19/12/2024 lúc 03:13 (GMT+7)
Breaking News

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: "Hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng dư thừa xuất nhập khẩu hàng hóa"

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, Việt Nam đang có hệ thống cảng biển tổng thể hiện đại, đáp ứng dư thừa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, thỏa mãn các nhu cầu đột biến và nhu cầu hàng hóa trong bối cảnh đặc biệt như Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Cục Hàng hải VN chiều 28/12, nhìn lại chặng đường hơn 20 năm quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang nhận định hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng.

Theo đó, Việt Nam đang có hệ thống cảng biển tổng thể hiện đại, đáp ứng dư thừa nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, thỏa mãn các nhu cầu đột biến và nhu cầu hàng hóa trong bối cảnh đặc biệt như Covid-19.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng cho biết tới đây, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển và cảng cạn, làm tiền đề cho việc tiếp tục trình phê duyệt các quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước các cảng biển để hoàn thiện hệ thống các quy hoạch của ngành cảng biển.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định: “Theo dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6 - 2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1 - 4,8 lần so hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua, hệ thống cảng biển Việt Nam được hoạch định phù hợp quy định pháp luật, lợi thế tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối,… tạo thành một chỉnh thể thống nhất.

Hai cảng biển đặc biệt tại Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu đóng vai trò cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, tiếp nhận các tàu đi tuyến biển xa; 15 cảng loại I tiếp nhận tàu đi tuyến nội Á, Australia, châu Phi; 19 cảng biển loại II, III tiếp nhận tàu trên các tuyến biển cự ly ngắn, trung bình, đóng vai trò cảng vệ tinh gom hàng cho các cảng biển chính”. 

Đối với vận tải biển, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng đội tàu Việt Nam đã đáp ứng 100% nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển nội địa. Sản lượng hàng hóa vận tải tuyến quốc tế của đội tàu Việt Nam năm 2022 tăng hơn 10% so với năm ngoái, đạt gần 1,3 triệu tấn hàng hóa. Điều này được Thứ trưởng Sang nhận định là kết quả bước đầu để đội tàu Việt Nam vươn ra quốc tế.

Lý giải về những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải biển đều tăng, một phần do cước vận tải tăng, phần khác là do chất lượng đội tàu cũng được tiếp tục cải thiện, cơ cấu đội tàu ngày càng hợp lý.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của “anh cả đỏ” vận tải biển CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho thấy lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 199,05 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí thuế, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 154,1 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 566,2 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã bù được hết số lỗ lũy kế.

Tương tự, CTCP Vận tải biển Vinaship cũng có kết quả hết sức khả quan. Báo cáo tài chính quý III năm 2022 của Vinaship ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 79,59 tỷ đồng và tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 63,7 tỷ đồng, giảm hơn 7%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 273 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Cảng Hải Phòng

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong năm 2023 sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch cảng biển, tổ chức giám sát triển khai thực hiện quy hoạch, chủ động trong việc kêu gọi đầu tư và quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải; Triển khai hiệu quả Đề án phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang cho biết năm 2022, các cảng biển Việt Nam tại Hải Phòng, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lọt vào danh sách 50 cảng biển có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất thế giới năm 2022.

Các bến cảng cửa ngõ như Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho phép tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới hiện nay (trên 200.000 DWT).

Hàng hóa thông qua các cảng biển, đặc biệt các cảng biển phát triển mới như Bà Rịa - Vũng Tàu được các tạp chí hàng hải quốc tế đánh giá là một trong những cảng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khu vực. Điều này cho thấy dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được cải thiện nâng cao hiệu quả thông qua hàng hóa và hỗ trợ cho hoạt động vận tải biển, đặc biệt là vận tải biển quốc tế.

Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 670,572 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; hàng xuất khẩu ước đạt 163,379 triệu tấn, giảm 3% với cùng kỳ năm 2021; hàng nhập khẩu ước đạt 191,191 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021; hàng nội địa ước đạt 314,036 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Bốc xếp container tại cảng Lạch Huyện

Đối với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải cũng tăng 10% (khoảng 1,29 triệu tấn) so với năm 2021 và chủ yếu vận tải các tuyến như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu. Đây là mức tăng trưởng cao.

Các tuyến vận tải chủ yếu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đã ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tăng do nguồn hàng vận tải và giá cước tăng trong đầu năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD) cho thấy, Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia) và thứ 22 trên thế giới.

Tính đến tháng 12/2022, đội tàu biển Việt Nam có 1.477 tàu với tổng trọng tải khoảng 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT.

Nguyễn Lâm