22/01/2025 lúc 12:40 (GMT+7)
Breaking News

Luật sư Trần Đình Dũng: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và toàn diện vào pháp luật quốc tế

Trong thời kỳ hội nhập, hệ thống pháp luật quốc gia riêng biệt khác nhau tùy vào đặc điểm của từng quốc gia. Như vậy việc hội nhập vào luật pháp quốc tế ra sao để đất nước chắp cánh sánh vai với các cường quốc năm châu? Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng Luật sư Trần Đình Dũng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh.

PV: Trong thế giới hội nhập ngày nay, pháp luật quốc gia Việt Nam ta hội nhập như thế nào với thế giới?

Luật sư Trần Đình Dũng: Ngày nay không phải như xưa, tất cả các ngành nghề đều hội nhập vào sự tiến bộ của nhân loại. Pháp luật cũng không ngoại lệ. Các quốc gia khác nhau tuy mang đặc điểm xã hội khác nhau nhưng đều phải dựa trên các nguyên tắc luật pháp mà quốc tế thông qua. Hàng loạt các công ước quốc tế được ban hành, phải nói rằng đã phủ kín hết tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội bởi công ước.

Pháp luật quốc gia buộc phải thay đổi theo xu thế chung của tiến bộ nhân loại. Nước ta hiện là quốc gia tham gia hầu hết các công ước quốc tế. Có những công ước một số quốc gia còn cân nhắc băn khoăn chưa ký thì Việt Nam chúng ta cũng đã ký thông qua.

Luật sư Trần Đình Dũng – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh

PV: Cụ thể, hiện chúng ta đã ký kết các hiệp ước ra sao?

Luật sư Trần Đình Dũng: Cho đến nay, Việt Nam chúng ta đã thông qua hàng trăm Hiệp ước đa phương và song phương, đủ các lĩnh vực. Cụ thể như sau:

+ Công ước về quyền cơ bản con người: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969; Công ước về Quyền Trẻ em 1989; Công ước Chống tra tấn…

+ Công ước về lao động: Việt Nam đã gia nhập 25 công ước về quyền lao động của ILO – Tổ chức Lao động Quốc tế.

+ Công ước về thương mại: Việt Nam cho đến nay đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 3 hiệp định chuẩn bị ký kết.

Hàng trăm hiệp định song phương được ký giữa Việt Nam và các quốc gia.

Tham gia các hiệp ước nên hệ thống pháp luật nước ta đã thay đổi trong tất cả các lĩnh vực để tuân thủ theo các nguyên tắc pháp luật chung của thế giới. Chẳng hạn như sau khi ký kết tham gia công ước về quyền lao động của ILO, chúng ta đã phải bỏ Bộ luật lao động năm 2012 để ban hành Bộ luật lao động năm 2019 nhằm qui định lại các mối quan hệ cho phù hợp với quyền lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO đưa ra trong các công ước.

Phải nói rằng, cho tới nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và toàn diện vào pháp luật quốc tế. Pháp luật quốc tế chính là nền tảng của trật tự quốc tế hiện đại.

Luật sư Trần Đình Dũng tại buổi họp báo “Khủng hoảng” truyền thông Báo chí

PV: Luật sư nghĩ như thế nào về tiến trình hội nhập pháp luật của nước ta vào quốc tế?

Luật sư Trần Đình Dũng: Trong thế giới hiện đại, tất cả các quốc gia đều phải có trách nhiệm trong việc tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện trách nhiệm quốc tế này, nhất là những năm gần đây.

Tiến trình hội nhập pháp luật của nước ta xuất phát từ truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, từ ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam cùng với sự nỗ lực trong chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Tất cả điều đó nhằm hướng tới một xã hội luôn quan tâm đến sự phát triển con người và một nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, như hiến pháp nước ta minh định.

Hội nhập pháp luật quốc tế chính là đem lại cơ hội phát triển cả về kinh tế và cả về văn hóa xã hội, qua đó đời sống người dân Việt Nam ngày một được nâng cao.

Tôi nghĩ rằng, hội nhập pháp luật quốc tế là cơ hội phát triển mọi mặt và không hề hạn chế gì đối với bản sắc xã hội người Việt ta, bởi trong các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã có các nguyên tắc đảm bảo đối với bản sắc đặc thù từng quốc gia.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Trí Đức (thực hiện)

...