22/11/2024 lúc 09:25 (GMT+7)
Breaking News

Bước tiến mới trên lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh

Vệ tinh NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020. 

Vừa qua, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam bay vào vũ trụ từ bãi phóng Uchinoura (Nhật Bản) đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành công nghệ vũ trụ còn non trẻ của Việt Nam. Chứng kiến giây phút tự hào, xen lẫn niềm kiêu hãnh này, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã gọi điện chúc mừng các nhà khoa học của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: “Tôi có cảm giác như đang bay theo trái tim của Tổ quốc, bay cùng vệ tinh NanoDragon để lên quỹ đạo. Vệ tinh NanoDragon là hình ảnh tương lai cho nền công nghiệp vũ trụ Việt Nam…”.

Vệ tinh NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020. 

Tên lửa Epsilon-5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tây nam Nhật Bản ngày 9/11. Ảnh: KYODO/TTXVN

Vệ tinh “made in Vietnam”

Sự kiện phóng vệ tinh NanoDragon thành công được đánh giá là bước ngoặt lớn trên lộ trình tự chủ về công nghệ làm vệ tinh cỡ nhỏ của  các kỹ sư Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Tiến sĩ Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, đến nay, Việt Nam đã phóng thành công lên quỹ đạo ba vệ tinh. Vệ tinh PicoDragon (năm 2013) được làm hoàn toàn ở Việt Nam, nhưng còn đơn giản và được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiều của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Vệ tinh MicroDragon (năm 2019) được làm bởi 36 kỹ sư người Việt Nam nhưng tại Nhật Bản, nơi có nền công nghiệp vũ trụ đã phát triển. Đến vệ tinh NanoDragon, từ thiết kế, gia công chế tạo, lắp ráp tích hợp đến thử nghiệm chức năng đều thực hiện ở Việt Nam và không cần sự giúp đỡ nào đáng kể về mặt công nghệ. Dự án phát triển vệ tinh NanoDragon cũng là một dự án rất trọn vẹn vì có đủ cả chế tạo vệ tinh, phóng và vận hành điều khiển vệ tinh.

Vệ tinh NanoDragon được phát triển để chứng minh có thể dùng chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (cho mục đích tránh va chạm và phối hợp dữ liệu để theo dõi giám sát phương tiện trên biển), đồng thời chụp ảnh mặt đất để xác định độ chính xác của hệ thống điều chỉnh tư thế vệ tinh. Mỗi ngày, vệ tinh sẽ bay qua Việt Nam khoảng hai lần. Trạm mặt đất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ gửi lệnh, giao tiếp với vệ tinh, tiếp nhận, xử lý những thông tin vệ tinh gửi về. Nhóm 20 kỹ sư trực tiếp làm vệ tinh NanoDragon đã được đào tạo tại Nhật Bản, được các chuyên gia nước bạn hỗ trợ, tư vấn trong quá trình thiết kế, chế tạo hai vệ tinh trước đây. Đây là thành quả của sự hợp tác với quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ vũ trụ; từ học hỏi, từng bước làm chủ, giờ đây chúng ta đã tự phát triển được vệ tinh cỡ nhỏ cho riêng mình. 

Chia sẻ niềm vui sau khi vệ tinh đã làm việc trên quỹ đạo, kỹ sư Nguyễn Văn Thức cho biết, ai cũng hồi hộp chờ “trái tim” vệ tinh đập sau bốn năm thiết kế, chế tạo. Tiếp cận vệ tinh ban đầu khá nhẹ nhàng vì kiến thức thiết kế vệ tinh của các kỹ sư đã cao hơn, nhưng càng đi vào chi tiết càng gian nan. Thử thách nhất là thiết bị mua của nhiều hãng, với những tiêu chuẩn riêng khiến quá trình tích hợp vệ tinh rất vất vả; công nghệ của máy tính trung tâm và các thiết bị của vệ tinh cũng không tương thích. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Thức, sáng tạo và tùy cơ ứng biến đã giúp nhóm vượt qua mọi trở ngại. Chẳng hạn, phần cứng đã được “chế” thêm các nhiệm vụ để hỗ trợ các kết nối giữa các thiết bị, phần mềm cũng phải lập trình để giao tiếp trơn tru. Chưa có thiết bị mô phỏng ánh sáng mặt trời trên quỹ đạo để thử nghiệm pin mặt trời thì nhóm đem pin phơi dưới nắng để thử...

Tiếp tục nhiệm vụ chinh phục bầu trời 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, việc phát triển công nghệ vũ trụ mà trước hết là làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh rất quan trọng. Mỗi quốc gia có cách tiếp cận công nghệ vũ trụ khác nhau, có thể mua ảnh dữ liệu vệ tinh của các nước khác, hoặc từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ. Việt Nam tiếp cận theo cách từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ. Hướng đi này đòi hỏi thời gian, sự đầu tư và nhiều thử thách, nhưng bền vững, nhất là trong điều kiện Việt Nam cần chủ động giám sát tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng của thế giới cũng làm vệ tinh cỡ siêu nhỏ, tích hợp nhiều công nghệ và tiết kiệm chi phí.

Chiến lược Phát triển và Ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 2/2021 đã đề ra nhiệm vụ: Đầu tư phát triển năng lực quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, bằng công nghệ cảm biến quang học, radar. Do đó,  việc phóng thành công vệ tinh NanoDragon là cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của Chiến lược, hoàn toàn có thể tự thiết kế, chế tạo chùm vệ tinh quan sát Trái đất phát triển những vệ tinh lớn hơn, dần làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất ở mức độ cao hơn. 

Theo các chuyên gia, chế tạo vệ tinh là ngành công nghệ cao tập hợp các ngành công nghệ cao khác (như mạch điện tử, sản xuất pin mặt trời…) do đó, là biểu tượng sức mạnh công nghệ của mỗi quốc gia. Hiện, Việt Nam đang ở top 4 nước ở ASEAN về công nghệ vệ tinh (cùng Singapore, Indonesia, Malaysia). Trong lộ trình phát triển ngành công nghệ vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang thực hiện dự án chế tạo hệ thống vệ tinh LOTUSat-1, sử dụng công nghệ radar khẩu độ tổng hợp do Nhật Bản thiết kế, chế tạo. Đây là vệ tinh có tính ứng dụng cao, dự kiến phóng vào cuối năm 2023.

Trong tám năm qua, những “con rồng nhỏ” của Việt Nam lần lượt sánh vai, bay vào quỹ đạo cùng những vệ tinh khác của các nước. Các nhà khoa học cho rằng, thời gian tới, cần có đầu tư dài hạn, xây dựng các dự án tầm quốc gia và chính sách ưu đãi cho cán bộ trẻ lĩnh vực này để tạo nguồn lực bền vững thực hiện Chiến lược Phát triển và Ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.