29/03/2024 lúc 07:09 (GMT+7)
Breaking News

Sẵn sàng nguồn lực khởi công các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II

Sau gần 1 năm chuẩn bị các nguồn lực, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 sẽ đồng loạt khởi công trong những ngày đầu năm mới 2023.
Ảnh minh họa - vov.vn

Chủ động

Đến cuối tháng 12/2022, đoàn công tác khảo sát thực địa và kiểm đếm diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các địa phương có cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đi qua, do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu vẫn đang tập trung thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán... tại các gói thầu cuối cùng của tuyến cao tốc là: Đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh, để đảm bảo chủ động khởi công 12 gói thầu đầu tiên tới đây. Bộ GTVT cũng đã đặt ra mục tiêu khởi công tất cả 13 gói thầu còn lại của 12 dự án thành phần trước ngày 15/1/2023.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, việc đảm bảo tiến độ khởi công tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia này sau gần 1 năm khảo sát, GPMB thể hiện quyết tâm chính trị lớn của các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ GTVT, các Ban Quản lý dự án giao thông (đơn vị chủ đầu tư) và các nhà thầu được lựa chọn. 

Cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 là dự án đầu tiên đảm bảo chủ động về thời gian thực hiện từ trước đến nay. Nếu cao tốc giai đoạn I 2017 - 2020 có thời gian lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần khoảng 1 năm (tính từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư), các dự án giai đoạn II chỉ mất hơn 5,5 tháng; thời gian lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu thi công ở dự án giai đoạn I khoảng 1.5 năm, ở giai đoạn 2 là 6 tháng.

Bên cạnh đó, công tác GPMB các dự án giai đoạn II cũng có nhiều đột phá. Trước đây, việc bàn giao cọc GPMB phải trải qua nhiều quy trình, với giai đoạn II, khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, công tác bàn giao cọc GPMB đã cơ bản hoàn thiện. Các địa phương có thể triển khai các công tác kế tiếp như đo đạc, kiểm đếm, vào dự toán vốn... Ước tính, công tác bàn giao cọc GPMB của dự án giai đoạn II được rút ngắn gần 1 năm so với thông thường.

Thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đến đầu tháng 12/2022, các địa phương có tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn II đi qua đã bàn giao được 426/721,2km, đạt 59%. Tuyến nối cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đạt 8,3/25,45km, đạt 33%. Đối với 12 gói thầu khởi công đầu tiên vào đầu năm 2023, đến ngày khởi công, các địa phương sẽ bàn giao được 76% diện tích mặt bằng (trừ đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, tỉnh Phú Yên dự kiến bàn giao đạt khoảng 62 - 66%). Như vậy, đến thời điểm khởi công dự án, các địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng. 

Đảm bảo nguồn vật liệu thi công

Bài học kinh nghiệm của các dự án giai đoạn I là do thiểu nguồn đất đắp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thị công chung của toàn dự án, nên hiện nay, nhiều gói thấu vẫn đang "ì ạch" tiến độ.

Theo rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đối với dự án cao tốc thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, tỉnh Quảng Ngãi hiện đã ban hành quyết định về việc khoanh vùng 14 mỏ, với tổng trữ lượng đất san lấp được địa phương chấp thuận cho dự án khoảng gần 15 triệu m3, trong khi tính toán nhu cầu chỉ cần hơn 9,6 triệu m3. Đối với 2 dự án thành phần do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư là Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

Dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi có nhu cầu hơn 3,9 triệu m3 đất, đã khảo sát được 13 vị trí với tổng trữ lượng hơn 15,4 triệu m3; vật liệu cát cần 450.000 m3, khảo sát được 5 vị trí trữ lượng hơn 935.000 m3; vật liệu đá cần 692.000 m3, khảo sát được 8 vị trí với tổng trữ lượng 11,7 triệu m3. Dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có nhu cầu đất đắp khoảng hơn 7,5 triệu m3, khảo sát được 8 vị trí với trữ lượng dự kiến 16,5 triệu m3; vật liệu cát các loại cần khoảng 456.000 m3, khảo sát được 12 vị trí với trữ lượng hơn 1,5 triệu m3. .

Tại 2 dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh, vật liệu đất ở khu vực thi công dự án cũng dư sức đáp ứng nhu cầu. Sau khi cân đối đào, đắp, đoạn Vũng Áng - Bùng vẫn thừa khoảng 8 triệu m3 đất, đoạn Bùng - Vạn Ninh thừa hơn 2 triệu m3...

Để đáp ứng tiến độ xử lý nền đất yếu với thời gian gia tải từ 8 - 12 tháng của các đoạn qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023, trước mắt, nguồn cát sông vẫn cần được tập trung huy động. Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát thực tế, làm việc, đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu và nguồn cát trên địa bàn, ưu tiên dồn nguồn lực cho cao tốc giai đoạn II.

Hiện nay, các Ban Quản lý dự án giao thông đã phát hành hồ sơ yêu cầu của gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát đối với 12 gói thầu khởi công đầu tiên (331 km) của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II, bảo đảm điều kiện khởi công vào ngày 1/1/2023. Đối với 13 gói thầu còn lại, các Ban Quản lý dự án được yêu cầu ký hợp đồng trước ngày 10/1/2023 để khởi công trước ngày 15/1/2023.

Theo kế hoạch của Bộ GTVT, ngày 1/1/2023, 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II sẽ khởi công gồm: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,2km); gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (30km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (23,54km); gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (30,29km); gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (32,54km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (30km); gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (23,5km); gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (22,1km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (24,05km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (30,85km); dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65km); gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (22,4km).
Sơn Vân/Báo Tin tức
...