29/03/2024 lúc 05:58 (GMT+7)
Breaking News

Đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở tỉnh Quảng Nam

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời góp phần bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền.

Bài viết làm rõ thực trạng, kết quả thực hiện chính sách đầu tư công ở Quảng Nam, từ đó đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đầu tư công để phát huy vai trò của đầu tư công, tạo điều kiện hoàn thành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. 

qnam

Một góc Quảng Nam nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Như Nam

Quảng Nam là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các chính sách đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đầu tư công vẫn còn những hạn chế, bất cập, tình trạng đầu tư công còn dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng vốn… làm giảm vai trò, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện tỉnh Quảng Nam tập trung các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì việc cơ cấu lại đầu tư công, hoàn thiện chính sách đầu tư công là vấn đề rất cần thiết.

1. Thực trạng thực thi chính sách đầu tư công của tỉnh Quảng Nam

Thứ nhất, tình hình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng nhiều chủ trương, kế hoạch, văn bản về đầu tư công. Trong đó, chủ trương, kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh được lập và triển khai thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, bảo đảm mục tiêu ưu tiên theo ngành, lĩnh vực, địa phương và theo định hướng phát triển chung của tỉnh. Kế hoạch đầu tư công gắn với khả năng ngân sách, bảo đảm cân đối thu, chi và trả nợ; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp ngân sách trong quản lý đầu tư công; tăng cường kỷ luật ngân sách... Cụ thể:

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 19-7-2017 và điều chỉnh, bổ sung tại Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 06-12-2018. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được giao là 28.421,7 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 9.379,9 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 16.038,3 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ 1.624,8 tỷ đồng; hạn mức vốn nước ngoài tỉnh vay lại 1.378,7 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, tổng kế hoạch vốn đầu tư công thực tế giai đoạn 2016-2020 là 33.557,5 tỷ đồng, tăng hơn 5.135 tỷ đồng so với dự kiến do nguồn tăng thu, vượt thu, tiết kiệm chi ngân sách có phát sinh mới và nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho một số nhiệm vụ.

Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 70/NQ-HĐND ngày 08-12-2021. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách nhà nước, bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII về các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 33.574,6 tỷ đồng. Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 29.459,6 tỷ đồng (do đưa vào cân đối đầu tư nguồn thu sử dụng đất 10.175 tỷ đồng). Cụ thể, ngân sách địa phương 22.121,9 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 7.337,7 tỷ đồng(1).

Thứ hai, tình hình quản lý việc lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đối với dự án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước

Đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư dự án; chỉ đạo thẩm định về nguồn vốn, xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư làm căn cứ bố trí kế hoạch vốn thanh toán. Đồng thời, ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 09-8-2021 về Quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán và thiết kế xây dựng trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tạo sự chủ động cho các ngành, địa phương. Tuy nhiên, công tác khảo sát lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của một số dự án chưa sát với thực tế, việc thẩm định trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chưa kỹ nên khi triển khai thực hiện phải bổ sung hạng mục, điều chỉnh thiết kế, làm tăng vốn đầu tư, chậm tiến độ, một số dự án phải thay đổi công năng, mục tiêu đầu tư ban đầu.

Thứ ba, tình hình quản lý dự án đầu tư công

Về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu: tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đấu thầu; chỉ đạo các đơn vị không được yêu cầu các điều kiện, tiêu chuẩn không theo quy định hoặc không phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của gói thầu làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; thành lập tổ kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Việc triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng đã được triển khai. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh theo số lượng gói thầu đạt 87,4%, theo giá trị gói thầu thực hiện đạt 33,9%, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có tổng số 19.056 gói thầu với tổng giá gói thầu 27.710,8 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 26.387,5 tỷ đồng, tiết kiệm thông qua đấu thầu 1.323,3 tỷ đồng (tỷ lệ tiết kiệm bình quân đạt 4,7%)(2).

Về công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư: Trong quá trình điều hành, quản lý vốn ngân sách nhà nước hằng năm, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các ngành, địa phương tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao. Đến năm 2021, nhờ tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khả quan. Đến hết ngày 31-01-2022, lũy kế vốn thanh toán là 7.091.286 triệu đồng, đạt 84,8% so với kế hoạch giao(3).

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư công: Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư trên địa bàn tỉnh được tăng cường; kết luận của các đoàn kiểm toán nhà nước, kiểm toán chuyên đề đối với các nguồn vốn đầu tư của tỉnh theo các năm được đôn đốc triển khai thực hiện và giải trình cụ thể. Bên cạnh đó, việc quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực bằng nhiều giải pháp đồng bộ, với sự chủ động vào cuộc và trách nhiệm của cả hệ thống từ cấp tỉnh đến cơ sở đã góp phần tăng hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

Công tác phân cấp, phân quyền theo cấp ngân sách được UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai trên cơ sở Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công, các quy định của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước của tỉnh. Trong đó, phân cấp và ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng do huyện làm chủ đầu tư; phê duyệt quyết toán một số loại dự án được quy định cụ thể tại các quyết định về chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của UBND tỉnh.

