23/11/2024 lúc 06:10 (GMT+7)
Breaking News

Quy định mới trong kinh doanh taxi, xe khách

VNHN - Các điều kiện trong kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chặt chẽ hơn, buộc doanh nghiệp (DN) vận tải phải tăng thêm chi phí, nhưng bù lại sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn. Đó là những quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ có hiệu lực vào ngày 1/4/2020, thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

VNHN - Các điều kiện trong kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chặt chẽ hơn, buộc doanh nghiệp (DN) vận tải phải tăng thêm chi phí, nhưng bù lại sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn. Đó là những quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ có hiệu lực vào ngày 1/4/2020, thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp hợp với cơ quan thuế thông qua hóa đơn điện tử

Điểm mới của Nghị định số 10/2020 là hoạt động taxi công nghệ khi kết thúc chuyến đi, DN, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời, gửi về cơ quan thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo nghị định mới, trường hợp xe taxi phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 6cm x 20cm nếu trong trường hợp không gắn hộp đèn có chữ “TAXI” cố định trên nóc xe (với kích thước tối thiểu là 12cm x 30cm).

Ngoài ra, ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe. Quy định này sẽ giúp giảm taxi “dù”.

Đối với xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe, phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình. Phiếu thu tiền phải có các thông tin: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.

Riêng xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi thì buộc trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.

Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển đầy đủ nội dung gồm tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.

Như vậy, việc lâu nay hãng taxi công nghệ không cung cấp số điện thoại để khách hàng phản ánh khiếu nại thì với Nghị định số 10/2020 buộc phải bổ sung thông tin này.

Tăng minh bạch và đảm bảo an ninh cho Doanh nghiệp

Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đã được quy định cụ thể. Về điều kiện đối với ô tô, phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp (theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô với tổ chức, cá nhân, hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật).

Như vậy, đối với các xe gia đình tự kinh doanh hoặc cho thuê chở hành khách là không đúng quy định pháp luật, sẽ bị xử phạt. Do vậy, cá nhân kinh doanh vận tải buộc phải đăng ký thành viên hợp tác xã, phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

Đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, phải có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động tuyến cự ly trên 300km, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300km trở xuống.

Đặc biệt, nghị định quy định đến ngày 1/7/2021, buộc tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả tài xế và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Như vậy, mọi tranh chấp, sai phạm trong quá trình vận chuyển sẽ được dùng dữ liệu camera để xử lý. Quy định này tuy khiến DN vận tải tăng chi phí nhưng bù lại, sẽ tạo minh bạch và bảo vệ DN kinh doanh chân chính.