VNHN - Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4667/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý, giai đoạn 2021 – 2025.
Tỉnh Thanh Hóa có 2.231 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý.
Theo đó, tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có 2.231 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý. Tổng số người làm việc hiện có trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý (thời điểm tháng 8/2021) là: 66.236 người. Tổng số người làm việc (biên chế sự nghiệp) trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý được UBND tỉnh giao năm 2021 là: 60.859 người; số lượng người làm việc do Thủ trưởng đơn vị quyết định từ nguồn thu sự nghiệp là 9.768 người.
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức bên trong của đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ; quy định của pháp luật chuyên ngành và đảm bảo các nguyên tắc:
1. Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần theo đúng Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, tổ chức lại phải đảm bảo thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo từng mức tự chủ tài chính quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, bảo đảm giảm chi ngân sách nhà nước.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công ở những lĩnh vực, những nơi có đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu của xã hội theo cơ chế thị trường; đồng thời, giảm biên chế sự nghiệp công ở những lĩnh vực, những nơi đã được xã hội hóa để bố trí biên chế cho những lĩnh vực, những nơi còn thiếu so với định mức.
4. Các đơn vị sự nghiệp công lập là đối tượng sắp xếp, tổ chức lại nêu tại Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh, nhưng chưa thực hiện thì tiếp tục thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.
5. Trong năm 2021, cơ bản giữ ổn định tổ chức và hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức bên trong của đơn vị sự nghiệp công lập mới được thành lập hoặc kiện toàn kể từ năm 2019 trở lại đây.
6. Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo lộ trình, phù hợp với tình hình thực tế, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị.
7. Tạm dừng thực hiện bổ nhiệm cán bộ, viên chức lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức bên trong của đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ, viên chức lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, tổ chức lại. Trường hợp thật sự cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc các sở xem xét, chấp thuận việc bổ nhiệm cán bộ, viên chức lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức bên trong của đơn vị sự nghiệp công lập trước khi thực hiện quy trình bổ nhiệm theo thẩm quyền được phân cấp.
8. Tạm dừng việc tuyển dụng, tiếp nhận kế toán, nhân viên hành chính các trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh để thuận lợi trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị trường học.
Kết quả sau khi sắp xếp lại được dự kiến như sau:
Năm 2021: Giảm 18 đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập (trong đó có 11 đơn vị sự nghiệp Giáo dục - đào tạo). Tăng 01 đơn vị sự nghiệp công lập do thành lập mới. Giảm 17 tổ chức bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Năm 2022 đến năm 2025: Trước mắt dự kiến giảm 42 đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có 39 đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo). Trên cơ sở sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được kiện toàn, sắp xếp từ năm 2019 trở lại đây và các đơn vị sự nghiệp chưa kiện toàn, sắp xếp, UBND tỉnh sẽ quyết định số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức bên trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm bảo đảm theo quy định. Việc sắp xếp, tổ chức lại gắn với việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần./.