19/02/2025 lúc 15:16 (GMT+7)
Breaking News

Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030

Trong thời gian qua, tình hình thế giới có những biến động sâu sắc, các điểm nóng trên thế giới đều tăng nhiệt; cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc cùng cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đặt các quốc gia tầm trung vào những lựa chọn chiến lược mới. Khó khăn, thách thức cũng là cơ hội để các quốc gia tầm trung khẳng định vai trò và vị thế trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại. Trên cơ sở đánh giá lựa chọn chính sách của một số quốc gia tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Hàn Quốc, Indonesia.

Trên cơ sở đánh giá lựa chọn chính sách của một số quốc gia tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Hàn Quốc, Indonesia, có thể đưa ra một số đề xuất tham chiếu và bài học kinh nghiệm tham khảo trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ảnh minh họa - TL

Khái quát về quốc gia tầm trung

Khái niệm về quốc gia tầm trung trở nên phổ biến trong quan hệ quốc tế kể từ sau Chiến tranh lạnh và bắt đầu được đề cập đến nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây. Mặc dù còn nhiều tranh luận, song các quốc gia tầm trung thường được xác định dựa trên những tiêu chí chức năng, thực lực, hành vi chính sách hoặc bản sắc (tự định vị) của nước đó. Trong đó, thực lực và bản sắc/hành vi là những yếu tố quan trọng để xác định tầm mức “tầm trung” của một quốc gia, phụ thuộc nhiều vào sức mạnh vật chất (sức mạnh cứng) của quốc gia và chiến lược ngoại giao được thực thi bởi quốc gia đó(1). Chính vì vậy, quốc gia tầm trung trước tiên phải là một nước có thực lực vượt trội tại khu vực, hay còn được gọi là các cường quốc khu vực. Các quốc gia tầm trung thường nằm ở nhóm nước “thứ hai” với sức mạnh tương đối về kinh tế, quân sự, khoa học - kỹ thuật, thậm chí có thể dẫn đầu trong một vài lĩnh vực. Đồng thời, các quốc gia tầm trung thường nằm trong nhóm 30 - 40 nền kinh tế hàng đầu của thế giới. Dân số, chi tiêu quốc phòng, vị trí địa - chiến lược cũng là một điểm “cộng” đáng kể trong việc đánh giá thực lực của một quốc gia tầm trung.

Bên cạnh đó, quốc gia tầm trung thường có tham vọng vươn tầm ảnh hưởng của quốc gia ra khỏi khu vực. Đây là đặc trưng về hành vi chính sách của các quốc gia tầm trung. Ví dụ điển hình là việc các quốc gia tầm trung thường đóng vai trò “thành viên có trách nhiệm” với nhiều cống hiến cho sự phát triển và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Các quốc tầm trung thường ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, tích cực tham gia làm trung gian hòa giải, cũng như giải quyết các cuộc khủng hoảng, xung đột trong khu vực và trên thế giới. Trong quá trình này, các quốc gia tầm trung thường bị “mắc kẹt” giữa việc tìm kiếm một chương trình nghị sự toàn cầu, trong khi vẫn phải duy trì sự chú ý đối với khu vực. Điều này đem lại cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia tầm trung.

Không chỉ vậy, để bảo đảm sử dụng nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả, qua đó đạt được lợi ích cao nhất, nhất là để tránh bị cuốn vào “cuộc chơi” của các nước lớn, các quốc gia tầm trung thường đưa ra chính sách ngoại giao chuyên biệt(2), tận dụng thế mạnh trong một số lĩnh vực một cách khôn khéo để duy trì ảnh hưởng tại các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, hợp tác với các nước có chung chí hướng nhằm phát huy vai trò quốc gia trong quản trị thể chế.

