Hệ thống pháp luật và chính sách bảo tồn toàn diện
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, chính quyền Nhật Bản đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ di sản văn hóa truyền thống. Năm 1910, Luật Bảo tồn Di tích danh lam thắng cảnh tự nhiên được ban hành, tiếp theo là Luật Bảo tồn kho báu Quốc gia vào năm 1929 và Luật Bảo vệ Di sản văn hóa vào năm 1950. Luật Bảo vệ Di sản văn hóa đã được sửa đổi vào năm 1975, bổ sung thêm hệ thống các khu vực bảo tồn, bao gồm các khu vực lịch sử như lâu đài, khu phố cổ, đền chùa, thành phố cảng, làng nghề truyền thống và làng chài. Các bộ luật được ban hành nhằm giúp bảo vệ hàng nghìn di tích lịch sử, công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật, lễ hội truyền thống... khỏi nguy cơ bị phá hủy hoặc mai một.
Để xác định mức độ ưu tiên bảo tồn, Nhật Bản có hệ thống phân loại và xếp hạng tài sản văn hóa rất chi tiết, từ cấp quốc gia đến cấp địa phương. Các danh hiệu như "Quốc bảo", "Tài sản Văn hóa Quan trọng", "Di sản Văn hóa Phi vật thể Quan trọng"... không chỉ là sự ghi nhận giá trị văn hóa mà còn là cơ sở để phân bổ nguồn lực và áp dụng các biện pháp bảo tồn phù hợp.
Núi Phú Sĩ có thể gọi là biểu tượng của Nhật Bản, được công nhận là di sản thế giới.
Theo quy định của Luật Bảo vệ di sản văn hóa, chính phủ có quyền công nhận các địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Sau khi được đưa vào danh sách bảo vệ, các địa điểm này sẽ nhận được sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ, và mọi hoạt động có khả năng gây ảnh hưởng đến tình trạng hiện tại của chúng đều phải được sự chấp thuận của chính phủ. Trong trường hợp cần thiết, chính phủ có thể áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế các hoạt động đó. Đồng thời, chính phủ Nhật Bản có thể chỉ đạo việc xây dựng các cơ sở vật chất cần thiết để bảo vệ các địa điểm đã được công nhận. Việc quản lý các di tích này có thể được ủy quyền cho các chính quyền địa phương.
Năm 1992 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Nhật Bản chính thức tham gia Công ước Di sản thế giới do UNESCO khởi xướng. Kể từ đó, nhiều di sản văn hóa của quốc gia này đã được vinh danh trong Danh sách Di sản thế giới. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để bảo vệ không chỉ các khu di sản mà còn cả các khu vực đệm lân cận. Những nỗ lực này đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của các tài sản văn hóa và môi trường xung quanh.
Bảo tồn văn hoá trong thời đại mới
Nhật Bản không chỉ bảo tồn văn hóa trong bảo tàng mà còn đưa vào đời sống thường nhật, giúp văn hóa truyền thống trở thành một phần không thể tách rời của xã hội hiện đại. Các lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên, các làng nghề thủ công vẫn duy trì hoạt động, và những loại hình nghệ thuật như trà đạo, thư pháp, kịch Noh hay Kabuki được biểu diễn rộng rãi, tạo nên một không gian văn hóa sống động. Quốc gia này khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, từ việc trực tiếp tham gia gìn giữ, thực hành đến truyền dạy các giá trị văn hóa. Các hiệp hội bảo tồn di sản, nhóm nghệ nhân, câu lạc bộ văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thế hệ, giúp lớp trẻ tiếp cận và tiếp nối những giá trị truyền thống một cách tự nhiên và bền vững.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch, tạo nguồn lực tài chính phục vụ công tác bảo tồn. Các tour du lịch văn hóa, lễ hội kết hợp với du lịch và những ngôi làng nghề truyền thống đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Việc lồng ghép bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế không chỉ giúp bảo vệ và duy trì bản sắc dân tộc mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Nhật Bản ra thế giới. Nhờ cách làm bài bản và sáng tạo, Nhật Bản đã khẳng định vị thế là một trong những quốc gia đi đầu trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa bảo tồn di sản, vừa tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Các tour du lịch văn hóa ở Nhật Bản đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, Nhật Bản có hơn 100 khu vực được chính phủ công nhận là các khu bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử, đồng thời trở thành những điểm đến du lịch văn hóa nổi tiếng. Đây là nền tảng quan trọng để Nhật Bản xây dựng chiến lược phát triển du lịch mới, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa ngành du lịch Nhật Bản lên tầm quốc tế, sẵn sàng chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới. Chính phủ Nhật Bản mong muốn thúc đẩy giao lưu văn hóa đa quốc gia, mở cửa đất nước với thế giới, đồng thời nhanh chóng phát triển các dịch vụ và sáng kiến mới trong lĩnh vực du lịch, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của các địa phương. Ngành du lịch Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm là 3,6%, đóng góp 40.604,2 tỷ yên vào nền kinh tế quốc gia, tương đương 7,4% GDP. Ngành này cũng tạo ra 4,6 triệu việc làm, chiếm 6,9% tổng số việc làm. Du lịch giải trí là động lực chính, chiếm 68% tổng chi tiêu du lịch, trong khi du lịch công vụ chiếm 32%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 21,5%. Chi tiêu từ du khách nội địa chiếm phần lớn, với 82% tổng chi tiêu du lịch, trong khi du khách quốc tế đóng góp 18%.