2. Những kết quả đạt được và hạn chế, bất cập

Những kết quả đạt được

Một là, chính sách đầu tư công được xây dựng và triển khai thực hiện bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí, định mức quy định; bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư công được phân bổ theo nhu cầu và ưu tiên đầu tư của các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, bố trí tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến giao thông đường bộ, hệ thống thủy lợi, giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực phát triển kinh tế khác. Nhiều dự án trọng điểm, cấp thiết được đầu tư, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực đô thị, đồng bằng, nông thôn, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, xúc tiến đầu tư, phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân(4).

Hai là, chính sách đầu tư công được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn, cân đối các nguồn thu, chi và trả nợ. Quảng Nam đã khắc phục được tình trạng quyết định chủ trương, quyết định đầu tư không căn cứ khả năng cân đối vốn và tình trạng các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp. Nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư công tăng mạnh qua các năm, đầu tư công gắn với khả năng ngân sách, hạn chế tình trạng nợ công; các dự án đầu tư công lựa chọn, thẩm định, phê duyệt theo định hướng phát triển chung.

Ba là, chính sách thu hút và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được ưu tiên, tạo điều kiện thu hút sự quan tâm của các thành phần kinh tế. Nguồn vốn ODA được ưu tiên trong việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu, như y tế, cấp thoát nước, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội miền núi, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, góp phần từng bước đồng bộ và hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả sự phối hợp giữa các cấp ngân sách trong quản lý đầu tư công. Tỉnh mạnh dạn triển khai thực hiện công tác phân cấp, ủy quyền trong đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán và quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định của Nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư, quản lý chất lượng thi công các dự án; kiểm soát việc tạm ứng vốn cho nhà thầu và yêu cầu hoàn trả vốn tạm ứng theo đúng thời gian, định mức quy định.

Năm là,trong công tác đấu thầu, tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, tuân thủ đúng trình tự, bảo đảm các thủ tục theo quy định tại Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thực hiện liên quan. Việc triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng đã được triển khai và tăng mạnh. Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có tổng số 19.056 gói thầu với tổng giá gói thầu 27.710,8 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 26.387,5 tỷ đồng, tiết kiệm thông qua đấu thầu 1.323,3 tỷ đồng (tỷ lệ tiết kiệm bình quân đạt 4,7%)(5).

Những hạn chế, bất cập

Một là, công tác lập kế hoạch đầu tư công còn lúng túng, chưa sát với thực tế, phải điều chỉnh nhiều lần do công tác dự báo nguồn vốn đầu tư công phát sinh chưa chính xác. Quá trình lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công chưa được thực hiện triệt để; việc lựa chọn dự án đầu tư công vẫn dựa nhiều vào các chỉ tiêu định tính, thiếu các tiêu chí mang tính định lượng để đánh giá, sắp xếp thứ tự ưu tiên. Công tác chuẩn bị đầu tư chưa được chuẩn bị và thực hiện đầy đủ, việc hoàn thiện thủ tục của các dự án đầu tư công, đặc biệt là công tác lập danh mục, triển khai các dự án khởi công mới hằng năm mất nhiều thời gian.

Hai là, việc huy động, khai thác và sử dụng nguồn vốn của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hiệu quả chưa cao. Chưa thực sự thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) còn hạn chế, chưa triển khai hiệu quả.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp dẫn đến tình trạng cắt giảm, điều chuyển các nguồn vốn dự án và nguồn vốn không sử dụng hết; vốn kéo dài từ năm kế hoạch sang năm sau kế hoạch còn lớn, ảnh hưởng đến giải ngân kế hoạch vốn năm sau. Một số dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương không sử dụng hết bị thu hồi. Nợ xây dựng cơ bản tuy có giảm nhưng vẫn còn lớn, cần phải bố trí nguồn vốn của kế hoạch năm sau để xử lý... đã tạo ra áp lực không nhỏ đối với ngân sách các cấp.

Ba là, công tác đấu thầu ở một số nơi thiếu sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng; việc triển khai khảo sát, lập hồ sơ của một số dự án đầu tư chưa bảo đảm đúng yêu cầu; hiệu quả của một số dự án đầu tư chưa được xác định rõ nhưng đã triển khai, gây lãng phí nguồn vốn; có dự án chậm bàn giao công trình, chậm quyết toán, kéo dài tiến độ, dở dang...

Bốn là, công tác triển khai thủ tục đầu tư còn chậm so với yêu cầu thực tế; vẫn còn tình trạng mùa nắng làm thủ tục đầu tư, mùa mưa thi công nên tiến độ, chất lượng công trình không bảo đảm. Công tác báo cáo giám sát đầu tư chưa kịp thời, thường xuyên, chất lượng các báo cáo chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là báo cáo giám sát đánh giá đầu tư.