Có thể thấy, các quốc gia tầm trung không chỉ là những nước có sức mạnh tổng hợp quốc gia được đánh giá ở tầm trung với việc theo đuổi những ưu tiên cụ thể và triển khai chính sách ngoại giao chuyên biệt, mà còn là những quốc gia thể hiện được tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đối ngoại ở cấp độ quốc tế(3), đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, đặt ra các yêu cầu cấp thiết về “cân bằng quyền lực” và “chọn bên”. Đây là cách tiếp cận phù hợp thường được sử dụng để phân tích chính sách đối ngoại của một quốc gia. Khi một quốc gia được đánh giá là quốc gia tầm trung, quốc gia đó thường theo đuổi chính sách đối ngoại với đặc trưng là mở rộng mạng lưới quan hệ, cân bằng quan hệ với các nước lớn, xây dựng và bảo vệ các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu, tăng cường ủng hộ các quy tắc chung dựa trên luật lệ quốc tế.

Một trong những lựa chọn hiệu quả đối với các quốc gia tầm trung là đóng vai trò điều phối và cân bằng giữa các vấn đề khu vực và toàn cầu, hoặc đại diện cho khu vực tham gia những sáng kiến toàn cầu của các nước lớn. Thách thức đặt ra đối với các quốc gia tầm trung là việc dễ bị rơi vào tình thế khó xử khi lợi ích của các nước lớn xung đột với lợi ích khu vực hoặc lợi ích của chính nước đó trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gia tăng. Do vậy, các quốc gia tầm trung đẩy mạnh đầu tư nguồn lực cho việc tìm kiếm những hướng đi mới. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gay gắt, các quốc gia tầm trung trong khu vực đã có không ít lựa chọn và đạt được những thành công khác nhau trên con đường hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Sau đại dịch COVID-19, bất chấp tình hình khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục trở thành khu vực dẫn đầu trong phục hồi kinh tế toàn cầu. Năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 5%, cao hơn so với năm 2022 (3,9%) và vượt trên mức dự đoán 4,6% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra vào tháng 10-2023(4). Trong năm 2024, khu vực này tiếp tục giữ đà tăng trưởng GDP khoảng 5% do nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, tỷ lệ lạm phát giảm và nhu cầu xuất khẩu trong khu vực tăng(5). Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn phải đối mặt với một số thách thức từ bối cảnh kinh tế thế giới, như chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phân mảnh; một số lĩnh vực kinh tế bị chính trị hóa, an ninh hóa, khiến các liên kết kinh tế liên quan gặp khó khăn, trở ngại.

Ngoài ra, môi trường an ninh khu vực bị tác động bởi những điểm nóng trên thế giới và trong khu vực, như cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột ở Trung Đông, các vụ thử tên lửa liên tiếp trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc), tình hình phức tạp tại Biển Đông,… đem đến nhiều thách thức an ninh, bao gồm cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Chẳng hạn như, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường đang trở thành mối lo hiện hữu đối với nhiều khu vực. Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu gặp nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh… đang tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới; trong đó, các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là tâm điểm phản ánh rõ nét nhất các đặc điểm của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, tạo ra không ít khó khăn trong lựa chọn chiến lược của hầu hết các nước, nhất là các nước nhỏ và các nước tầm trung. Đơn cử như, việc gia tăng xu hướng tập hợp lực lượng của cả Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng lớn đến chính sách của các nước trong khu vực. Đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS), Mỹ triển khai tập hợp lực lượng đa dạng với các mục tiêu: 1- Tăng cường năm liên minh hiệp ước trong khu vực với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; 2- Tăng cường quan hệ với các đối tác hàng đầu trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương; 3- Ủng hộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và thống nhất; 4- Tăng cường Nhóm “Bộ tứ” (QUAD)(6) và thực hiện các cam kết của QUAD; 5- Ủng hộ vai trò của Ấn Độ trong khu vực; 6- Phối hợp tăng cường khả năng chống chịu cho các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương; 7- Tạo dựng kết nối giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương; 8- Mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là ở khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo tại Thái Bình Dương(7). Mỹ cụ thể hóa IPS bằng cách tăng cường hoạt động của nhóm QUAD, thiết lập mối quan hệ hợp tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) vào tháng 9-2021; củng cố cơ chế hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc; tăng cường sự hiện diện tại các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm việc mở đại sứ quán tại quốc đảo Solomon vào ngày 2-2-2023(8). Các mối quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Việt Nam được củng cố, nâng cấp…

