27/11/2024 lúc 17:39 (GMT+7)
Breaking News

Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước

Trong các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đã có định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như hướng dẫn thực hiện khá cụ thể và chi tiết. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn một số vấn đề bất cập, đòi hỏi có giải pháp mới, quyết liệt hơn nữa và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Ảnh minh họa - TL

Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước - hướng đi tất yếu

Trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, doanh nghiệp nhà nước đã chứng minh và khẳng định được vị trí, vai trò và vị thế trong nền kinh tế của đất nước. Trong giai đoạn kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cũng như trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, doanh nghiệp nhà nước và kinh tế hợp tác xã đóng vai trò là lực lượng chủ yếu của nền kinh tế. Bước sang giai đoạn đổi mới, với nền kinh tế nhiều thành phần, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng, là một trong ba trụ cột của nền kinh tế. So với khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước vẫn là lực lượng có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu, lực lượng lao động, có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý hùng hậu.

Sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước luôn dành được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện trong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Trên cơ sở đánh giá đúng thành tựu và hạn chế của doanh nghiệp nhà nước, cùng với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng, sự phát triển của nền kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác và quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế của đất nước, vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế đã được điều chỉnh, từng bước chuyển dịch theo hướng chỉ tập trung vào ngành, nghề, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh hoặc lĩnh vực mà nền kinh tế đang có nhu cầu phát triển, nhưng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Doanh nghiệp nhà nước được tiếp tục chú trọng phát triển là doanh nghiệp có quy mô lớn, tính chất chuyên môn cao, có năng lực cạnh tranh ở khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, hoạt động trong những lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu lớn để thực sự là lực lượng nòng cốt thực hiện những cân đối lớn trong nền kinh tế, thực hiện được các mục tiêu chính trị - xã hội, đã khẳng định được vị trí, vai trò trong nền kinh tế.

Cùng với đó là đổi mới, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước sử dụng hiệu quả các nguồn lực quan trọng được Nhà nước giao, huy động nguồn lực của xã hội đầu tư vào doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước.

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, doanh nghiệp nhà nước đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cũng đã đạt được một số kết quả tích cực trong sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, ngay từ đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, chú trọng việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12-5-5-2022, của Chính phủ, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội”; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, ngày 2-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 360/QĐ-TTg, ngày 17-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước như sau:

Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020(1):

Tình hình cổ phần hóa: lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 498.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng, với quy mô vốn nhà nước được xác định, đánh giá lại đã tăng 23,3% so với giai đoạn 2011 - 2015.

Tình hình thoái vốn: tổng số vốn đã thoái là 27.312 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách), thu về 177.397 tỷ đồng (theo giá trị thị trường), gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn.

Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6-2024(2):

Tình hình cổ phần hóa: Năm 2021 ghi nhận 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp được phê duyệt theo phương án là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước được phê duyệt theo phương án là 196 tỷ đồng; Năm 2022, ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) với tổng giá trị doanh nghiệp được phê duyệt theo phương án là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước được phê duyệt theo phương án là 278 tỷ đồng; Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 không có doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Tình hình thoái vốn: Năm 2021: 1- Thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng; 2- Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn tại 14 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.612 tỷ đồng, thu về 4.317 tỷ đồng. Năm 2022: 1- Thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 195 tỷ đồng thu về 390 tỷ đồng; 2- Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 688,7 tỷ đồng thu về 3.900,6 tỷ đồng; Năm 2023: 1- Thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp (trong đó 4 doanh nghiệp theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg, 1 doanh nghiệp theo Thông báo số 281/TB-VPCP) với giá trị sổ sách 11,65 tỷ đồng, thu về 22,68 tỷ đồng; 2- Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Sau một giai đoạn triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại tinh gọn hơn, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước; có vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đối phó với biến động thị trường; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường; năng lực sản xuất tiếp tục tăng; cơ cấu ngày càng hợp lý hơn; trình độ công nghệ và quản lý có nhiều tiến bộ; hiệu quả và sức cạnh tranh từng bước được nâng lên; đời sống của người lao động từng bước được cải thiện; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, chính trị, quốc tế khác được Đảng và Nhà nước giao. Cùng với đó, vai trò của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng từng bước được khẳng định, phát huy trong việc hỗ trợ quá trình thoái vốn, tiếp nhận và xử lý nợ của doanh nghiệp cổ phần hóa, là tổ chức chuyên nghiệp trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thoái vốn và sau cổ phần hóa theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Điểm nghẽn cần tháo gỡ

