Nhằm thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6 - 6,5% do Quốc hội đề ra, đầu năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn gây mất ổn định nền kinh tế vĩ mô: tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn; nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng. Triển vọng kinh tế năm 2024 sẽ vẫn tiếp tục khó khăn. Các rủi ro, thách thức bên ngoài chưa có dấu hiệu được giải quyết mà có nguy cơ sẽ còn lớn hơn so với năm 2023. Thách thức càng nghiêm trọng hơn khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa bởi bệnh dịch, lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu trong khi xung đột quân sự Nga - Ukraine và Trung Đông tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy.... Ngoài ra, siêu bão Yagi đã tàn phá rất ghê gớm, theo ước tính, bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó. Hơn nữa, nền kinh tế thị trường với cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng cũng như sự thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp và dự án nhà nước đã gây ra sự lãng phí, không phát huy hết tính ưu việt của nền kinh tế thị trường…
Đặc biệt, hiện nay doanh nghiệp và người lao động đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động. Theo báo cáo khảo sát nhanh của VCCI thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: gần 70% giảm đơn hàng và trên 20% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới, dẫn đến doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và sức mua của người tiêu dùng giảm.
Ngoài ra, trước các thách thức nội tại của nền kinh tế mở và tác động của cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay đến Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi giá nguồn vốn sản phẩm (manufactured capital) của nền kinh tế nói chung cũng như giá đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng (giá xăng tăng mạnh và giá bán lẻ điện có xu hướng ngày càng tăng). Trong khi các dự báo cho thấy sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường không những sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm cho chi phí sinh hoạt, đi lại… của người dân cũng tăng theo trong bối cảnh chúng ta cũng đang đứng trước thách thức cải cách chính sách tiền lương cho người lao động. Hơn nữa, Việt Nam là nước nhập siêu nên khi lạm phát các nước tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, chúng ta cần phải có gói đồng bộ giải pháp vĩ mô ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo có hiệu ứng lan tỏa tích cực vĩ mô, nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường hơn là chỉ có chính sách đơn lẻ có lợi cho một ngành hoặc cá nhân doanh nghiệp, bao gồm 5 giải pháp sau:
1. Chính sách tiền tệ: Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của giá cả để xem xét giảm lãi suất và điều kiện tín dụng để các doanh nghiệp, người dân, nhất là các doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp đang là nền tảng bền vững cho nền kinh tế hiện nay - tiếp cận được tín dụng. Đối với xử lý nợ, ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bởi lẽ năm 2024 vẫn là năm khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp và ngân hàng.
Trong điều hành chính sách giá – lương - tiền cần đảm bảo thị trường tiêu dùng vận hành lành mạnh để những người lao động chân chính có thể tiếp cận các hàng hóa thiết yếu đáp ứng cuộc sống gia đình. Đặc biệt, phải đảm bảo cho các gia đình có thu nhập trung bình, nhất là các cặp vợ chồng trẻ có thu nhập ổn định có thể tiếp cận được nơi ở nhằm đảm bảo một xã hội phát triển bền vững và một đất nước “đất lành chim đậu.”
Thị trường tiền tệ (đặc biệt trong bối cảnh đồng VND nội tệ còn yếu) luôn gắn chặt với thị trường bất động sản, ngoại tệ mạnh, kim loại quý, chính vì vậy cần kết hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa thuế cũng như tỷ giá hiệu quả chống các hiện tượng đầu cơ, lãng phí các nguồn lực đảm bảo lưu thông tiền tệ và các lĩnh vực tại ra cơ sở vật chất và công ăn việc làm cho xã hội.
2. Chính sách tài khoá: Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và các doanh nghiệp, người dân vẫn chưa hết các khó khăn, nên chăng cần tiếp tục kéo dài việc thực hiện các biện pháp giãn, giảm thuế và chấp nhận ở mức độ nhất định bội chi ngân sách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trở nên bền vững hơn. Xây dựng chính sách tài khóa công bằng và mình bạch nhằm tăng cường tính hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Chính sách thuế quan cần được vận hành chủ động linh hoạt để bảo vệ thị trường sản xuất và tiêu dùng nội địa trong quá trình thực hiện hiệu quả chính sách hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của đất nước
3. Đầu tư công: cần thúc đẩy quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Biện pháp này vừa giúp nâng cao năng lực sản xuất trong dài hạn, vừa thúc đẩy đầu tư công, kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn cũng như tạo công ăn việc làm, giảm bớt phụ thuộc vào chính sách xuất khẩu lao động. Nên chăng, cũng cần nghiên cứu sửa đổi Luật đầu tư công để xóa bỏ tư duy xin - cho, tăng cường tính chủ động, có trách nhiệm cho cơ sở và hợp tác hiệu quả PPP… nhằm thúc đẩy quá trình giải ngân, triển khai trong đầu tư công một cách công bằng và minh bạch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh quan hệ với cộng đồng đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy nguồn lực thị trường vốn cho đầu tư công.
4. Đối với chính sách khoa học và công nghệ: cần nâng cao tỷ lệ đầu tư/chi tiêu vào khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tổng chi ngân sách nhà nước để tổng chi cho hoạt động này trong GDP có sự gia tăng. Tỷ lệ này của Việt Nam còn ở mức thấp, theo thống kê chỉ khoảng 0,42% GDP. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển, qua các quỹ của nhà nước, qua việc hoàn thiện cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển bền vững, qua việc tạo các khoản tín dụng hỗ trợ cho đổi mới - sáng tạo trong phát triển khoa học công nghệ cũng như quản trị các nguồn lực phát triển.
5. Làm tốt công tác dự báo cung cầu thị trường trên cơ sở tổng kết kết quả thực thi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường quốc tế, tìm ra các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để Việt Nam có thể ứng phó tốt nhất với những biến động của thế giới và trong nước.
TS Đoàn Duy Khương