04/02/2025 lúc 23:03 (GMT+7)
Breaking News

Một số nhiệm vụ, giải pháp KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhanh và hiệu quả

Như chúng ta đã biết, những năm qua Việt Nam chúng ta đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng: Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu thụ xanh, hướng tới nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của các sản phẩm.

Các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thanh Hóa, Sở KH&CN Thanh Hóa, Viện Nông nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức chủ trì Diễn đàn: "Những vấn đề đặt ra đối với khoa học, công nghệ vươn lên trở thành động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2025-2030"

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều lợi thế so sánh về sản xuất nông nghiệp, nhận thức được điều đó, những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đã có nhiều Nghị quyết, chủ trương, chính sách sát đúng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, vì vậy nhìn chung nông nghiệp của Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả mơi. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa đạt 4,17%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên Thanh Hóa có đơn hàng xuất khẩu gạo đến các thị trường có yêu cầu cao như Singapore, Nhật Bản, Philipine. Cũng là năm đầu tiên lĩnh vực trồng trọt của Thanh Hóa tham gia vào thị trường carbon trong sản xuất lúa và mía. Sản xuất hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 125 triệu/1 ha, tăng 5 triệu/1 ha so với cùng kỳ. Xây dựng nông thôn mới đạt và vượt kế hoạch với số lượng xã nông thôn mới đứng thứ 2, xã nông thôn mới nâng cao đứng thứ 4 và xã nông thôn mới kiểu mẫu đứng thứ 7 cả nước đã góp phần quan trọng vào phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên nông nghiệp Thanh Hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân thuộc ngành khoa học công nghệ như: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính đột phá trong nông nghiệp còn ít (giai đoạn 2016-2020 có tổng số 77 nhiệm vụ khoa học và công nghệ về lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 38,7% tổng số các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh, giai đoạn 2020-2024 có 73 nhiệm vụ chiếm hơn 42% tổng số các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh) nhưng chưa có những nhiệm vụ có tính đột phá, các chính sách khoa học và công nghệ cho nông nghiệp chưa nhiều nhưng lại khó đi vào sản xuất và đời sống. Các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp nhiều nhưng tính hiệu quả và tính bền vững chưa cao. Để tiếp tục thực hiện được các mục tiêu của nông nghiệp trong những năm tới và theo định hướng phát biểu chỉ đạo của đồng chí Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ngày 27/12/2024 là: Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung chuyên canh quy mô lớn, công nghệ cao; sản xuất sạch, sản phẩm hữu cơ gắn với chế biến, giá trị gia tăng cao; phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương để phát triển nông nghiệp nhanh, hiệu quả và bền vững. Trước hết và bao trùm phải có thêm các giải pháp mạnh và đồng bộ hơn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh hơn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực sáng tạo hơn của Nông dân, trong đó khoa học công nghệ sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên một số nhiệm vụ nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một số hình ảnh lãnh đạo Sở KH&CN Thanh Hóa thăm, kiểm tra các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp

Thứ nhất: Tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện tốt hơn Nghị quyết Trung ương V, khóa XIII, ngày 16/6/2022 và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trên cơ sở đó để có thêm các giải pháp, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ hóa học, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, thực hiện tốt biện pháp: Một tăng, năm giảm (Tăng sử dụng giống xác nhận, giảm: lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, và thất thoát sau thu hoạch) để giảm nhanh phác thải nhà kính mà chủ yếu là khí CO2 từ sản xuất lúa, trên cơ sở đó để hướng tới sản xuất gạo các bon thấp, chất lượng cao, hiệu quả lớn để thúc đẩy phát triển nhanh hơn nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai: Khuyến khích các nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với mục tiêu đạt mức phát thải ròng trong sản xuất nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng tại Thanh Hóa bằng không theo cam kết của Chính phủ Việt Nam. Ưu tiên các nhiệm vụ hướng đến nghiên cứu đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; các nhiệm vụ ứng dụng chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh tế nông nghiệp, các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ các bon trong sản xuất nông nghiệp, các nhiệm vụ góp phần nâng cao nguồn nhân lực làm kinh tế nông nghiệp và nguồn nhân lực của ngành khoa học, công nghệ tỉnh để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Thứ ba: Tiếp tục ưu tiên các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo ra và phát triển nhiều hơn các hệ sinh thái trong nông nghiệp như: Lúa - cá, Lúa - Rươi, Lúa - Cua - ốc... Đồng thời quan tâm ưu tiên các nhiệm vụ bảo tồn các gen bản địa , du nhập các nguồn gen về cây trồng, vật nuôi mới để vừa bảo tồn tốt các gen quý trong tỉnh vừa tạo thêm được nguồn gen tốt mới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chú trọng hỗ trợ hình thành phát triển các vùng trồng rau quả an toàn, hữu cơ lớn, trái vụ... để không ngừng tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho nông dân trong tỉnh.