Văn hóa truyền thống cũng được đưa vào chương trình giáo dục từ cấp tiểu học, giúp thế hệ trẻ hiểu biết và yêu mến văn hóa dân tộc. Các môn học về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các hoạt động ngoại khóa... đã giúp các em hình thành ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Nhật Bản còn sử dụng nhiều hình thức truyền thông để quảng bá văn hóa truyền thống, từ các phương tiện truyền thống như báo chí, phát thanh, truyền hình đến các phương tiện hiện đại như internet, mạng xã hội. Các chương trình truyền hình, phim ảnh, sách báo, trang web, mạng xã hội... đã giúp lan tỏa văn hóa Nhật Bản đến đông đảo công chúng.
Những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam
Mô hình bảo tồn văn hóa của Nhật Bản không chỉ phản ánh sự trân trọng đối với di sản dân tộc mà còn thể hiện chiến lược bảo tồn hiệu quả, trong đó kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Việt Nam cần học hỏi trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa trước những thách thức của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chính sách và pháp luật đồng bộ, giúp việc bảo vệ di sản trở nên bài bản, hiệu quả hơn. Tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn di sản, nhưng việc thực thi vẫn còn hạn chế, nhất là ở cấp địa phương do thiếu nguồn lực và cơ chế giám sát chặt chẽ. Việt Nam cần có những chính sách cụ thể hơn về từng loại hình di sản, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đồng thời phân bổ ngân sách hợp lý để đảm bảo công tác bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ mà còn được phát huy trong đời sống.
Bên cạnh chính sách, vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn văn hóa là yếu tố không thể thiếu. Nhật Bản đã thành công trong việc tạo dựng một xã hội có ý thức cao về gìn giữ di sản, nơi mà người dân không chỉ thụ hưởng mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn thông qua các hoạt động thực tế như truyền dạy nghề truyền thống, tổ chức lễ hội, tham gia các câu lạc bộ văn hóa. Khuyến khích nghệ nhân truyền dạy kỹ năng cho thế hệ sau, hỗ trợ các làng nghề tiếp cận thị trường để duy trì hoạt động sản xuất, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm để người dân, đặc biệt là giới trẻ, có cơ hội tiếp xúc với văn hóa truyền thống một cách sinh động.
Ngoài ra, Việt Nam có thể khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững, vừa giúp quảng bá bản sắc dân tộc, vừa tạo nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn. Nhật Bản đã rất thành công trong việc lồng ghép yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch như làng cổ Gion ở Kyoto, các lễ hội truyền thống hay các bảo tàng sống về nghề thủ công. Việt Nam cũng có tiềm năng lớn với hệ thống di sản phong phú, từ cố đô Huế, phố cổ Hội An, làng gốm Bát Tràng đến các lễ hội dân gian đặc sắc. Tuy nhiên, cần tránh xu hướng thương mại hóa quá mức, khiến giá trị văn hóa bị mai một. Điều này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ trong việc khai thác du lịch, đảm bảo rằng các hoạt động diễn ra đúng bản chất, không bị biến tướng vì lợi ích kinh tế ngắn hạn.
Để bảo tồn văn hóa một cách bền vững, giáo dục và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Nhật Bản đã lồng ghép văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục ngay từ cấp tiểu học, giúp thế hệ trẻ sớm hình thành ý thức bảo vệ di sản. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông hiện đại cũng được tận dụng triệt để để lan tỏa giá trị văn hóa, từ phim ảnh, trò chơi điện tử đến các nền tảng mạng xã hội. Việt Nam cũng cần có chiến lược dài hạn trong lĩnh vực này, không chỉ dừng lại ở những bài học lịch sử khô khan mà cần có những phương pháp tiếp cận sáng tạo hơn, giúp giới trẻ hiểu và tự hào về văn hóa dân tộc. Các chương trình truyền hình, nền tảng số, hoạt động tương tác trực tuyến có thể là cầu nối hiệu quả để đưa di sản đến gần hơn với công chúng, từ đó hình thành một thế hệ vừa am hiểu văn hóa truyền thống vừa có trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nguyễn Trọng Hải