VNHN - Sự ra đời các phương tiện truyền thông mới đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có.
Một trong những vấn đề khiến dư luận dậy sóng thời gian qua là việc một số nhà báo lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn tự do, thiếu thận trọng, giảm sút niềm tin của công chúng. Bởi, dù ở cương vị nào, những “người thư ký của thời đại” luôn phải có trách nhiệm về phát ngôn của mình với vai trò dẫn dắt dư luận và trách nhiệm phụng sự xã hội...
SỨC MẠNH CỦA BÁO CHÍ TRUYỀN THÔNG HIỆN ĐẠI
Nếu tính trong năm 1995, thế giới mới chỉ có 154 tờ báo mạng điện tử, đến nay đã có hàng trăm triệu website, blog cá nhân khác nhau, hằng ngày, hằng giờ thu hút vài tỷ lượt người xem và trao đổi thông tin. Sự phát triển kỳ diệu của Internet đã khiến thế giới ngày trở nên phẳng hơn, tạo ra một “thế giới phẳng” (1) với xa lộ thông tin kết nối toàn cầu. Trên nền tảng đó, các mạng xã hội cũng ra đời khiến các phương tiện truyền thông nhỏ bé như chiếc điện thoại di động trở thành “vật bất ly thân” của con người trong xã hội hiện đại, bởi chỉ cần chiếc điện thoại di động “tầm tầm”, công chúng có khả năng “lướt web” và dễ dàng kết nối thông tin, chia sẻ tình cảm với người thân, bạn bè, thậm chí bày tỏ những suy nghĩ về các lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả những khía cạnh nhạy cảm, sự hiểu biết và kinh nghiệm trong cuộc sống…
Thực tế cho thấy, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng hiện đại và nhanh nhạy, góp phần đưa các quốc gia, khu vực trên thế giới xích lại gần nhau thông qua mạng Internet.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới và các nước trong khu vực đang trải qua nhiều diễn biến phức tạp, các cuộc xung đột sắc tộc vẫn liên tiếp xảy ra, những bất đồng và tranh chấp lãnh thổ ngày càng leo thang, xung đột giữa các quốc gia vẫn ngấm ngầm và công khai, mưu toan lật độ và gây bạo loạn đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, an ninh chính trị trên toàn thế giới. Trong công tác phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, báo chí truyền thông luôn giữ một vị trí quan trọng, tích cực tham gia đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái, bôi nhọ của các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
TẠO KHOẢNG TRỐNG TỪ NHỮNG RANH GIỚI MẬP MỜ
Có thể thấy, hiện nay các cơ quan báo chí không còn độc quyền trong việc cung cấp thông tin do sự xuất hiện các trang mạng xã hội và hàng triệu blog cá nhân. Bên cạnh đó là sự thay đổi hành vi của công chúng - từ chỗ chỉ là người tiếp nhận thông tin một cách bị động, nay họ đã trở thành người chủ động tham gia sản xuất, cung cấp và chia sẻ thông tin. Việc tích hợp các loại hình viễn thông, báo chí khác nhau trên cùng một thiết bị có thể tạo ra những thay đổi quan trọng, tạo tiền đề cho sự ra đời những dịch vụ mới ngày càng tiện ích hơn. Sự phân chia các loại hình báo chí trong kỷ nguyên số cũng trở nên mờ nhạt. Thông tin được chủ động phân phối theo cách mà công chúng cần tiếp nhận nó nhanh nhất, chất lượng nhất và đầy đủ nhất.
Nhìn từ thực tiễn trên thế giới và Việt Nam có thể thấy, khi mạng xã hội phát triển, đã xảy ra tình trạng ranh giới thông tin của một thành viên tham gia mạng xã hội với một nhà báo cụ thể và một cơ quan báo chí cụ thể bị nhập nhằng, dẫn đến những tổn hại uy tín cho cơ quan, tập thể, cá nhân. Đó là việc xuất hiện một số nhà báo phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội trái với tinh thần, quan điểm của chính họ trong những bài đã đăng trên báo. Trong một số trường hợp, việc không rõ ràng ranh giới thông tin và tính hai mặt trong phát ngôn như thế của nhà báo là sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.
Có thể khẳng định, mạng xã hội đã góp phần làm tăng tính tương tác giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với cơ quan báo chí và công chúng, từ đó giúp các nhà quản lý có thêm thông tin trong việc chỉ đạo và định hướng thông tin. Đối với các nhà báo, mạng xã hội giúp họ xây dựng mạng lưới để phát triển nguồn tin, góp phần quảng bá cho cơ quan báo chí, tạo dựng và duy trì quan hệ tốt với công chúng báo chí truyền thông, với các nguồn tin và những người có ảnh hưởng trong xã hội, cũng như công chúng truyền thông tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những mặt trái tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu nhà báo sử dụng không đúng mục đích và thiếu bản lĩnh. Trong môi trường hội tụ truyền thông, nhà báo khác công chúng, bởi lẽ họ có nguồn thông tin phong phú từ các “kênh” khác nhau, từ hoạt động tác nghiệp của bản thân và do họ có “nghề”. Trong chừng mực nào đó, nhà báo luôn được cư dân mạng thích kết nối, theo dõi. Và nguy cơ, rủi ro đối với nhà báo thông thường xuất phát từ tính chất đặc biệt này.