Thứ tư: Ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN góp phần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng của các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, hình thành, phát triển thêm các khu nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh. Ưu tiên các nhiệm vụ khoa học công nghệ cho việc xây dựng, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi phù hợp đề từng bước thực hiện tốt biện pháp: Nông - Lộ - phơi (tưới, tiêu chủ động: thời kỳ nào cần ngâm chân lúa, thời kỳ nào cần giữ khô chân lúa, tránh việc tư duy vì là lúa nước dẫn đến ngâm chân lúa dưới nước suốt quá trình sinh trưởng phát triển của lúa dẫn đến tạo ra nhiều phác thải đối với môi trường và tiêu thụ một nguồn nước quá lớn).

Thứ năm: Ưu tiên các nhiệm vụ khoa học công nghệ và chuyển đổi số để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, tập trung vào các nhiệm vụ tự động hóa, viễn thám, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (IA)... nhằm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh (Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến hết tháng 7/2024 toàn tỉnh mới xd được khoảng 210ha nhà màng, nhà lưới và 4000m2 nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ thủy cảnh là còn ít).

Thứ sáu: Tham mưu cho Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh sơ kết các Nghị quyết và chính sách của HĐND, UBND tỉnh thời kỳ 2020- 2024, chỉ rõ các nguyên nhân, trả lời rõ câu hỏi: Vì sao các chính sách khá ưu việt mà không đi vào được sản xuất đời sống, trên cơ sở đó để tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các chính sách mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sát hợp và khả thi. Đồng thời chọn một số nhiệm vụ mà khi thực hiện sẽ tạo nên sự phát triển đột phá có tính chất cách mạng trong nông nghiệp của tỉnh để tập trung nguồn lực thực hiện.

Thứ bảy: Ưu tiên một số nhiệm vụ khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề sau thu hoạch như: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua sắm các máy móc hiện đại nhằm hạn chế thấp nhất hao hụt trong thu hoạch, hỗ trợ xây dựng các kho lạnh nhằm bảo quản tốt rau quả để có nguồn cung cho thị trường quanh năm, từ đó từng bước giải quyết tốt bài toán mất mùa thì được giá và ngược lại được mùa lại mất giá.

Thứ tám: Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia. Đặc biệt quán triệt sâu sắc tinh thần mới của nghị quyết: Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước. Có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Trên tinh thần đó, ngành khoa học công nghệ Thanh Hóa chuẩn bị tốt nguồn lực, chủ động phối hợp với các tổ chức khoa học của tỉnh, trong nước và các nước có nền nông nghiệp tiên tiến để thực hiện quản lý tốt được các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới.

Thứ chín: Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tiếp tục có các chủ trương, chính sách đồng bộ, đủ mạnh để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất nông nghiệp như: Có cơ chế chính sách khuyến khích, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, hoặc cơ chế để các doanh nghiệp mạnh dạn, yên tâm Liên kết với nông dân, với các HTX Nông nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, cung cấp sản phẩm đầu vào cho nông dân (Hiện nay cả nước mới có khoảng 50.000 doanh nghiệp/900.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm tỷ lệ rất thấp) Thanh Hóa cũng cơ bản nằm trong tình trạng chung đó, cần được quan tâm sâu sát hơn trong những năm tới.

Tiến sĩ, Nhà báo Trịnh Văn Súy

...