực cánh sinh, làm chủ nhà máy, làm chủ công nghệ là một hợp phần quan trọng trong tư tưởng độc lập tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Đông Triều (CT)

Xuân Hòa