Chia sẻ với Vietnamhoinhap, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, cao tốc Cam Lộ - La Sơn (1 trong số 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 phải về đích trong năm 2022 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành) sẽ chính thức khánh thành vào sáng ngày 31/12/2022.
Theo đó, cao tốc Cam Lộ - La Sơn là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1). Dự án dài 98,3 km đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2019.
Dự án có điểm đầu Km0+00 trùng với Km10+380 QL9 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối Km102+200 kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khối lượng chính của dự án gồm 33 cầu trên tuyến cao tốc, 16 cầu vượt ngang, 5 nút giao liên thông (nút giao QL9, QL15D, TL9B và TL11B, QL49 và QL1 tránh thành phố Huế, TL14B).
Đối với 3 dự án còn lại gồm các đoạn: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, cả 3 dự án này sẽ thông xe kỹ thuật cũng vào ngày 31/12/2022.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của nhà thầu, tư vấn giám sát, các ban QLDA, cả 3 dự án cao tốc này cơ bản đáp ứng điều kiện thông xe kỹ thuật, tiến tới hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vào ngày 30/4/2023”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin.
Theo Thứ trưởng Huy, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020), Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban QLDA, các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát,… khẩn trương tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, do 5 yếu tố. Trước hết là công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường điện cao thế không đáp ứng tiến độ thi công.
Theo đó, đến tháng 8/2022, đoạn Cam Lộ - La Sơn mới giải quyết xong GPMB. Ngày 27/11/2022 đoạn Phan Thiết - Dầu Giây mới được GPMB xong đoạn đồi đá tại Km30+600. Hiện nay, một số đường dây điện cao thế tại đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chưa hoàn thành di dời.
Yếu tố thứ 2 là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, đặc biệt trong thời gian các tỉnh phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội, các công trường phải dừng thi công từ 4 đến 6 tháng; cán bộ, công nhân không thể đến công trường do giãn cách, đặc biệt thời gian giãn cách trùng với mùa khô rất thuận tiện cho thi công.
Bên cạnh đó, thời tiết khu vực bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ. Cụ thể, trong năm 2021, khu vực Quảng Trị có 143 ngày mưa, Đồng Nai 155 ngày mưa, tổng lượng mưa khu vực miền trung trong năm 2021 từ 3.000-5.000mm so với mức trung bình cả nước từ 1.000-3.000mm. Đồng thời, nhiều cơn bão lớn ảnh hưởng thi công như cơn bão số 6 năm 2021, bão số 4 và số 5 năm 2022.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu nên giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu gây ảnh hưởng đến tiến độ.
Những tháng đầu năm 2022, giá cả các nhiên, nguyên vật liệu tăng đột biến: đất đắp 30-40%, cát 25%, đá 25-30%, xi măng 20-25%, thép 30-40% có thời điểm tăng 80%, dầu diezel 30-50% có thời điểm tăng 80-90% làm tăng giá gói thầu từ 12-18% tuy nhiên việc bù giá theo chỉ số giá địa phương công bố được từ 8-12%).
Yếu tố cuối cùng là các dự án đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung, mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác kéo dài.
Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến tháng 04/2022 mới khai thác được mỏ đầu tiên, mỏ Hòn Lúp 0,8 triệu m3 được cấp phép khai thác từ tháng 3/2022 nhưng đến tháng 9/2022 mới bắt đầu được khai thác.
Tại đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, cuối tháng 2/2022 tỉnh Đồng Nai mới giải quyết xong thủ tục khai thác làm việc triển khai thi công còn chậm so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra cũng có nguyên nhân chủ quan năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế, nhà thầu chưa nỗ lực, huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Theo ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn cả khách quan, chủ quan trong đó khách quan là chủ yếu, song Bộ GTVT xác định việc sớm hoàn thành các dự án thành phần này là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bộ GTVT đã rà soát và nhận định những khó khăn, vướng mắc chung liên quan đến thẩm quyền của Bộ GTVT để tập trung giải quyết và tháo gỡ.
Để đảm bảo việc hoàn thành các dự án đưa vào khai thác, sử dụng, ngày 10/9/2022 vừa qua, Bộ GTVT đã phát động kế hoạch thi đua "120 ngày đêm" với mục đích vừa cổ vũ, vừa là "mệnh lệnh" để các ban QLDA, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu với mục tiêu đến ngày 31/12/2022 hoàn thành đoạn Cam Lộ - La Sơn và thông xe kỹ thuật 3 đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, các nhà thầu đã ý thức việc sớm hoàn thành các dự án là trách nhiệm đối với quốc gia, với nhân dân, thể thể hiện bản lĩnh, năng lực, danh dự của đơn vị.
Trong một thời gian ngắn, các đơn vị đã huy động nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực; tổ chức thi công "3 ca', "4 kíp". Số lượng máy móc các nhà thầu huy động đã vượt số lượng yêu cầu trong hợp đồng.
Cụ thể, đoạn Mai Sơn - QL45 đã huy động thêm 7 trạm trộn bê tông nhựa, 6 dây chuyền thảm bê tông nhựa, 5 dây chuyền rải cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 8 máy san, 8 máy ủi, 34 lu rung.
Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã huy động thêm 62 lu rung, 5 máy san, 10 máy rải, 1 trạm bê tông xi măng, 3 trạm bê tông nhựa, 100 xe vận chuyển; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã huy động thêm 3 trạm trộn bê tông nhựa, 7 dây truyền thi công bê tông nhựa, 10 dây truyền thi công cấp phối đá dăm và cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 4 máy khoan đá, 22 máy lu nền đường, 70 xe ôtô vận chuyển các loại,…
Sản lượng trung bình thi công tháng của các dự án trước đó chỉ từ 2,0 - 2,5% đã tăng lên 4,0 - 4,5%, tiến độ trên các công trường đã có chuyển biến rõ rệt (từ sản lượng tháng 9/2022 khoảng 50% đến 31/12/2022 sẽ đạt được gần 80% toàn dự án và trên 90% của tuyến chính).
“Do khối lượng thi công của các dự án rất lớn, công tác xử lý nền đất yếu phức tạp, kết quả quan trắc theo dõi lún tại đoạn Mai Sơn - QL45 cho thấy chưa đủ điều kiện dỡ tải trong năm 2022”, ông Tiến cho hay.
Thời tiết bất thường với mưa trái mùa, từ đầu tháng 9/2022 đến nay, số ngày mưa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa 36/120 ngày; tỉnh Bình Thuận 51/120 ngày; tỉnh Đồng Nai 54/120 ngày. Đồng thời, cục bộ tại một số địa phương khu vực Nam Trung Bộ xảy ra hiện tượng khan hiếm nguồn cung xăng dầu cũng là những rào cản để đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ GTVT, các ban QLDA và các nhà thầu đã khắc phục mọi khó khăn, huy động đầy đủ nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án và sẽ đảm bảo thông xe kỹ thuật cả 3 dự án vào ngày 31/12/2022.
Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các ban QLDA, nhà thầu phát huy kết quả đạt được của phong trào thi đua "120 ngày đêm", giữ vững nhịp độ, không khí khẩn trương, quyết tâm thi công trên công trường, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công việc còn lại để đưa các dự án vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023.
Nguyễn Lâm