Thời gian qua, một số hãng truyền thông nước ngoài có những suy diễn thiếu thiện chí, phát ngôn gây kích động cũng một phần là do một số trang mạng của Việt Nam đưa những thông tin không chính xác... vô hình trung “nối giáo cho giặc”, trực tiếp tham gia vào quá trình truyền thông cho các thế lực thù địch và ngày càng để mất đi ưu thế chủ lưu trong dòng chảy thông tin trước các mạng xã hội. Điều đáng nói là, một số tờ báo điện tử có nhiều người đọc đã quá dễ dãi trong việc đưa tin với các chủ đề cướp, hiếp, giết hoặc tiền, tình, tù, tội, thậm chí cả 3S (sex, sốc, sến). Trong khi đó, một số người muốn quan tâm thực sự tới tình hình của đất nước, xã hội không còn cách nào khác đành phải tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội – đây là hình thức đặt niềm tin “ăn, thua” rất nguy hiểm trong mớ hổ lốn thông tin ngồn ngộn trên mạng Internet, khó phân biệt thực hư, đúng sai!
Trong thực tế đã có nhà báo bị mất việc vì vô tình đưa lên mạng xã hội các thông tin riêng của tòa soạn từ chương trình làm việc, vấn đề định hướng nội dung, các đề tài báo chí, các hội nghị, giao ban có tính chất nội bộ và cần được bảo mật cho đến chiến lược phát triển của tòa soạn. Cá biệt, có trường hợp nhà báo dùng mạng xã hội để đả kích, bôi nhọ cá nhân và tham gia các cuộc tranh luận ứng xử thiếu lịch lãm, sử dụng từ ngữ quá khích, mang tính nhục mạ, thiếu bình tĩnh, đi ngược quan điểm của cơ quan báo chí của mình. Gần đây, một số nhà báo đã bị kỷ luật vì đưa lên mạng xã hội những tài liệu, thông tin mà họ đang trong quá trình xử lý, theo dõi, thậm chí cơ quan báo chí không sử dụng. Dù đây có thể là những thông tin của chính họ khai thác về đề tài, nhân vật, số liệu v.v.., nhưng đã là hoạt động nghiệp vụ, thì thông tin ấy được xem là nguồn tài nguyên, tài sản của cơ quan cần bí mật, không được chia sẻ.
CẦN SỰ TỈNH TÁO KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI
Hiện nay trên thế giới, nhiều cơ quan báo chí đã có những bộ quy tắc cụ thể cho nhà báo trong việc sử dụng mạng xã hội, trong đó có quy định những điều không được làm, những điều phải cân nhắc nên hay không nên làm, trong khuôn khổ tham luận này, tôi xin tổng hợp lại một số vấn đề sau, rất mong các đồng nghiệp bổ sung, góp ý thêm cho hoàn thiện hơn:
Thứ nhất, nhà báo cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội. Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay là một số phóng viên, cộng tác viên của các tờ báo điện tử, trang tin điện tử tiếp tay cho tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội để có tin độc quyền, tin “hot” tạo sự chú ý của dư luận xã hội. Tòa án tối cao liên bang Mỹ đưa ra một câu danh ngôn rằng: “Sẽ không bao giờ bảo vệ sự tự do cho kẻ tung tin xảy ra hỏa hoạn, dẫn đến sự hoảng loạn trong rạp chiếu phim”. Hành vi nhào nặn, phát tán thông tin sai sự thật không thuộc phạm trù tự do hành động, tự do ngôn luận của pháp luật. Không có quốc gia nào trên thế giới có tự do ngôn luận bao hàm tự do tung tin đồn.
Hãng thông tấn AP nổi tiếng của Mỹ, ngày 7-5-2013 đã ban hành Quy định Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội dành cho phóng viên, trong đó một nội dung đáng chú ý nhất là yêu cầu phóng viên không phát tán những tin đồn trên mạng xã hội và các trang tiểu blog (micro-blog). Điều đó cho thấy, tư duy quản lý của AP đã dự báo được cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang và sẽ xảy ra trong tương lai do truyền thông xã hội gây ra, khi nhà báo tham gia phát tán tin đồn trên mạng xã hội.
