23/01/2025 lúc 06:08 (GMT+7)
Breaking News

Tài xế lại phản đối thu phí BOT Kiến Xương

Sáng 15/8, sau khi Công ty CP Tasco "siết" việc thu phí, hàng trăm người dân tập trung tại trạm BOT trên quốc lộ 39B ở huyện Kiến Xương để phản đối thu phí khiến tuyến đường này ùn tắc nghiêm trọng.

Việc "siết" thu phí ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều chủ xe lưu thông qua tuyến đường trong ngày, khiến giao thông tại khu vực đặt trạm BOT 39 hết sức lộn xộn. Ghi nhận vào sáng 15/8, hàng chục tài xế đã tập trung tại khu vực quầy thu phí để phản đối thu phí.

Tình trạng này đã khiến giao thông tuyến Quốc lộ 39B (địa phận xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) - nơi đặt trạm BOT kẹt cứng, lộn xộn. Hướng di chuyển từ TP Thái Bình đi huyện Tiền Hải và chiều ngược lại đều bị ách tắc, ùn ứ khá dài.

Theo một số tài xế, trước đây xe trong huyện Kiến Xương qua trạm thì được mở barie, trạm chỉ thu phí đối với phương tiện từ nơi khác đến. Tuy nhiên từ ngày 15/8, các phương tiện của địa phương qua đây cũng phải mất phí khiến họ bức xúc.

Hàng trăm người dân tập trung tại trạm BOT trên quốc lộ 39B ở huyện Kiến Xương để phản đối thu phí khiến tuyến đường này ùn tắc nghiêm trọng.

Tình trạng trên chỉ được giải quyết khi Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình và Công an huyện Kiến Xương có mặt tại khu vực trạm thu phí để điều phối, đảm bảo an ninh trật tự.

Trao đổi với PV Việt Nam hội nhập về vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần Tasco - nhà đầu tư dự án cho biết, việc thu phí BOT đã được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận nên việc thu phí đảm bảo đúng quy định.

Theo đó, trạm BOT quốc lộ 39B bắt đầu thu phí từ năm 2017. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án BOT 39 vẫn chưa thể thu phí hoàn vốn theo kế hoạch do vẫn còn nhiều trường hợp các phương tiện tham gia giao thông đã trốn tránh, không chấp hành việc trả phí sử dụng đường bộ theo đúng các quy định hiện hành.

Tình trạng này dẫn đến nguồn thu của Dự án thất thoát, không đảm bảo phương án tài chính đã được phê duyệt, không đủ nguồn tiền để trả nợ ngân hàng và đặc biệt ảnh hưởng đến nguồn kinh phí để duy tu, bảo trì bảo dưỡng gây rủi ro đến công tác an toàn giao thông.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thái Bình đồng ý từ ngày 15/8 cho đơn vị được thực hiện một số biện pháp tăng cường để bảo vệ cho nhân viên và cơ sở vật chất của trạm, đồng thời chống thất thu phí.

Tasco cũng cho biết, trước đó Công ty CP Tasco Nam Thái (chủ đầu tư dự án tuyến tránh Thanh Nê) đã có văn bản thông báo đề nghị các doanh nghiệp, người dân thực hiện cập nhật và đăng ký thông tin tại văn phòng của UBND xã (hoặc Công an xã) trước ngày 10/8 để được miễn phí giá vé.

Đề nghị các hộ dân đăng ký phương tiện tại tỉnh Thái Bình và có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các huyện Kiến Xương, Tiền Hải; các doanh nghiệp vận tải có đăng ký phương tiện, đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện Kiến Xương, Tiền Hải... khẩn trương đăng ký. Nếu sau ngày 15/8, các xe không đăng ký hoặc các xe không được cập nhật về thông tin thì sẽ không được áp dụng miễn phí giá vé.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) có chiều dài gần 30km, được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu gần 2.100 tỉ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Do chi phí giải phóng mặt bằng tăng và điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh lên hơn 2.600 tỉ đồng. Trong đó, số vốn trái phiếu chính phủ bố trí đến hết năm 2016 là gần 1.440 tỉ đồng, số vốn còn thiếu để hoàn thành toàn bộ dự án là 1.165 tỉ đồng.

Do khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ chỉ bố trí vốn cho dự án 1.437 tỉ đồng, số vốn còn thiếu lên tới 1.165 tỉ đồng. Ngày 6-9-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình xin Thủ tướng chuyển đổi hình thức thực hiện dự án từ BT sang BT+BOT để giải quyết khó khăn về vốn.

Theo đó, tỉnh bố trí từ ngân sách 445 tỉ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Số vốn khoảng 720 tỉ đồng do nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT và tổ chức thu phí dự kiến trong 21 năm để hoàn vốn.

Nguyễn Lâm