VNHN-Ngày 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại phối hợp Thông tấn xã Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018.
Đồng chí Bùi Trường Giang chủ trì buổi họp báo
Đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chủ trì buổi họp báo.
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được triển khai từ năm 2014 đã nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, nhà xuất bản trong nước và nhiều tác giả đến từ các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài.
Năm 2017, Ban Tổ chức đã nhận được 970 tác phẩm gửi dự thi, gồm các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách với 15 ngôn ngữ gồm: Tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Khmer, Thái Lan, Bulgaria. Đối tượng tham gia Giải thưởng ngày càng đa dạng, gồm các nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam... Ban Tổ chức đã chọn ra 67 tác phẩm để trao 7 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 27 giải Khuyến khích.
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại phối hợp Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí và sách xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại. Thông tấn xã Việt Nam được chọn làm Cơ quan Thường trực Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018.
Phát biểu tại họp báo, đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, khẳng định, trong những năm qua, công tác thông tin đối ngoại đã đạt những kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với nhân dân, bạn bè trên thế giới. Đặc biệt năm 2018, Việt Nam ghi dấu ấn quốc tế với việc tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại đa phương, như: Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6, Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10; Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6.
Đồng chí Bùi Trường Giang tin tưởng rằng, Giải thưởng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và tham dự đông đảo của các tác giả, các cơ quan thông tấn, báo chí, các cơ quan xuất bản ở trong nước và nước ngoài. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục góp phần tạo động lực để các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại khơi nguồn sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 cũng cho biết: Đây là năm thứ hai Thông tấn xã Việt Nam được chọn làm Cơ quan thường trực của Giải sau mùa đầu tiên được tổ chức vào năm 2014, và cũng là cơ quan báo chí đầu tiên được tổ chức Giải này lần thứ hai.
Với sự tăng trưởng gấp đôi về số lượng tác phẩm dự thi sau 4 năm, việc mở rộng loại hình sách, sự phong phú về hình thức thể hiện của các tác phẩm dự thi, đặc biệt là sự đa dạng của đối tượng tham gia đã cho thấy sức hấp dẫn và lan tỏa không ngừng của Giải thưởng. TTXVN có nhiều thuận lợi trong việc truyền tải thông tin về Giải thưởng do có nhiều kênh thông tin, loại hình, sản phẩm thông tin đối ngoại, cùng với mối quan hệ hợp tác với khoảng 40 hãng thông tấn nước ngoài và mạng lưới 30 cơ quan thường trú ở khắp các châu lục.
Một số điểm mới của Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018 là: Ban Tổ chức điều chỉnh một số thể lệ nhỏ đối với các tác phẩm dự thi.
Cụ thể, ở thể loại truyền hình, Ban Tổ chức cho phép các tác phẩm có độ dài 120 phút dự thi so với giới hạn thời lượng 90 phút của giải năm trước.
Cùng với đó, cơ cấu giải thưởng của loại hình báo in và báo điện tử cũng được mở rộng hơn do có số lượng lớn các tác phẩm tham dự Giải với đa dạng ngôn ngữ.
Các tác phẩm của trang thông tin điện tử được tham dự giải thưởng.
Theo Ban Tổ chức Giải thưởng, những sản phẩm thông tin đối ngoại được xét trao Giải thưởng là những tác phẩm bằng tiếng Việt và các thứ tiếng nước ngoài, thuộc các loại hình báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử (do các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động), phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí, ảnh phong cảnh và sách, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, hoặc trên báo chí truyền thông nước ngoài, trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018.
Giải thưởng sẽ được công bố và trao vào tháng 5/2019. Các tác phẩm dự thi gửi đến Cơ quan thường trực Giải thưởng trước ngày 31/3/2019, tại địa chỉ: Văn phòng Liên chi hội Thông tấn xã Việt Nam; tầng 4, 79 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thu Hằng