29/03/2024 lúc 01:18 (GMT+7)
Breaking News

Sẵn sàng làm chủ công nghệ 5G

VNHN - Việc triển khai mạng 5G tại Việt Nam đang khá thuận lợi khi các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) trong nước chủ động phát triển hạ tầng, tích cực nghiên cứu, sản xuất, thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối. Việc làm chủ công nghệ mạng viễn thông thế hệ mới này có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và định vị thương hiệu công nghệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

VNHN - Việc triển khai mạng 5G tại Việt Nam đang khá thuận lợi khi các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) trong nước chủ động phát triển hạ tầng, tích cực nghiên cứu, sản xuất, thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối. Việc làm chủ công nghệ mạng viễn thông thế hệ mới này có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và định vị thương hiệu công nghệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Ảnh minh họa - Internet 

Tác nhân quan trọng trong chuyển đổi số

Chủ tịch Công ty mạng và viễn thông đa quốc gia Ericsson tại các thị trường Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào Denis Brunetti nhận định, 5G là một tác nhân quan trọng giúp việc chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Trước đây, khi đầu tư vào một quốc gia, các tập đoàn lớn thường nhìn vào cơ sở hạ tầng gồm giao thông, điện, nước,... Nhưng hiện nay, hạ tầng còn bao gồm các kết nối tốc độ cao, mạng viễn thông và di động. Việt Nam là một trong số những quốc gia triển khai sớm 5G, đây là yếu tố giúp thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

Theo thống kê của Tập đoàn Qualcomm, hiện có hơn 60 nhà mạng ở 30 quốc gia đã triển khai thương mại công nghệ 5G. Hơn 380 nhà mạng ở 120 quốc gia đang đầu tư để chuẩn bị triển khai 5G thương mại trong thời gian sắp tới. Dự kiến đến năm 2023, sẽ có khoảng 1 tỷ kết nối 5G trên toàn cầu và sẽ tăng lên 2,8 tỷ vào năm 2025.

Theo các chuyên gia nhận định, để có mạng 5G “Make in Viet Nam” cần làm chủ được thiết bị 5G. Cụ thể hơn, đó là hệ thống mạng lưới bao gồm hai thành phần cơ bản là trạm thu phát sóng và hệ thống mạng lõi, cùng với đó là thiết bị đầu cuối. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam hiện có thể tự thiết kế sản xuất các thiết bị mạng cũng như thiết bị đầu cuối cho mạng 5G.

Tăng tốc sản xuất thiết bị 5G "Make in Vietnam"

Đầu năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên thực hiện thành công cuộc gọi sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do chính Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Tại triển lãm trình diễn các sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam" vừa diễn ra tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel đã trưng bày mẫu trạm BTS 5G do Viettel tự sản xuất. Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất chip 5G. 

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (Tập đoàn Vingroup) đã phát triển thành công mẫu điện thoại 5G đầu tiên được làm chủ bởi chính người Việt Nam mang tên gọi Vsmart Aris 5G. Bằng việc ứng dụng công nghệ bảo mật lượng tử-công nghệ bảo mật an toàn bậc nhất hiện nay, Vsmart Aris 5G đã đưa Việt Nam song hành cùng các quốc gia phát triển trong cuộc cách mạng công nghệ 5G trên toàn cầu. Trong thời gian tới, VinSmart sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện những sản phẩm 5G thế hệ tiếp theo. Điện thoại 5G thương hiệu Vsmart sẽ có khả năng hỗ trợ cả hai công nghệ 5G hiện nay là Sub6 và mmWave. Trung tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao cho rằng, việc thiết kế và sản xuất chip 5G mang thương hiệu Viettel là một bước đi quan trọng trong hành trình tiến tới làm chủ toàn bộ công nghệ liên quan đến 5G của Viettel. Ngoài ra, Viettel cũng đặt quyết tâm vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip "Make in Vietnam". Để thực hiện điều này, ngoài việc hợp tác với các công ty quốc tế để chuyển giao công nghệ, Viettel kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất chip trong và ngoài nước, cùng đội ngũ các nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu tại các trường đại học.

Nhận định về thiết bị đầu cuối 5G đầu tiên này, Giám đốc Trung tâm đo lường (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông-TT&TT) Nguyễn Phi Tuyến cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần Vsmart Aris 5G. Kết quả cho thấy, tốc độ 5G trên điện thoại thông minh Vsmart sử dụng băng tần Sub6 cao gấp gần 8 lần 4G và hứa hẹn tiếp tục cải thiện khi VinSmart ứng dụng băng tần mmWave trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng VinSmart sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện các sản phẩm 5G khác, tiến tới phổ cập công nghệ này ở Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ 5G không chỉ đóng góp nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế mà còn mở ra một kỷ nguyên kết nối trong cách mạng công nghệ”.

Chia sẻ định hướng của VinSmart trong sản xuất thiết bị 5G, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart Trần Minh Trung đưa ra quan điểm: “Tất cả quốc gia đều dùng mạng 5G để chứng minh trình độ khoa học công nghệ. Chính vì vậy, chúng tôi xác định 5G là dự án chiến lược, đồng thời dồn tâm huyết để phát triển các dòng sản phẩm công nghệ với hàm lượng chất xám cao. VinSmart không chỉ tự nghiên cứu, sản xuất cả phần cứng và phần mềm mà sẽ tạo ra một hệ sinh thái 5G "Make in Vietnam”.

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã công bố thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G đạt hơn 2,2Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0. Với việc tích hợp mạng 5G thử nghiệm thành công vào cấu trúc mạng hiện hữu, VNPT sẵn sàng về mặt kỹ thuật, công nghệ và cấu trúc mạng lưới cho việc triển khai mạng 5G thương mại. Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng kết thúc thử nghiệm mạng 5G vào tháng 4 theo giấy phép được Bộ TT&TT cấp. 

Tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hoá 5G

Theo như đánh giá của Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương Thiều Phương Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có năng lực thiết kế và sản xuất các thiết bị 5G theo tiêu chuẩn cao nhất, bao gồm phần cứng, phần mềm và thử nghiệm. Để giúp các đối tác Việt Nam sản xuất thiết bị, phát triển và thương mại hóa các thiết bị "Make in Vietnam" đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, Qualcomm đang làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam. Qualcomm vừa khai trương 4 phòng thử nghiệm tại Hà Nội nhằm thử nghiệm các sản phẩm 5G để bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất. 

Nhận định về tình hình phát triển mạng 5G tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ, bộ sẽ tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G ngay trong năm 2020. Ngoài ra, bộ đã thành lập tổ công tác thúc đẩy phát triển 5G. Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, tập đoàn công nghệ để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển, sớm triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam.

Trong năm 2020, bộ sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu CNTT tập trung, khu công nghiệp, khu nghiên cứu, các trường đại học và tại khu vực trung tâm các tỉnh, thành phố. Ngay trong tháng 7, Bộ TT&TT sẽ cho triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam vào tháng 10-2020. 

Việc thử nghiệm thành công mạng 5G và tăng tốc làm chủ thiết bị đầu cuối 5G "Make in Vietnam" cho thấy, Việt Nam đã sẵn sàng cho hành trình phát triển và làm chủ các công nghệ tiên tiến nhất. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho việc nước ta đang tăng tốc trong Cách mạng công nghiệp 4.0.