11/04/2025 lúc 15:42 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện cải cách thủ tục hành chính

Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc, có vị trí chiến lược cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhận thức rõ điều này, nhiều năm qua, tỉnh vừa quan tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nói chung vừa không ngừng nỗ lực cải cách hành chính hướng tới phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Bên cạnh đó, Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việc cắt giảm thời gian xử lý TTHC góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính

Trong thời gian qua, các cấp trên địa bàn tỉnh đã ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật. 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND được xây dựng, ban hành bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh: thực hiện 6 cuộc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; 4 cuộc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý .

Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được quan tâm, như: tổ chức các hội nghị tuyên truyền; biên soạn, in và cấp phát tài liệu; đăng tải tin, bài, ảnh về công tác cải cách thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp Lào Cai. UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 977/1.917 thủ tục hành chính thực hiện cắt giảm, giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định; 100% thủ tục hành chính nội bộ đã được rà soát. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức liên thông được đẩy mạnh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với các thủ tục như: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí… tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đã xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính. Các cơ quan trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được phân công đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính theo quy định. 100% phản ánh kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công khai kết quả giải quyết phản ánh kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử.

Mặt khác, tỉnh đã tập trung xây dựng, ban hành các quy định về vị trí việc làm của công chức, viên chức. Việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ, điều động, bổ nhiệm, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng về thẩm quyền, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của trung ương và của tỉnh. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được quan tâm. Đặc biệt, Lào Cai thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách thu hút người có tài năng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước theo Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh Lào Cai về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo, nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025.

Liên quan đến việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này, trọng tâm như: Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh… Hạ tầng viễn thông, internet phát triển rộng khắp với 2.936 trạm BTS lắp đặt tại 1.336 vị trí, 956 tuyến truyền dẫn bảo đảm 99% trung tâm các thôn, tổ dân phố được phủ sóng di động 3G, 4G. Về phát triển hạ tầng công nghệ – thông tin: 100% các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện duy trì hệ thống mạng LAN đạt chuẩn, kết nối internet và thiết bị đầu cuối phục vụ công việc, nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời duy trì, triển khai các hệ thống thông tin dùng chung tập trung, thống nhất, tích hợp, như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành; thư điện tử, ký số, hệ thống báo cáo trực tuyến, cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin địa lý (GIS), cổng du lịch thông minh… Tỉnh Lào Cai đã cung cấp, tích hợp 1.315/1.320 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (99,62%); tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến 59,44%. Tập trung xây dựng, phát triển đô thị thông minh với các lĩnh vực, như: bộ phần mềm du lịch thông minh; phần mềm bệnh án điện tử (EMR); triển khai môi trường học tập trực tuyến (e-learning); phần mềm quản lý bến xe… Hệ thống quản lý văn bản, điều hành, tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng đạt 95,42%. Duy trì, áp dụng, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 vào hoạt động của 193/193 cơ quan, đơn vị hành chính…

Công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có sự đổi mới về chỉ đạo, điều hành, phương thức tổ chức hoạt động của các cơ quan, đơn vị, trên cơ sở khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ – thông tin, truyền thông, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, trong quá trình triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính tại Lào Cai cũng còn gặp không ít khó khăn. Để các cấp chính quyền vững mạnh, nền hành chính kiến tạo phát triển, điều tiên quyết là phải lấy con người làm trung tâm và cũng là trọng tâm thực hiện. Cụ thể là coi việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là then chốt, mang tính quyết định thành công mục tiêu xây dựng chính quyền vững mạnh, nền hành chính kiến tạo phát triển, hiện đại, hiệu quả. Trong bối cảnh phát triển công nghệ nhanh và mạnh, cán bộ, công chức phải có khả năng tạo các giải pháp thông minh, hiệu quả hơn để giải quyết các công việc, xử lý các vấn đề thách thức, phức tạp nảy sinh trong công việc và cuộc sống xã hội. Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là: Phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ quản lý nhà nước phù hợp với vị trí việc làm, có kiến thức chuẩn về tin học, ngoại ngữ, có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới, biết áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước ở địa phương, thay đổi tư duy từ quản lý - cai trị sang tư duy hỗ trợ, phục vụ, kiến tạo, sáng tạo, đồng hành thúc đẩy sự phát triển, tập trung xây dựng chính quyền tương tác, đối tác, liêm chính, kiến tạo, vì Nhân dân phục vụ”.

Lào Cai tích cực đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng – Ảnh: Thi công lắp đặt vòm thép cầu Phú Thịnh tại thành phố Lào Cai

Tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội

Trong lĩnh vực giao thông, Lào Cai đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng nhằm nâng cấp và mở rộng mạng lưới giao thông. Đặc biệt, dự án nâng cấp đoạn Yên Bái - Lào Cai của cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên 4 làn xe đang được nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung xây dựng các tuyến đường kết nối đến Cảng hàng không Sa Pa và các khu kinh tế trọng điểm. Dự án xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư 203.231 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Tuyến đường sắt này sẽ tăng cường kết nối giữa Lào Cai với các trung tâm kinh tế lớn, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế vùng. Tỉnh đang triển khai dự án cầu đường bộ qua sông Hồng tại khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), khởi công vào cuối tháng 3/2025. Công trình này sẽ tăng cường kết nối giao thương giữa hai nước và thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu.

Đối với hạ tầng du lịch, Lào Cai hiện có 1.570 cơ sở lưu trú với khoảng 16.000 phòng, bao gồm 4 khách sạn 5 sao và 9 khách sạn 4 sao. Sự phát triển này đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại địa phương. Khu, điểm du lịch: Tỉnh đã công nhận 33 khu, điểm du lịch, trong đó có Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các khu du lịch cấp tỉnh như thành phố Lào Cai và Bắc Hà. Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch này nhằm đáp ứng tiêu chí quốc gia và nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Bên cạnh đó, hạ tầng năng lượng của Lào Cai cũng được phát triển với Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên đang được triển khai nhằm giải tỏa công suất thủy điện khu vực Tây Bắc và dự phòng tải nguồn điện năng nhập khẩu. Tại Lào Cai, tuyến đường dây này có chiều dài 49,47 km, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, nhưng đã nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng địa phương. Song hành với đó là hạ tầng số để phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số năm 2025, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.

Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Trong thời kỳ hội nhập, tỉnh Lào Cai tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Những nỗ lực này đã giúp Lào Cai xây dựng một nền hành chính kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và khẳng định vị thế của Lào Cai trong khu vực./.

Xuân Hòa

...