27/01/2025 lúc 11:51 (GMT+7)
Breaking News

“ Giao lộ ký ức”- VPBank x Tò He - “Vũ trụ” sáng tạo xịn sò cho các bé thơ

Người lớn và trẻ em cùng vui vẻ khi cùng xem chung một bộ phim hoạt hình, tương tác họa tiết gạch bông một thời, ghép gạch mosaic và cắt ghép những con rối ngộ nghĩnh. Nói như PGS.TS. Lê Thị Kim Ánh (thành viên điều phối sản xuất nội dung Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, “đến với Lễ hội, chúng ta hãy cởi mở, hãy trở về như một đứa trẻ trong con người chúng ta để khơi dậy, đánh thức sức sáng tạo trong mỗi người".

Dịp cuối tuần, không gian “ Giao lộ ký ức”- VPBank x Tòhe, đón số lượng các gia đình đưa con về đây tham gia các hoạt động trải nghiệm ở Nhà chiếu phim ký ức, Xưởng in dấu tháng năm, Xưởng ghép gạch và Xưởng rối ngày càng đông.

Chương trình do VPBank phối hợp Tò He tổ chức, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo, diễn ra từ nay tới hết ngày 17-11, với mục tiêu khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ - những chủ nhân công nghiệp sáng tạo Hà Nội hôm nay và tương lai.

Cả nhà chơi miễn phí

“Cả nhà chơi cùng nhau đã vui rồi, được chơi miễn phí lại càng khoái chí”, chị Nguyễn Thị Hương Ly (36 tuổi, quận Hoàng Mai) dắt con 4 tuổi lên chơi. Bé nhà chị thích nhất việc in dập họa tiết gạch bông lên giấy và ghép gạch mosaic nên chỉ quanh quần ở Xưởng in dấu tháng năm với Xưởng ghép gạch.

Nghe con nói “hình này giống ở nhà bà ngoại”, chị Hường bất ngờ bởi chia sẻ của con gợi lên trong chị một mảnh ký ức đã phủi bụi từ lâu. “Ba chị em tôi từng chân trần chạy nhảy thỏa thích, thậm chí nằm ngủ trưa trên sàn nhà lát bằng gạch bông mát lạnh suốt những mùa hè thơ ấu”, chị kể lại. Thấy con chơi vui quá, chị cũng ngồi xuống chơi cùng.

Còn chị Hoàng Hoa năm nay gần 50 tuổi, con cái đã lớn, chị một mình bước vào Nhà chiếu phim ký ức xem những phim hoạt hình ngày xưa, xung quanh là các bạn nhỏ khác.Chị Hoa tâm sự phải đến vài chục năm rồi, chị mới lại hồn nhiên đến thế. Chị nhớ ngày xưa, thế hệ chị mê phim hoạt hình Việt Nam, Liên Xô như điếu đổ. Nhà không có tivi, phải chạy qua nhà hàng xóm xem cho bằng được.

“Các bạn nhỏ sẽ gặp ở đó một tâm hồn, tính cách Việt Nam mà không tìm thấy ở bất cứ bom tấn hay các phim hoạt hình nước ngoài khác”, chị nói “những sản phẩm thuộc về trí tuệ của ông cha vẫn gợi ra một không gian tinh thần và khơi nguồn sáng tạo cho các bạn nhỏ Việt Nam hôm nay”.

Xưởng rối cũng đông khách nhí chẳng kém. Các em thỏa sức ngồi tô màu các bộ phận. Sau đó được mẹ cha, ông bà hướng dẫn cắt rời, đục lỗ, cài đinh ghép các bộ phận, rồi buộc dây để tạo nên những con rối hoạt hình, mô phỏng cách thức tạo ra nhân vật hoạt hình giống thời kì những năm 1960, 1970. Nhiều em kéo dây lên xuống, xem những con rối cử động rồi tự biên tự diễn ra những câu chuyện của riêng mình. Thích nhất làm xong còn được mang “chiến lợi phẩm” về nhà chơi, tưởng tượng tiếp.

