07/12/2024 lúc 21:03 (GMT+7)
Breaking News

Ngành công nghiệp khuôn mẫu trong thời kỳ chuyển đổi số

Khuôn mẫu là chìa khóa mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt các sản phẩm công nghiệp. Nó là gốc rễ trợ lực cho nền kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần kỳ 1955 - 1973, và đến tận ngày nay, vẫn đang là căn cơ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Ảnh minh họa - TL

GDP quý 2/2024 của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng tích cực lên đến 6,93% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng trưởng 5,87% của quý 2/2023 lẫn mức dự đoán 6% của các chuyên gia. Nếu chỉ nhìn vào ngành sản xuất chế tạo thì các chỉ số càng thêm ấn tượng: mức tăng trưởng nhảy từ 7.21% của cùng kỳ năm trước lên 10.04%. Thời điểm này, gần như có thể chắc chắn con số thực tế sẽ vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6 - 6,5% của Chính phủ đề ra. Vậy nhưng, có một vấn đề tiềm ẩn không phải ai cũng nhận ra. Trong bối cảnh nền kinh tế khôi phục tích cực, ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu của Việt Nam vẫn còn non trẻ, thiếu vững chắc. Phần lớn khuôn không được sản xuất trong nước mà được nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam

Câu lạc bộ (CLB) Khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam bao gồm 68 công ty Nhật Bản, 23 công ty Việt Nam và 13 công ty liên doanh, được thành lập nhằm củng cố nhận thức về hoạt động sản xuất khuôn mẫu và nâng cao năng suất sản xuất công nghiệp. CLB được thành lập vào tháng 5 năm 2013 với sự hỗ trợ của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Từ con số 7 thành viên ban đầu, CLB dần nhận được sự quan tâm, chú ý của các doanh nghiệp, đoàn thể. Đến nay đã có tổng cộng 113 doanh nghiệp, đoàn thể gia nhập, số lượng thành viên của CLB đã chạm mốc 175 người. Đặc biệt, CLB cũng ghi nhận sự quan tâm, mong muốn gia nhập của rất nhiều doanh nghiệp quốc nội, khẳng định vị thế quan trọng của mình tại thị trường sản xuất khuôn mẫu tại Việt Nam.

Ngày 23 tháng 11 năm 2023, buổi meeting kỷ niệm 10 năm thành lập của CLB được tổ chức tại The Hanoi Club tại Hà Nội. Nhân dịp này, buổi “Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chế tạo khuôn mẫu lần thứ 10” được tổ chức sau 4 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Với chủ đề “Đặt mục tiêu chế tạo khuôn mẫu hoàn thiện nhất”, các buổi diễn thuyết xoay quanh những nội dung như giới thiệu các kỹ thuật tiên tiến nhất trong chế tạo khuôn, nâng cao năng lực sản xuất, đào tạo nhân lực cho ngành,... đã thu hút thảo luận sôi nổi.

Tiếp theo là phần thảo luận chuyên sâu với chủ đề “Nhìn lại 10 năm đã qua - dự đoán 10 năm tiếp theo của ngành chế tạo khuôn mẫu Việt Nam”. 10 chuyên gia trong ngành từ cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã tham gia thảo luận dưới sự chủ trì của ông Yoshinaka Seiko, Phó Chủ tịch CLB khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam. Ông là chủ tịch công ty TNHH Y.H SEIKO chuyên sản xuất khuôn và vật liệu trung gian có trụ sở tại tỉnh Fukui, Nhật Bản, kiêm chủ tịch công ty con Y.H SEIKO Việt Nam.

“Mua thẳng từ các nước khác về thì nhanh hơn nhiều.”

Phó Chủ tịch Yoshinaka không thể quên được lời phát biểu từ một vị lãnh đạo của Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ Việt Nam tại diễn đàn thảo luận, rằng: “Sản xuất khuôn mẫu quá khó! Mua thẳng từ các nước khác về thì nhanh hơn nhiều.” Có thể không đúng từng chữ, nhưng hàm ý thì vẫn vậy.

