Năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng khá cao. Các cơ sở công nghiệp trọng điểm, như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, II tăng công suất và hoạt động ổn định; các doanh nghiệp sản xuất may mặc, giày dép có nhiều đơn hàng, tiếp tục mở rộng sản xuất; có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.
Nổi bật như, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 19,26% so với năm 2023, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh cũng có mức tăng trưởng ấn tượng tăng 13,29%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,62%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà không khí tăng 15,56%; hoạt động cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,74%. Những kết quả khởi sắc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh còn được thể hiện ở chỉ số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp có xu hướng tăng. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh tăng 8,96% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, phần lớn các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong năm, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với năm 2023; trong đó, có một số sản phẩm tăng cao, như: Đường tinh luyện tăng 85,9%; Benzen tăng 53,5%; dầu nhiên liệu tăng 37,7%; xăng động cơ tăng 32%; giày thể thao tăng 30,4%; thuốc lá tăng 29,8%; quần áo các loại tăng 21,2%; điện sản xuất tăng 16,3%... Có 07/25 sản phẩm công nghiệp giảm so với năm 2023, gồm: Ô tô tải giảm 59,91%; tinh bột sắn giảm 17,9%; bia giảm 12%; dầu, mỡ bôi trơn giảm 8,2%; phân bón giảm 4%; clinker xi măng giảm 3,58%; dầu ăn tinh luyện giảm 0,9%.
Đáng chú ý, trong năm 2024, ngành công nghiệp năng lượng tiếp tục khởi sắc, hoạt động cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn, ổn định; sản lượng điện sản xuất năm 2024 ước đạt 12,7 tỉ KWh, tăng 16,3% so với năm 2023; sản lượng điện thương phẩm ước đạt 9,2 tỉ kWh, tăng 13,2%.
Kết quả trên cho thấy, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức... Nguyên nhân giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao chủ yếu là nhờ các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, linh hoạt tìm kiếm thị trường và hoạt động ổn định… một số doanh nghiệp điển hình như: Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam tại KCN Bỉm Sơn; Nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia tại huyện Hoằng Hóa; Nhà máy giày tại xã Thiệu Phú, Thiệu Hóa; nhà máy giày Thường Xuân…
Để có được những kết quả nêu trên, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, ngành Công thương phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức thực hiện tốt các đề án khuyến công địa phương và quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh, nâng cao năng lực xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh… Năm 2025, ngành công thương Thanh Hóa phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng từ 15% trở lên.
Với những kết quả tích cực đạt được trong sản xuất công nghiệp, cùng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự chủ động linh hoạt sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa tiếp tục phát huy các tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025./.