Không gian “Giao lộ ký ức” đã trở thành cầu nối để những bậc phụ huynh tìm lại ký ức trẻ thơ, tìm về tuổi trẻ để khơi dậy, đánh thức sức sáng tạo trong mỗi người; còn các em nhỏ để trí tưởng tượng của mình bay bổng trong không gian sáng tạo không giới hạn, nơi mọi ý tưởng đều được tôn trọng và nuôi dưỡng.

Sờ, chạm, ghép, nối bung lụa cùng di sản

“Giao lộ ký ức- VPBank x Tòhe” được thiết kế bao quanh Nhà Bát giác ở vườn hoa Lý Thái Tổ. Chơi xong thấm mệt, ngồi ngắm công trình kiến trúc độc đáo - được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 tới nay vẫn còn nguyên vẹn - cũng là điều thú vị.

Bản thân Nhà Bát giác lúc này không đơn thuần là một di sản “đông cứng”. Khi những tấm mành tre quây lại, có cảm tưởng nơi đây như biến thành một rạp chiếu bóng nhỏ.

Ngồi bên trong ngước nhìn kèo cột, chạm khắc, họa tiết của công trình, hồi hộp đợi màn chiếu phim bừng sáng. Để rồi trong Nhà chiếu phim ký ức của người lớn đó, khi xem chùm phim Đáng đời thằng cáo, Sơn Tinh Thủy Tinh, Bàn tay khổng lồ, Mèo Con, Con sáo biết nói, Chuyện ông Gióng và Rồng lửa Thăng Long, tụi nhỏ biết được phim hoạt hình thế hệ ông bà, cha mẹ các em từng xem trông như thế nào. Biết được ngày xưa với điều kiện kĩ thuật thô sơ, nhiều hạn chế, Trương Qua và Ngô Mạnh Lân - hai đạo diễn tiên phong của ngành hoạt hình Việt Nam - đã sáng tạo nên những bộ phim hoạt hình ra sao. Di sản “thấm” dần, không cần tuyên ngôn rổn rảng.

Các em được “sống” và “cảm” cùng/trong di sản. Di sản lại sống cùng cảm xúc và sự sáng tạo của các em thông qua các hoạt động trải nghiệm sờ, chạm, ghép nối, thỏa sức vẽ vời ở các Xưởng in dấu tháng năm, Xưởng ghép gạch và Xưởng rối.

Nói như bà Nguyễn Thùy Dương, giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank, “các hoạt động trong chương trình nói riêng hay Lễ hội Thiết kế sáng tạo nói chung vượt lên khuôn khổ một sự kiện văn hóa thông thường để trở thành một ‘học viện di sản’ sống động, đánh thức và nuôi dưỡng những tiềm năng sáng tạo trẻ

Di sản trở thành trạm dừng để người lớn và cả trẻ con lên một chuyến xe về miền quá khứ và đi tới tương lai, khám phá hành trình sáng tạo của các cá nhân và cả cộng đồng. “Học viện di sản” đặc biệt này sẽ nuôi dưỡng, khơi nguồn sáng tạo cho các bạn trẻ, định hướng các em trở thành chủ nhân của nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam

18h30 tối 10/11, tại giao lộ quảng trường Cách mạng Tháng 8 - Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra sự kiện thời trang - rock show Hà Nội chốn đi về với sự đồng hành của VPBank, nhằm tôn vinh những tài năng sáng tạo nghệ thuật trẻ.

Đây là một trong những chương trình biểu diễn ngoài trời quy mô lớn trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, sẽ là sân chơi “đỉnh nóc, kịch trần” dành cho giới trẻ.

Sự kiện quy tụ các band nhạc Rock nổi tiếng qua các thời kỳ của Hà Nội như Purple Blues, Thủy Triều Đỏ, Lý Bực và Blue Whales cũng như trình diễn các bộ sưu tập thời trang mang hơi thở vừa truyền thống vừa hiện đại.

Bảo Anh