Bên cạnh kết quả đạt được, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong những năm gần đây chưa đạt kế hoạch đề ra, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đang chậm lại, kết quả đạt được rất thấp, giảm dần qua các năm, chưa mang tính toàn diện, đi vào thực chất...; việc xử lý vướng mắc trong quá trình thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, càng về sau càng khó khăn hơn, cụ thể: 1- Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 180 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa và tiến hành thoái vốn tại 403 doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp cổ phần hóa, chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 30% kế hoạch). Tám mươi chín doanh nghiệp chưa hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn mới chỉ đạt 21,8% kế hoạch đề ra. Xét tổng thể thời gian qua, mặc dù đã có tới hơn 95% doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, nhưng tổng số vốn nhà nước được bán ra mới đạt khoảng 8%; 2- Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp (có một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam...) và thoái vốn 141 doanh nghiệp (có một số doanh nghiệp có phần vốn nhà nước cần phải thoái lớn, như Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam...)(3). Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ 5/19 (đạt 26,31% kế hoạch) doanh nghiệp được cổ phần hóa và 63/141 (đạt 44,68% kế hoạch) doanh nghiệp được thoái vốn theo kế hoạch đề ra.

Quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh một số vướng mắc trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Các vướng mắc này do nhiều nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó:

Đầu tiên, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn có nơi, có lúc chưa thống nhất, trong đó có việc chưa xác định rõ tiêu chí thế nào là hiệu quả đối với từng doanh nghiệp cụ thể, nên quá trình triển khai còn khó khăn, chậm, không đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra. Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chưa thống nhất, chưa coi cổ phần hóa, thoái vốn là để thu hút các nguồn lực của nền kinh tế, giúp Nhà nước có thêm nguồn lực đầu tư, nên việc cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nơi diễn ra hình thức, không tạo được sự thay đổi về chất. Cá biệt có doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ đến 99% vốn điều lệ. Chẳng hạn, kết quả cổ phần hóa của Công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà, sau khi tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần, tương đương 48,82% vốn điều lệ sau cổ phần hóa với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần. Tham dự phiên đấu giá có tổng cộng 229 nhà đầu tư cá nhân, song khối lượng đăng ký mua hợp lệ lại chỉ đạt 801.500 cổ phần, tương đương 0,37% khối lượng cổ phần chào bán. Phiên đấu giá bán được 790.900 cổ phần, chiếm 0,36% số cổ phần đưa ra đấu giá, tổng giá trị đạt hơn 8,8 tỷ đồng.

Thứ hai, giai đoạn vừa qua, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự thay đổi tình hình địa - chính trị trên thế giới và các khu vực liên quan tới phát triển kinh tế và thương mại. Các cuộc chiến tranh thương mại, xung đột, cũng như các vấn đề về an ninh không gian mạng... đã có nhiều tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn này, việc cổ phần hóa một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, do có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian xem xét kéo dài.

Thứ ba, đâu đó còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn khó khăn, vướng mắc để chờ đợi, kéo dài thời gian, làm chậm hoặc không thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chưa xem xét đúng trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp thực hiện chậm cổ phần hóa, quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần và việc chuyển giao doanh nghiệp về SCIC, niêm yết trên sàn chứng khoán còn chậm.

