VNHN - Cụm từ "anh hùng bàn phím" đã trở nên quen thuộc với người dùng mạng, từ khi các trang mạng xã hội (MXH) ra đời và có tác động lớn vào cuộc sống.
Nó được hiểu rằng, đó là những người luôn tìm thú vui cọ xát bàn phím bằng đôi tay, luôn che giấu thân phận và sử dụng những thủ đoạn không tốt, vô trách nhiệm để tấn công người khác, hay thực hiện mục đích cá nhân như: Nói xấu, bới móc, nói sai sự thật, thích gây chú ý, chê trách, đả kích người khác... Nhiều người tham gia MXH nhưng lại thiếu kiến thức pháp luật, thiếu trách nhiệm bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật. Cùng với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, đưa ra chế tài chặt chẽ, nghiêm minh cho những phát ngôn trên mạng, sử dụng MXH thì điều quan trọng, mọi cá nhân cần nâng cao hiểu biết, thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng khi tham gia MXH.
Ảnh minh họa - Internet
Những giá trị tích cực mà MXH mang lại là không phải bàn cãi. Và sử dụng MXH là một nhu cầu chính đáng của con người trong xã hội thông tin. Nó không chỉ giúp con người tiếp cận với thông tin một cách nhanh nhất mà còn đáp ứng các nhu cầu khác của mỗi người như giải trí, giao lưu, chia sẻ... Dù vậy, khi người dùng MXH một cách vô trách nhiệm, vượt ra khỏi khung khổ pháp luật thì những hệ lụy mà nó gây ra là không hề nhỏ. Hệ lụy lớn nhất đó là một xã hội hoang mang, mất phương hướng, mất lòng tin. Còn đối với những người trẻ, việc tiếp cận MXH nếu không được kiểm soát, định hướng, rất dễ dàng bị lệch chuẩn văn hóa từ những trào lưu đi ngược lại thuần phong mỹ tục.
Có một bộ phận tham gia MXH rất vô tổ chức, nói, viết văng mạng và nhầm tưởng mình đứng ngoài pháp luật, không chịu chế tài của bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Nhiều người lợi dụng MXH để tung hô mình, kích động điều xấu, xâm phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của người khác. Không dừng lại ở đó, nhiều người dùng MXH đã xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Vậy người tham gia MXH phải có trách nhiệm như thế nào? Điều cần thiết là, mọi người phải tuân thủ pháp luật, đó là chế tài cao nhất. Chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật về vấn đề này, trong đó Luật An ninh mạng đã có hiệu lực quy định rất chặt chẽ những điều bị nghiêm cấm. Đây là điều cần thiết của bất cứ quốc gia nào trong quản trị xã hội nói chung và quản lý internet, MXH nói riêng. Dù Luật An ninh mạng đã ra đời nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ về vấn đề này. Nhà nước, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ bằng những điều khoản pháp lý mạnh, nghiêm khắc trách nhiệm cá nhân tham gia MXH. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp cần xây dựng được chế tài, quy định của chính cơ quan, tổ chức mình để điều chỉnh hành vi, việc làm của người tham gia MXH mà mình quản lý trong hành lang pháp luật chung, vì lợi ích chung.
Cùng với xây dựng hệ thống luật pháp, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi những kiến thức pháp luật, quy định nội quy của mỗi cơ quan, tổ chức đến mọi người trong lĩnh vực này. Cơ quan quản lý cần có những biện pháp cả về pháp lý, cả về kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn sự lây lan của thông tin xấu độc từ MXH. Đặc biệt cần xử lý nghiêm minh những hành vi cố tình sử dụng MXH để tuyên truyền, thông tin sai sự thật, kích động, mang tính kỳ thị gây hại cho người khác, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Dù vậy, điều quan trọng nhất là mọi cá nhân tham gia MXH cần nắm rõ, có hiểu biết về pháp luật quy định trong lĩnh vực này, hiểu rõ cương vị của mình trong mỗi cơ quan, tổ chức, nhất là những người có khả năng dẫn dắt dư luận xã hội để tuân thủ luật pháp. Mọi người đều phải có trách nhiệm tham gia MXH với ý thức xây dựng, chỉ được làm, được viết, được nói những gì pháp luật không ngăn cấm. Mỗi người không chỉ nêu cao trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh của mình khi tham gia MXH mà còn phải xây dựng niềm tin cho mọi người.