Đối với Trung Quốc, sau hơn 10 năm công bố Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) với hàng loạt dự án kết nối hạ tầng lớn, tháng 4-2022, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) như một giải pháp nhằm thúc đẩy an ninh cho tất cả người dân trên thế giới, trong đó đề cao nguyên tắc “an ninh không thể chia cắt, xây dựng một kiến trúc an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững, đồng thời phản đối việc xây dựng an ninh quốc gia trên cơ sở gây mất an ninh ở các nước khác”(9). GSI là sáng kiến phản ánh nỗ lực tìm kiếm vị thế mới của Trung Quốc cũng như sự ủng hộ của các nước khác. Cùng với BRI, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI), Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hình thành một tập hợp lực lượng dưới tầm nhìn về một “cộng đồng chung vận mệnh” do Trung Quốc dẫn dắt trong bối cảnh Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trên thực tế, mặc dù tăng cường tập hợp lực lượng nhằm khẳng định giá trị và lợi thế trong mô hình phát triển của mỗi nước, song cả Mỹ và Trung Quốc đều có xu hướng kiểm soát cạnh tranh, hành động thận trọng hơn để tránh dẫn tới đổ vỡ, đứt gãy quan hệ. Không còn những tuyên bố mạnh mẽ như thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những tuyên bố và hành động nhằm hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung Quốc. Sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc khẳng định tầm quan trọng của việc ổn định trong quan hệ đối với Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cùng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 đang đến gần, những quan ngại về một thời kỳ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc mới dường như đang quay trở lại đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước bối cảnh đó, các quốc gia tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, nhưng đồng thời cũng có không ít cơ hội để có thể tranh thủ phát huy vị thế trên cơ sở đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề khu vực, giúp quản trị rủi ro, giải tỏa những căng thẳng, qua đó duy trì hợp tác Mỹ - Trung Quốc thông qua một bên thứ ba. Trong thời gian qua, các quốc gia tầm trung trong khu vực, như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và một số nước ASEAN (Indonesia, Việt Nam) đã và đang ngày càng phát huy vai trò của mình trong các vấn đề của khu vực.

Chính sách của một số quốc gia tầm trung trong bối cảnh hiện nay

Là một trong những nước đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc là một quốc gia nằm dưới sự bảo đảm an ninh của Mỹ nhưng có nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc càng trở nên phức tạp khi Trung Quốc là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến mối quan hệ của Hàn Quốc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Tranh thủ tận dụng liên minh do Mỹ dẫn đầu để bảo đảm an ninh, tiếp cận công nghệ mới trong khi vẫn duy trì mối quan hệ với Trung Quốc - thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Hàn Quốc - là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện được tính hiệu quả và khả năng điều chỉnh linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.

Trước đại dịch COVID-19 (năm 2019), có hơn 20.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại thị trường Trung Quốc và khoảng 600.000 người dân Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Trung Quốc(10). Hàn Quốc cũng là đối tác xuất khẩu lớn thứ tư của Trung Quốc và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước này. Năm 2015, dưới thời kỳ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Hàn Quốc đã sớm tham gia Sáng kiến Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc và trở thành một trong những thành viên sáng lập của ngân hàng này(11). Tuy nhiên, khi Hàn Quốc nhất trí việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) giai đoạn cuối trên lãnh thổ của nước này, Trung Quốc ngay lập tức ban hành các quy định giới hạn đối với một số lĩnh vực kinh doanh của Hàn Quốc, như cấm các buổi biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ Hàn Quốc. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc - tập đoàn đa quốc gia cung cấp đất cho Chính phủ Hàn Quốc để triển khai THAAD - cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc phải đóng cửa hệ thống tại Trung Quốc với khoản lỗ trong mảng bán lẻ ước tính lên đến 1,78 tỷ USD(12).

