19/04/2024 lúc 17:40 (GMT+7)
Breaking News

Rút đề xuất mua lại 8 dự án BOT vỡ doanh thu khỏi chương trình kỳ họp Quốc hội

Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất sử dụng ngân sách để mua lại 8 dự án BOT bị vỡ phương án tài chính cần được nghiên cứu kỹ hơn để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

Theo kế hoạch, nội dung xem xét mua lại 8 dự án BOT bị "vỡ doanh thu" sẽ được trình để Quốc hội xem xét trong kỳ họp Quốc hội thứ 4 đang diễn ra, tuy nhiên nội dung này vừa được Thường vụ Quốc hội thông báo rút ra khỏi các phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội lần này.

Theo đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT là nội dung rất khó và phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể và chưa có tiền lệ, các giải pháp đưa ra nếu không bảo đảm chặt chẽ sẽ rất khó được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương.

BOT cầu Thái Hà

Do vậy, đề xuất sử dụng ngân sách để mua lại 8 dự án BOT bị vỡ phương án tài chính cần được nghiên cứu kỹ hơn để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định rút nội dung này ra khỏi phiên họp của Quốc hội đang diễn ra.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản trình Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ quản lý.

Theo Bộ GTVT, đây đều là các dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí; Không thể thu phí do mất an ninh, trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ; Dự án đã thu phí, doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng, nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí... phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng và dự án không thể tiếp tục thực hiện theo hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Để xử lý tình trạng này, Bộ GTVT đã đưa ra giải pháp sử dụng ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 13.000 tỷ đồng để mua lại 8 dự án bị vỡ phương án tài chính, trạm thu phí “chết yểu”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, điều này đi ngược với chủ trương trong việc huy động các nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Đặc biệt, các dự án này được đánh giá là không đảm bảo mục tiêu đầu tư hài hòa giữa ba bên, gồm: Người dân - Nhà đầu tư - Nhà nước. Hơn nữa, hầu hết các dự án này đang có tình trạng dự án làm một nơi, trạm thu phí đặt một nẻo.

Theo các chuyên gia về giao thông, khi đầu tư BOT, các doanh nghiệp phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu, do đó quan điểm của Quốc hội là hợp lý và nhà đầu tư phải nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký. Không thể ký hợp đồng triển khai đầu tư rồi, nhưng khi thấy không hiệu quả thì đề nghị trả lại Nhà nước.

Nguyễn Lâm