22/12/2024 lúc 15:40 (GMT+7)
Breaking News

Hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp trong ‘sân chơi’ FTA

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, ưu thế người đi đầu của Việt Nam trong các FTA không còn kéo dài và các quốc gia cũng ngày càng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Các doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đáp ứng, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, do vậy để có nguồn lực thực hiện việc này là vô cùng khó khăn, đặc biệt đó là nguồn lực về tài chính.

"Vấn đề tài chính rất là quan trọng. Tôi thấy là mình cũng có thể phải phối hợp với ngành ngân hàng để thúc đẩy như ở các nước có cái gọi là cấp vốn theo chuỗi giá trị. Có nghĩa là không cần doanh nghiệp phải có quá nhiều tài sản thế chấp. Nhưng khi doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi và đã có người mua chờ sẵn, thì ngân hàng sẽ cho vay với thế chấp chính bằng chuỗi giá trị đấy. Ví dụ, nếu bên EU người ta đã xác định là sẽ nhập khẩu những lô hàng sản này chẳng hạn thì ngân hàng và các hiệp hội, cơ quan tín chấp sẽ cấp vốn. Đây là một cách để giúp tháo gỡ tài chính cho doanh nghiệp".

Bà Thủy cũng cho biết, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với ngành tài chính, các bộ ngành và hiệp hội để thiết kế, xây dựng lại cách thức, quy trình giúp doanh nghiệp hấp thụ tốt hơn các chính sách hỗ trợ.

"Chúng tôi đang có kế hoạch rà soát để sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải có những chính sách dành riêng cho các nhóm doanh nghiệp với các gói hỗ trợ chuyên sâu, chuyên biệt hơn; sẽ không hỗ trợ chung chung như hiện nay".

Chúng ta phải suy nghĩ về một chương trình hỗ trợ riêng cho các FTA và phải xây dựng chi tiết cho từng hiệp định. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

"Từ góc độ của cơ quan quản lý thì tôi nghĩ có hai việc sau. Một là phải có chương trình riêng cho các FTA. Hai là phối hợp với các bộ ngành và các địa phương, để làm sao chúng ta thống nhất được các chương trình và tối ưu hóa được những nguồn lực sẵn có".

Ngoài ra, để giải quyết được "bài toán" FTA, chúng ta phải có chính sách tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa. Bởi các doanh nghiệp vừa có đủ khả năng, nguồn lực, quản trị, nên họ có thể dẫn dắt, kéo các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đi theo. Nền kinh tế không nên chỉ dựa vào các "ông lớn". Nếu trong tổng số 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước, có khoảng 50.000 doanh nghiệp vừa có đủ năng lực cạnh tranh, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn, sẽ tạo ra động lực rất lớn để phát triển kinh tế.

Thái Sơn - The VGP

...