Hiệp hội này trực thuộc quản lý của Chính phủ, tập hợp các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện nói riêng và các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ nói chung, có thể coi là một trong những xương sống của ngành sản xuất. Ông Yoshinaka đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình: “Cốt lõi của lối suy nghĩ này là, không chỉ khuôn mà cả nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, kỹ thuật cũng đều mượn (mua) từ các nước khác. Việt Nam chỉ cung cấp mỗi lao động giá rẻ. Nếu cứ giữ phương châm đó thì mãi mãi ngành công nghiệp phụ trợ của đất nước sẽ chẳng phát triển nổi.”

Theo khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), năm 2022, tỷ lệ mua hàng nội địa của các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam chỉ ở mức 37%. Đối với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam thì con số này thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoảng 16%. “Việt Nam là một nước xã hội chủ nghĩa, vậy nên tư duy và phương châm lãnh đạo của Chính phủ có ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi của ngành công nghiệp. Có thể thấy hiện trạng của ngành là đang phụ thuộc quá nhiều vào các nước khác, và với cơ cấu như vậy thì có thể nói nâng cao năng suất lao động hay cải cách kỹ thuật đều là chuyện xa vời. Điều tiên quyết cần làm là thay đổi tư duy của các lãnh đạo cấp cao.” - Ông Yoshinaka nhận xét.

“Liệu chúng ta có cơ hội chiến thắng trong cuộc đua này không?”

Khoảng ba tháng rưỡi sau, ngày 11 tháng 4 năm 2024, Phó Chủ tịch Yoshinaka tham gia buổi Hội nghị VASI CEO Summit do Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ Việt Nam tổ chức tại Tòa nhà V.E.T, Hà Nội. Đây cũng như một lời cảm ơn đến Hiệp hội vì đã tham dự meeting kỷ niệm 10 năm thành lập của CLB hồi tháng 11 năm ngoái. Ông có khoảng 15 phút phát biểu trước toàn thể Hội nghị, và nhân dịp này, đã quyết định bày tỏ thẳng thắn những băn khoăn bấy lâu.

“Việc củng cố, mở rộng ngành công nghiệp phụ trợ là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất chế tạo nói chung. Và để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải xây dựng được hệ sinh thái cung cấp máy móc, thiết bị, khuôn mẫu, dụng cụ phục vụ sản xuất ngay trong nước. Với hiện trạng phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc như hiện nay, liệu Việt Nam có thể cạnh tranh với các quốc gia khác ở châu Á, châu Phi, Trung Đông,... cũng đang trên đà phát triển nhanh chóng hay không? Liệu chúng ta có cơ hội chiến thắng trong cuộc đua này không?”

Sau đó, một doanh nhân người Việt đã đến gặp ông Yoshinaka, thông qua sự trợ giúp của phiên dịch để bày tỏ sự tán đồng hoàn toàn với nội dung bài phát biểu. Đồng thời thể hiện mong muốn có thêm cơ hội tham gia các hoạt động do CLB Khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam tổ chức. “Phải có những người quản lý với tầm nhìn về tương lai 10, 20 năm chứ không chỉ truy cầu cái lợi trước mắt như thế này thì ngành sản xuất mới phát triển mạnh mẽ được. Thị trường Việt Nam chắc chắn vẫn còn cơ hội.” - Ông chia sẻ.

“Phải củng cố ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu của Việt Nam.”

Tình trạng lệ thuộc vào nước ngoài của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang rất trầm trọng. Thực tế này có thể thấy rõ trong mảng sản xuất xe điện (EV), một lĩnh vực đang phát triển và được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm hỗ trợ. Tập đoàn đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam - Vingroup đã thành lập Vinfast, một công ty con chuyên sản xuất và phân phối xe điện. Đây là cái tên nổi bật hàng đầu trong ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay, đang tích triển khai nhiều chiến lược bao gồm cả việc tiến vào thị trường Mỹ nhằm hiện thực hóa mục tiêu có lãi vào năm tới. Dù vậy, tỉ lệ nội địa hóa vẫn không ở mức khả quan.

