VNHN - Dự kiến cuối năm nay, vệ tinh Micro Dragon do các kỹ sư Việt Nam chế tạo dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học Nhật Bản sẽ được phóng lên vũ trụ, đánh dấu bước tiến mới trong tiến trình làm chủ ngành công nghệ vũ trụ của nước ta.
Micro Dragon là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có kích thước 50 x 50 x 50 cm, trọng lượng 50 kg, được thiết kế, chế tạo bởi 36 kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Các kỹ sư được cử sang Nhật Bản từ năm 2013 đến năm 2017 để theo học ngành công nghệ vũ trụ. Ðến nay, vệ tinh Micro Dragon đã hoàn thành chế tạo, thử nghiệm thành công và đang chờ giấy phép an toàn để phóng lên vũ trụ tại Nhật Bản vào cuối năm nay.
Các kỹ sư Trung tâm Vũ trụ Việt Nam học tập và thực hành chế tạo vệ tinh Micro Dragon tại Nhật Bản.
Nguồn: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ của nước ta nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ, phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Vệ tinh còn có nhiệm vụ phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí (chất lơ lửng phân tán trong không khí) để phục vụ việc hiệu chỉnh khí quyển; thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó nhanh chóng chuyển các dữ liệu thu được tới các trạm vệ tinh cách xa nhau trên Trái đất.
Vệ tinh Micro Dragon là vệ tinh thứ hai trong chuỗi các vệ tinh do Việt Nam chế tạo để tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh theo lộ trình đề ra của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Vào tháng 8-2013, vệ tinh Pico Dragon do các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo, đã được phóng thành công lên vũ trụ tại Nhật Bản. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh này từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Thử nghiệm rung động, nhiệt và một số thử nghiệm khác thực hiện tại Nhật Bản.
Sau ba tháng hoạt động trên quỹ đạo, vệ tinh đã hoàn thành nhiệm vụ chụp ảnh Trái đất, đo đạc một số thông số vệ tinh, môi trường vũ trụ và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, thời gian tới, các kỹ sư của Trung tâm sẽ tham gia thực hiện hợp phần chế tạo các vệ tinh có kích thước lớn gồm vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2.
Hai vệ tinh này có nhiệm vụ cảnh báo sớm thiên tai, biến đổi khí hậu, phục vụ đánh bắt xa bờ, an ninh quốc gia… Công nghệ ra-đa sử dụng trong chế tạo hai vệ tinh này cho phép chụp ảnh vệ tinh trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi xảy ra thiên tai, bão lũ.
Các chuyên gia kỳ vọng, việc đưa vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2 vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng cảnh báo sớm, giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam; đến giai đoạn chế tạo LOTUSat-2, việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư người Việt Nam thực hiện.
GS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, hiện nay trình độ công nghệ vũ trụ của Việt Nam đứng ở tốp giữa khu vực Ðông - Nam Á. Sau khi chế tạo thành công hai vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, đội ngũ cán bộ trình độ cao về công nghệ vệ tinh lớn mạnh hơn, từ đó, Việt Nam có thể vươn lên vị trí tốp đầu trong khu vực.
Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020 do Chính phủ phê duyệt đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất; làm chủ công nghệ và kỹ thuật tên lửa; đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ.
Xu thế sử dụng, chia sẻ dữ liệu vệ tinh để phục vụ nghiên cứu, quản lý đang ngày càng phổ biến. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tập trung phát triển nhân lực, bên cạnh việc đào tạo đội ngũ chuyên gia nòng cốt để từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hướng đến xây dựng lực lượng kế cận qua các hoạt động phổ biến kiến thức, trải nghiệm công nghệ vũ trụ cho học sinh, sinh viên./.