Thứ hai, chân thực là nguyên tắc tối thượng của báo chí. Do đó, nhà báo không chỉ cung cấp thông tin chính xác, mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên mặt báo, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin. Thực tế cho thấy, vấn đề nhà báo sử dụng tin đồn trên mạng để “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Mỹ hay Việt Nam, mà xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới. Các nhà báo cần chú ý, không nên đăng tải các thông tin thu thập được, nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các mạng xã hội cá nhân của mình, bởi uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội.
Thứ ba, trong môi trường thông tin đa chiều, nhà báo cần phải “vun đắp” niềm tin cho công chúng. Cố Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân đã chỉ ra rằng: “Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các trang mạng xã hội rất nguy hiểm, nó xô đẩy lòng tin chính trị - bản lĩnh cơ bản của người làm báo cách mạng”. Ngay đến nhà báo còn đứng trước nguy cơ bị “xô đẩy lòng tin chính trị”, việc đưa những tin thất thiệt kia có còn đủ sức níu kéo sự tin tưởng của độc giả? Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận. Để làm tốt chức năng ấy, nhà báo trước hết phải tôn trong sự thật và “vun đắp” niềm tin cho công chúng .
Thứ tư, nhà báo và cộng đồng người sử dụng mạng xã hội đang có nguy cơ dễ dàng xâm phạm đến hình ảnh, thông tin cá nhân, doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Hành vi này đã gây ra hậu quả trong một số trường hợp cụ thể, bởi nhà báo phải đưa tin nhanh, cấp thời, nên rất dễ vớ phải tin giả, tin sai sự thật, thậm chí tin, ảnh cũ. Trong nhiều trường hợp do phải tác nghiệp nhanh, bỏ qua nhiều quy trình kiểm chứng thông tin, nên một số nhà báo đã lợi dụng tin tố giác từ bạn đọc hoặc phát hiện của mình để trục lợi, và hiện tượng này cũng đang làm giảm sút niềm tin trong công chúng. Do đó, nhà báo cần thể hiện và chứng tỏ năng lực dẫn dắt dư luận bằng thông tin chuẩn xác, nên quy trình sản xuất tin bài và kiểm soát nội bộ cần phải được đề cao. Mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng bộ “Quy tắc ứng xử và tác nghiệp” trong đó đề cao tính pháp lý và đạo đức của những người tham gia mạng xã hội, nhằm hạn chế tình trạng tự do của người này không xâm hại tự do của tổ chức, cá nhân khác. Việc xây dựng quy tắc ứng xử không đồng nghĩa với cấm. Các cơ quan chức năng cần ủng hộ và khuyến khích cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí sử dụng mạng xã hội như một phương tiện khai thác thông tin, phát triển đề tài, trao đổi về nghiệp vụ, quảng bá nội dung cho báo... bên cạnh công việc cá nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội của nhà báo phải tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định đạo đức nghề nghiệp. Có quy tắc ứng xử, nhà báo khi tham gia mạng xã hội sẽ biết duy trì và bảo vệ những giá trị cơ bản của nghề nghiệp và tôn chỉ, mục đích; không làm tổn hại tới uy tín của cơ quan báo chí họ đang hành nghề.
Thứ năm, để chiếm lĩnh và làm chủ “không gian” trên mạng Internet, sàng lọc và có định hướng tốt thông tin cho các nhà báo, các cơ quan báo chí cần xây dựng một “đội quân” hướng dẫn dư luận viên trên mạng xã hội. Thực tế cho thấy, việc phát tán tin đồn trên mạng xã hội của các thế lực thù địch, cộng thêm sự “tham gia tích cực” của báo chí chính thống sẽ khiến dư luận trở nên rối ren, xã hội bất ổn. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí cần phải xây dựng một “đội quân” tinh nhuệ, có những bài viết công khai, vạch trần và lên án các luận điệu sai trái ngay trên mạng xã hội của cơ quan báo chí mình, đồng thời đưa ra cảnh báo cũng như hệ lụy của những bài báo có những quan điểm sai trái, nhằm trấn an dư luận tạo ra hiệu ứng xã hội tốt hơn.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý tốt được hệ thống báo chí truyền thông hiện nay, đòi hỏi các cơ quan quản lý báo chí phải có đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ, tinh thông nghề nghiệp, định hướng tốt đối tượng, nội dung và phương pháp quản lý khoa học, tránh hình thức, mệnh lệnh.
PGS.TS. NGUYỄN THÀNH LỢI
Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo - Hội Nhà báo Việt Nam
-----------------
(1) Thuật ngữ “thế giới phẳng” do Thomas Friedman - nhà báo người Mỹ đề xướng vào năm 2005
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng hiện đại và nhanh nhạy, góp phần đưa các quốc gia, khu vực trên thế giới xích lại gần nhau thông qua mạng Internet.