Công ty được thành lập vào năm 2017, đến tháng 5 năm 2023 đã thành công niêm yết trên sàn NASDAQ của Mỹ với tổng giá trị vốn hóa khoảng 85 tỷ USD. Được biết, họ đã xây dựng một nhà máy tiên tiến hàng đầu thế giới với tỉ lệ tự động hóa lên đến 90% ở thành phố Hải Phòng để tiến hành các công đoạn sản xuất thân xe, sơn, lắp ráp,... Thế nhưng có một sự thật là rất nhiều phụ kiện quan trọng của xe như động cơ truyền động, đều đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ thị trường châu Âu. Việc nội địa hóa nguồn mua phụ kiện vẫn luôn là vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Ông Hirahara Tadashi, một phó chủ tịch khác của CLB Khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam kiêm chủ tịch Meisei Việt Nam, công ty con của Nagoya Precision Mold có trụ sở chính tại tỉnh Nagoya, Nhật Bản cũng có chung niềm trăn trở:

“Nội địa hóa trong ngành công nghiệp phụ trợ là chìa khóa để phát triển nền công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của một đất nước nói chung. Nếu giữ tư tưởng trong nước không làm được thì thôi cứ mua luôn từ nước ngoài, ngộ may nền kinh tế của đối tác nhập khẩu chao đảo một cái là ta trở tay không kịp ngay. Nhưng thực tại không thể cải thiện chỉ với nỗ lực của một cá nhân, một doanh nghiệp đơn lẻ nào. Chúng ta cần kêu gọi Chính phủ Việt Nam nhìn nhận lại và ghi nhận tầm quan trọng, tính bức thiết của việc thúc đẩy sản xuất khuôn trong nước.”

“Phải củng cố ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu của Việt Nam.” - Các thành viên của CLB Khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam đều có chung quan điểm này. Thông qua các cơ quan, đơn vị như Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), họ liên tục gửi đi những tín hiệu về nguyện vọng này.

Kêu gọi Việt Nam thử sức tại Cuộc thi chế tạo khuôn (Die and Mold Grand Prix)

Hiệp hội Công nghiệp Khuôn mẫu Nhật Bản được thành lập bởi các doanh nghiệp chế tạo khuôn mẫu. Từ năm 2009, Cuộc thi chế tạo khuôn dành cho học sinh, sinh viên được tổ chức thường niên với sự tham gia của sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trên toàn Nhật Bản. Cuộc thi lần thứ 16 được tổ chức tại thành phố Osaka từ ngày 17 - 19 tháng 4 năm 2024, với chiến thắng chung cuộc trong hạng mục Chế tạo khuôn cho phụ kiện nhựa thuộc về đội Cao đẳng kỹ thuật tỉnh Oita, và hạng mục Chế tạo khuôn ép thuộc về đội Đại học Iwate.

Phó chủ tịch Yoshinaka đã đề xuất ý tưởng kêu gọi học sinh, sinh viên Việt Nam tham dự cuộc thi này. Ở Việt Nam, cũng có một số cơ sở giáo dục cung cấp chương trình giảng dạy về ngành chế biến chế tạo, tiêu biểu có thể kể đến Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, xu hướng của thời đại khiến sự lựa chọn của học sinh sinh viên tập trung hết vào nhóm ngành Công nghệ thông tin (IT) như Trí tuệ nhân tạo (AI) hay Chuyển đổi số (DX),... Ngành chế tạo khuôn - với ấn tượng chung là cả ngày làm bạn với dầu máy, cũ kỹ, lạc hậu - chẳng được mấy ai ngó ngàng, và hiển nhiên cũng chẳng được phân bổ bao nhiêu ngân sách. (Theo lời ông Yoshinaka)

“Thật ra sinh viên Việt Nam hiện nay chưa được trang bị đủ kiến thực, kinh nghiệm để khiêu chiến tại Cuộc thi chế tạo khuôn này.” - Ông Yoshinaka nói, “Nhưng không có nghĩa là không có mầm non tốt nào.” Chính vì vậy, CLB đã lên kế hoạch mời các sinh viên đang theo học khối ngành sản xuất, chế tạo tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục của Việt Nam tham dự buổi “Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chế tạo khuôn mẫu lần thứ 11” dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay.