Thứ tư, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành tương đối đầy đủ và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa đáp ứng được kịp thời yêu cầu của thực tiễn, chậm được sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn; các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ: 1- Chưa đồng bộ giữa pháp luật về cổ phần hóa và thoái vốn, trước khi thực hiện công tác quyết toán vốn cổ phần hóa, doanh nghiệp không thể triển khai việc thoái vốn do chưa xác định được nghĩa vụ phải trả với Nhà nước. Trên thực tế, công tác quyết toán vốn lần thứ hai thường kéo dài, có doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trên 5 năm vẫn chưa được quyết toán vốn, đồng thời vẫn chưa có chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân chậm thực hiện quyết toán; 2- Chưa đồng bộ giữa thoái vốn với pháp luật về doanh nghiệp, trường hợp Nhà nước thoái vốn góp tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển nhượng cổ phần với tư cách là cổ đông sáng lập, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp (năm 2020), Nhà nước phải ưu tiên chuyển nhượng cho các cổ đông còn lại. Trong khi đó, quy định về thoái vốn lại yêu cầu thực hiện định giá và tổ chức bán đấu giá công khai khi thoái vốn nhà nước...

Giải pháp thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và không để tình trạng chậm cổ phần hóa, chậm thoái vốn nhà nước, các cấp, các bộ, cơ quan ngang bộ, doanh nghiệp nhà nước cần nghiêm túc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, triển khai quyết liệt công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, tránh tình trạng mơ hồ về nhận thức, quan điểm, hành động cầm chừng, sợ khó, sợ sai. Các nghị quyết của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước cần được quán triệt sâu sắc, bao gồm:

- Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” đã đề ra quan điểm: 1- Doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; 2- Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả.

- Nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định rằng, nhiệm vụ sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là nội dung quan trọng, trong đó đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa. Hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước...

- Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12-5-2022, của Chính phủ, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”; Quyết định số 360/QĐ-TTg, ngày 17-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, ngày 2-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025”; Công điện số 478/CĐ-TTg, ngày 27-5-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” và Quyết định số 1479/QĐ-TTg, ngày 29-11-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025”.

Thứ hai, đổi mới cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, ngày 16-11-2017, của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP), về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp là phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; theo đó, căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định đối với các công ty nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước lập phương án sử dụng đất tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Đây là bất cập rất khó giải quyết, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ quá trình cổ phần hóa.

Vì vậy, để tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được nhanh chóng, theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và để khắc phục tình trạng chậm cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về vấn đề này theo hướng gỡ vướng tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; sửa đổi phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa... Cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai cần thường xuyên rà soát hiện trạng nhà, đất để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Có chế tài xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cố tình chậm quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân... doanh nghiệp nhà nước thuộc sự quản lý của cơ quan nào thì thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm người đứng đầu trong việc để chậm trễ việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đề ra.

Thứ tư, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để chức năng, vai trò, nhiệm vụ của SCIC, DATC là các thiết chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thực hiện thống nhất đầu mối thực hiện tiếp nhận vốn nhà nước tại doanh nghiệp và bán vốn nhà nước, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả công tác bán vốn; thay đổi cơ chế giám sát của Nhà nước đối với hoạt động doanh nghiệp và thay đổi cách thức tiếp cận đối với hoạt động thanh tra, kiểm toán để khắc phục tình trạng hình sự hóa nhiều vi phạm hành chính, kinh tế... làm triệt tiêu động lực và sáng tạo trong đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế nêu trên đòi hỏi các cơ quan chức năng, các cấp, các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước quyết liệt hơn trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp trong thời gian tới, để sớm hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước và để doanh nghiệp nhà nước sử dụng hiệu quả các nguồn lực quan trọng đang được giao, huy động nguồn lực của xã hội đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội./.

TS Nguyễn Thị Mai Anh

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

-----------------------------------

(1) Báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2025 (Kèm theo Công văn số 2594/BTC-TCDN, ngày 21-3-2022, của Bộ Tài chính)
(2) Báo cáo tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2023 và Quý I-2024 và tổng thu từ bán vốn nhà nước nộp về ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (Kèm theo Công văn số 5104/BTC-TCDN, ngày 17-5-2024) của Bộ Tài chính
(3) Quyết định số 1479/QĐ-TTg, ngày 29-11-2022, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025