06/04/2025 lúc 05:10 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai – Miền đất giàu tiềm năng và thế mạnh phát triển

Nằm ở vị trí giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lào Cai là miền đất giàu tiềm năng và lợi thế phát triển. Cùng với những thành quả đạt được trong những năm qua, năm 2024, khắc phục mọi khó khăn, GRDP của tỉnh đạt mức tăng trưởng 7,23%, cao hơn mức tăng 5,11% của năm 2023; GRDP bình quân đầu người đạt 101 triệu đồng. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh và tỉnh Lào Cai luôn thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước…

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với nhiều sự kiện lớn của đất nước, là năm về đích thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, chuẩn bị điều kiện cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Lào Cai - thành phố bên sông

Bên cạnh những nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong tỉnh thì một trong những yếu tố quan trọng giúp làm nên những kết quả phát triển của Lào Cai chính là những tiềm năng và điều kiện địa phương có được.

Với bề dày truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng được tích lại, Lào Cai từ xưa đã trở thành nơi hội tụ, buôn bán sầm uất của các thương lái; là nơi quần tụ, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số và người dân các vùng miền trong cả nước về đây, đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu; từ đó thành phố Lào Cai trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng, có sự giao thoa, kết nối giữa các nền văn hóa của Việt Nam và Trung Quốc... Từ sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với nền kinh tế mở, Lào Cai đã là cánh cửa mở rộng sang quốc gia láng giềng Trung Quốc, cầu nối giao thương giữa Việt Nam với các nước Asean và vùng Tây Nam (Trung Quốc), tạo sự phát triển năng động hơn về nhiều mặt.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai nói chung và Thành phố Lào Cai nói riêng còn có vị trí địa lý đặc biệt tạo không gian phát triển rộng lớn: Nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc, là vùng sinh thái quan trọng đối với cả nước, Lào Cai không chỉ có vị trí, vai trò chiến lược về địa chính trị, địa kinh tế của Quốc gia trong giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam, vùng Tây Nam (Trung Quốc), mà còn là trung tâm của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh; là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Tây Nam - Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại. Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai với các khu công nghiệp và khu logistics hiện đại đang trở thành điểm thu hút đầu tư lớn, góp phần tăng cường xuất - nhập khẩu và thúc đẩy giao thương quốc tế. Những lợi thế đặc biệt nêu trên đã thúc đẩy kinh tế cửa khẩu và thương mại qua biên giới phát triển mạnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Qua đó cho thấy vai trò chiến lược của kinh tế cửa khẩu Lào Cai đối với hoạt động kinh tế của cả nước.

Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai được mở rộng gần 16 nghìn ha

Mặt khác, chính điều kiện có được hạ tầng đa dạng, đồng bộ, mang tính kết nối vùng đã là một thế mạnh của Lào Cai với đủ loại hình mang tính kết nối mạng lưới. Các tuyến Quốc lộ phân bố rộng khắp như các quốc lộ 70, 4D, 4E, 279; cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước liên kết 3 tỉnh trong vùng với vùng Thủ đô; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nối với Côn Minh - Trung Quốc đã vận hành hơn 110 năm; tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đã được Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư (dự kiến khởi công năm 2025 – hoàn thành trước năm 2030); tuyến đường thủy trên sông Hồng có giá trị lịch sử của cả vùng Bắc Bộ. Đặc biệt, Cảng Hàng không Sa Pa quy mô cấp 4C với tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư chuẩn bị khởi công trong năm 2025, sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương duy nhất trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc có đủ 04 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển còn là hạ tầng đô thị ở Lào Cai được qui hoạch bài bản, ngày một khang trang hơn, cùng không gian xanh, hiện đại. Khu hành chính có kiến trúc quy hoạch đồng bộ, nhiều công trình lớn có tính chất biểu tượng của cả vùng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nơi làm việc của tỉnh với những yêu cầu mới; hệ thống khách sạn từ 3-5 sao, với qui mô hàng nghìn phòng, đáp ứng yêu cầu của khách đến công tác và nghỉ dưỡng; hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa – xã hội tại TP Lào Cai có nhiều công trình lớn mang tầm khu vực, điển hình như: Trường Quốc tế Canada (Trường quốc tế đầu tiên tại vùng Tây Bắc), Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai; Trung tâm thi đấu thể dục thể thao tỉnh đã từng đăng cai nhiều giải thể thao cấp quốc tế (giải bóng chuyền quốc tế VTV cup); Rạp chiếu phim, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa, Thư viện tỉnh,... Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô gần 1000 giường bệnh, nhiều trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân của cả khu vực... Chính khả năng liên kết vùng, nhất là kết nối xuyên biên giới là yếu tố quyết định để đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc...

Khu du lịch sinh thái Topas Ecologe

Một yếu tố quan trọng nữa là Lào Cai lợi thế trở thành trung tâm phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Trong đó, khu du lịch Quốc gia Sa Pa đạt tiêu chuẩn “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” với tuyến cáp treo lên đỉnh Phan Si Păng hùng vĩ đạt 02 kỷ lục Thế giới, cùng với khu du lịch Y Tý đang được đơn vị hàng đầu thế giới tư vấn lập quy hoạch. Lượng du khách năm 2025 dự kiến sẽ vượt con số 10 triệu lượt khách; kinh tế du lịch đã đóng góp 15% tổng GRDP của cả tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 15 triệu du khách (trong tổng số dự kiến 30 triệu du khách đến vùng) và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% - 30% GRDP, Lào Cai sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào kinh tế du lịch của vùng.

Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú cũng là một yếu tố đáng quý cho sự phát triển; nơi đây là trung tâm luyện kim, hóa chất của vùng trung du miền núi Bắc bộ và cả nước, với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có giá trị cao, trữ lượng lớn cùng với chiến lược khai thác hợp lý kết hợp chế biến sâu nên giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 của Lào Cai đã đạt trên 45.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm.

Thành phố Lào Cai là trung tâm hành chính của tỉnh Lào Cai hiện nay, nằm ở trung tâm nơi hợp lưu của hai con sông Hồng và sông Nậm Thị, nơi đóng vai trò là “Phên giậu” của Tổ quốc; nhiều năm qua Thành phố đã trở thành địa chỉ tin cậy trong hoạt động giao lưu quốc phòng giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với vùng Tây Nam của Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng thông qua các hoạt động hội đàm, giao lưu hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, chính là lợi thế lâu dài để Lào Cai trở thành cửa ngõ tin cậy và là điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng trên tuyến hành làng kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...

Với thuận lợi, đặc trưng riêng có, tỉnh Lào Cai có đầy đủ điều kiện để phát huy thế mạnh là cực tăng trưởng, trung tâm kết nối, trung tâm kinh tế, chính trị và đối ngoại của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ và của cả nước./.

Xuân Hòa

...