“Mặc dù thiếu thốn sự hỗ trợ về tài chính lẫn chỉ dẫn chuyên môn từ các trường, nhưng chắc chắn vẫn luôn có những sinh viên quan tâm đến lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu. Tôi mong muốn có thể tạo ra một sân chơi cho các bạn ấy.” - Ông Yoshinaka chia sẻ mục đích của hoạt động này. Phía CLB dự định tiến cử với ban tổ chức Cuộc thi chế tạo khuôn mẫu để giành tư cách tham dự giải đấu cho các sinh viên Việt Nam, với hy vọng trao thêm cơ hội để các em cọ xát, thử sức mình.

Chủ đề buổi Hội thảo lần thứ 11 sẽ là DX (Chuyển đổi số)

Tại buổi “Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chế tạo khuôn mẫu lần thứ 11”, chủ đề chính dự kiến sẽ xoay quanh “Chế tạo khuôn mẫu trong thời kỳ chuyển đổi số”. Ông Maniwa Hideya, Chủ tịch CLB Khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam từ tháng 5 năm 2022, kiêm chủ tịch công ty TOHO Việt Nam (công ty con của TOHO Industries có trụ sở chính tại tỉnh Gunma, Nhật Bản), chia sẻ về mục đích khi lựa chọn chủ đề này: “Không phải là để tìm hiểu thêm về những tồn tại xa vời với chúng ta như AI hay DX, mà để thảo luận xem chúng ta có thể ứng dụng chúng trong ngành chế tạo khuôn như thế nào. Trước hết hãy khởi động bằng cách thử tìm hiểu về nó.”

Đây là lần đầu tiên CLB tổ chức một sự kiện tập trung vào các xu hướng kỹ thuật số tiên tiến. Chủ tịch Maniwa chia sẻ thêm về kế hoạch của mình: “Chưa thể nói chắc rằng việc ứng dụng AI sẽ đem lại lợi nhuận hay không, nhưng tôi tin rằng ý chí nghiên cứu, học hỏi không ngừng là yếu tố vô cùng quan trọng.”

Ông cũng nói thêm, hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng ổn định, thì chỉ những nỗ lực từ phía nhà thầu phụ thôi là chưa đủ. Bản thân các doanh nghiệp ở đầu mua cũng cần làm mới tư duy, chung tay hỗ trợ hoạt động kinh doanh của nhà thầu. Ví dụ, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp giữ nếp xấu là không thanh toán nếu hàng không đạt chuẩn kiểm tra đầu vào. “Vòng quay vốn chính là cỗ máy tạo ra lợi nhuận cho toàn ngành.” - Theo lời ông Maniwa.

Mặt khác, ông cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc - nước đang cung cấp lượng lớn khuôn cho các doanh nghiệp Việt Nam. "Trung Quốc hiện vẫn là một thị trường của người mua (trong đó người mua có lợi thế đàm phán hơn người bán). Nhưng không ai biết được nền kinh tế sẽ xoay vần ra sao. Quá phụ thuộc sẽ rất nguy hiểm.” Thực tế rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

“Có rất nhiều công việc phải làm. Và CLB Khuôn mẫu Nhật Bản - Việt Nam sẽ luôn lên tiếng một cách trung thực nhất.” - Ông tuyên bố.

Tác giả: Kobori Shinichi / Dịch giả: Tạp chí Emidas
...