Năm là, công tác giải quyết các thủ tục hành chính nhiều nơi còn chậm, chưa thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư nên đã tạo ra những rào cản, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tận dụng lợi thế và cơ hội tại thời điểm triển khai dự án, ảnh hưởng đến công tác giải ngân và hiệu quả thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan tham gia vào quản lý đầu tư công, đặc biệt là khâu thẩm tra, thẩm định dự án chưa tốt; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Sáu là, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về quản lý vốn đầu tư công của tỉnh chưa phát huy được hiệu quả; thiếu hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát vốn đầu tư chung cho toàn tỉnh; việc tham mưu, quản lý nợ xây dựng cơ bản của các cơ quan chức năng chưa sâu sát, kịp thời, đầy đủ; chưa quan tâm đến công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nên số dư nợ đọng còn lớn.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách đầu tư công ở tỉnh Quảng Nam

Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã xác định: “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa”. Quán triệt quan điểm nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, trong thời gian tới, thực thi chính sách đầu tư công của tỉnh cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, về mặt quan điểm, cần thống nhất đổi mới chính sách đầu tư công theo hướng đó là công cụ để Nhà nước thực hiện các chính sách công về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Chính sách đầu tư công không chỉ chú trọng đến đầu tư cho hạ tầng xây dựng, như đường, sân bay, bến cảng… mà còn phải chú trọng đầu tư nhiều hơn cho khoa học, y tế, văn hóa, giáo dục, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...

Chính sách cơ cấu lại đầu tư công phải được xây dựng theo hướng thu hẹp dần phạm vi của đầu tư công, hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư công vì mục tiêu kinh doanh, ưu tiên cho mục tiêu đạt hiệu quả chính trị, xã hội, tạo sự kết nối và phát triển đồng đều giữa các vùng miền.

Thứ hai, thường xuyên tổng hợp, phân tích, đánh giá để dự báo chính xác nguồn thu nội địa phát sinh thêm, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư công chính xác, phù hợp với thực tiễn. Danh mục đầu tư công được lập phải căn cứ theo đúng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng phát triển sau này, bảo đảm đúng nguyên tắc vốn đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế - xã hội, không phụ thuộc, trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.

Thứ ba, xây dựng các nguyên tắc, bộ tiêu chí trong xác định chủ trương đầu tư, lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư. Bộ tiêu chí lựa chọn chủ trương đầu tư phải phù hợp quy hoạch chung, đúng với quy hoạch ngành, bảo đảm có tính hiệu quả bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường; tập trung vào các công trình và các dự án trọng điểm có tính liên vùng, làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lưu ý đến khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách...

Kiên quyết tránh tình trạng cục bộ địa phương trong lập kế hoạch đầu tư công, đình hoãn, giãn tiến độ hoặc cắt giảm các dự án có quy mô lớn mà thiếu tính khả thi về vốn và hiệu quả kinh tế - xã hội thấp.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, nghiên cứu các quy định của Trung ương và tình hình thực tế để đề xuất chương trình, dự án cấp thiết, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đề xuất các cơ chế hỗ trợ đầu tư đối với các địa phương thuộc nhóm vùng trung du, núi thấp.

Thứ tư, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong quá trình tái cơ cấu, khắc phục căn bản tình trạng bố trí vốn dàn trải gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả trong đầu tư:

Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công được triển khai theo quy định của Nhà nước, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch; quyết liệt thực hiện các giải pháp áp dụng đấu thầu qua mạng theo lộ trình; chấn chỉnh và kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm;

Kiểm soát chặt chẽ nợ đọng trong xây dựng cơ bản, các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo tổng mức vốn đã được phê duyệt;

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, các chương trình, dự án cụ thể; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để kịp thời điều chỉnh hằng năm.

Thứ năm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước về đầu tư công và huy động nguồn lực tư nhân; nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin quản lý dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đầu tư công. Tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết kế hoạch vốn nhằm bảo đảm thời gian giải ngân kế hoạch vốn trong năm ngân sách.

Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các ngành, giữa ngành với địa phương và giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện chủ trương, chính sách về cơ cấu lại đầu tư công.

Cần nhận thức rõ đối tượng của tái cơ cấu đầu tư là các chủ thể kinh tế của các thành phần kinh tế, trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu đầu tư công là người đứng đầu các cơ quan hành chính ở Trung ương và địa phương. Nâng cao vai trò của cá nhân người đứng đầu các tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương về giám sát thực hiện chủ trương và tổ chức thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trong đó có đầu tư công.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cộng đồng; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng, như tổ chức họp báo, đăng tải trên các trang web, báo đài, tạp chí... Ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận, kiến nghị; ban hành cơ chế hỗ trợ, phát huy hiệu quả tổ giám sát cộng đồng.

_________________

(1), (2), (3), (4), (5): Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 03-12-2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

TS NGUYỄN THỊ KIM ĐOAN

Học viện Chính trị khu vực III

 

...