19/12/2024 lúc 02:45 (GMT+7)
Breaking News

Gỡ “nút thắt” mặt bằng cao tốc Bắc – Nam đoạn Chí Thạnh – Vân Phong

Ngày 1/1/2023, cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh – Vân Phong sẽ chính thức được khởi công xây dựng. Đến thời điểm này, những “nút thắt” về giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Phú Yên nỗ lực tháo gỡ.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc Ban QLDA 7 đang báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Văn Lâm về tiến độ dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong

Phấn đấu khởi công ngay tháng 1/2023

Khảo sát thực tế cho thấy, cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong dài có tổng chiều dài trên 48km, nằm toàn bộ trên tỉnh Phú Yên với điểm đầu là (Km0+000) trước nút giao Chí Thạnh, thuộc địa phận thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; Điểm cuối (Km48+052) kết nối với Quốc lộ 1 và Dự án hầm Đèo Cả thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên;

Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án khoảng trên 10.733 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.325 tỷ đồng; Chi phí xây dựng khoảng 7.822 tỷ đồng; Chi phí thiết bị 38 tỷ đồng; Chi phí QLDA 39 tỷ đồng; Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 311 tỷ đồng; Chi phí khác: 219 tỷ đồng; Chi phí dự phòng: 1.015 tỷ đồng.

Đây là tuyến cao tốc gồm 5 nút giao liên thông (4 nút giao khác mức và 1 nút giao cùng mức); có tới 32 công trình cầu (23 cầu tuyến chính, 1 cầu vượt trực thông, 8 cầu trong nút giao); 1 công trình hầm đường bộ với 02 ống hầm, dài 1.020m; 46 hầm chui; 12km đường gom; 246 cống ngang.

Quy mô dự án sẽ đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Trong tương lai sẽ xem xét nâng cấp thành quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,5m; vận tốc thiết kế 100-120km/h.

Để dự án được triển khai đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án 7 đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp gói XL02 ngày 25/12/2022 và dự kiến khởi công gói thầu này vào ngày 1/1/2023. Còn gói thầu XL01 đang tiến hành lựa chọn nhà thầu xây lắp ngày 15/1/2023 để sớm khởi công trong Quý I/2023.

“Bài toán” mang tên mặt bằng

Trao đổi với Việt Nam Hội nhập, ông Lê Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7, Bộ GTVT cho biết: Hiện tại, Phú Yên rất nỗ lực để thực hiện bàn giao 70% diện tích GPMB dự án cho Ban QLDA, tuy nhiên công tác giải ngân vốn GPMB còn hạn chế.

Vì thế, UBND tỉnh Phú Yên đang chỉ đạo Hội đồng đền bù GPMB các huyện, thị xã, thành phố như: Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy Hòa. Đồng thời, lập kế hoạch chi tiết giải ngân vốn GPMB từ nay đến ngày 20/1/2023, đảm bảo hoàn thành 100% theo kế hoạch vốn đã được địa phương đăng ký  khoảng 573 tỷ đồng.

“Trong quá trình GPMB, điểm nghẽn lớn nhất của dự án là đơn giá bồi thường cho các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Hiện tại, UBND tỉnh đã nhiều văn bản gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, đơn vị liên quan nhưng vẫn chưa được tháo gỡ cụ thể”, ông Lê Quốc Dũng nói.

 

Trao đổi về những vướng mắc này, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết: Đây là “bài toán” không nhỏ cần giải quyết của các tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên. Điều này buộc địa phương phải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Đơn giá bồi thường đất, cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất đang gặp vướng mắc về thể chế.

Cho đến ngày 9/12/2022, UBND tỉnh mới phê duyệt được đơn giá bồi thường cây trồng; ngày 13/12/2022 mới phê duyệt giá bồi thường về đất…

Hiện tại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm điểm, rà soát các nhiệm vụ, xác định những khó khăn, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Hằng tuần, các bộ phận, địa phương phải báo cáo tiến độ thực hiện cho ban chỉ đạo. Đồng thời, yêu cầu thị xã Đông Hòa phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho lễ khởi công dự án vào ngày 1/1/2023.

Về mỏ vật liệu cho cao tốc thế nào?

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có thông báo số 167/TB-BTNMT ngày 25/11/2022 về việc thông báo kết luận về việc hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng kí khai tác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải chất rắn và các thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng (VLXD).

Giao Tổng cục địa chất khoáng sản Việt Nam tham mưu trình Bộ TNMT văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc cấp phép mỏ VLXD phục vụ Dự án cao tốc. Tuy nhiên, đến nay chưa ban hành nên đề nghị Bộ TNMT sớm ban hành làm cơ sở cho các chủ đầu tư dự án cao tốc thực hiện

Về các thủ tục đất đai liên quan đến việc GPMB, thu hồi đất mỏ khai thác làm VLXD phục vụ Dự án đã có hướng dẫn tại thông báo số 167/TB-BTNMT ngày 25/11/2022. Theo đó, công tác thu hồi đất thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 62, Luật đất đai, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định, kinh phí được sử dụng từ nguồn kinh phí GPMB của dự án.

Đề nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể để Ban QLDA7 có cơ sở thực hiện.

Đinh Tịnh