Với các lệnh hạn chế du lịch, số lượng khách du lịch Trung Quốc - một nguồn thu quan trọng cho thị trường bán lẻ tại Hàn Quốc năm 2016 - đã giảm 1/2, trở về ngưỡng khi dịch bệnh hô hấp Trung Đông (MERS) bùng phát vào năm 2015(13). Theo thống kê, các lệnh cấm vận liên quan đến THAAD đã gây thiệt hại khoảng 7,5 tỷ USD đối với nền kinh tế Hàn Quốc, giảm 0,2% mức tăng trưởng kinh tế và khiến 25.000 người dân Hàn Quốc thất nghiệp. Lệnh cấm vận cũng gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD. Chính vì vậy, khi Mỹ áp đặt các lệnh cấm lên Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào năm 2019, Hàn Quốc đã tỏ ra do dự, không mấy ủng hộ Mỹ(14).

Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cách tiếp cận cân bằng hơn với Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc phải đối mặt với việc chia sẻ kinh phí duy trì quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên(15), trong khi vẫn phải tìm kiếm giải pháp giảm căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến vấn đề tiếp tục triển khai THAAD. Trước bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trở nên gay gắt dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ D. Trump, Hàn Quốc đã lựa chọn phương án phản ứng có chừng mực đối với những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, như: vấn đề Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương (Trung Quốc) và BRI. Hàn Quốc cũng đứng ngoài nhóm QUAD và không tham gia thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ, Nhật Bản.

Khi Tổng thống Mỹ J. Biden nhậm chức vào năm 2021, với một cách tiếp cận tích cực hơn đối với các đồng minh và công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), Hàn Quốc vẫn lo ngại về việc ủng hộ các sáng kiến của Mỹ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol công bố chi tiết về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc vào ngày 28-12-2022, có thể thấy, vai trò của Trung Quốc dần “mờ nhạt” và không còn được xác định là trọng tâm đối phó như FOIP của Mỹ(16). Trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc, nhất là cuộc cạnh tranh về chip bán dẫn, Hàn Quốc vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với cả hai đối tác lớn. Tháng 5-2021, Tổng thống Mỹ J. Biden đã lựa chọn nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek (Hàn Quốc) làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á đầu tiên khi nhậm chức Tổng thống Mỹ. Tháng 4-2024, Mỹ công bố tài trợ 6,4 tỷ USD cho Tập đoàn Samsung Electronics xây dựng các nhà máy sản xuất chip tại bang Texas (Mỹ), để sản xuất các sản phẩm bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới(17). Còn Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu sản phẩm bán dẫn lớn nhất của Hàn Quốc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm khoảng 60% xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc(18).

Indonesia là nền kinh tế đứng thứ 16 trên thế giới, thứ 5 ở khu vực châu Á và đứng đầu Đông Nam Á với GDP đạt 1,19 nghìn tỷ USD (năm 2021)(19). Về quân sự, Indonesia xếp hạng thứ 15 toàn cầu, đứng đầu Đông Nam Á về sức mạnh quân sự(20). Xuyên suốt từ khi giành độc lập đến nay, tư tưởng đối ngoại nhất quán của Indonesia là không liên kết, thực thi chính sách độc lập và chủ động. Tư duy đó được định hình bởi lịch sử đấu tranh lâu dài của phong trào dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, cũng như sự nghi kỵ của nước vừa và nhỏ về bản chất của nước lớn(21). Tư duy “độc lập” trong chính sách đối ngoại cũng phản ánh ý thức sâu sắc về chủ nghĩa dân tộc - không khuất phục, không chấp nhận bất cứ sự can thiệp bên ngoài, để Indonesia không phải phụ thuộc vào bên nào và có thể chủ động quyết định chính sách dựa trên lợi ích quốc gia. Điều này hình thành nên một trường phái ngoại giao riêng của Indonesia, cũng như một chiến lược ngoại giao chuyên biệt mang đặc trưng của một cường quốc tầm trung - ngoại giao hòa giải.

Ngay trong thời điểm căng thẳng của Chiến tranh lạnh, tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi tổ chức ở thành phố Bandung (Indonesia) vào tháng 4-1955, ý tưởng về Phong trào Không liên kết, trung lập và phi thực dân hóa đã được thúc đẩy. Indonesia là quốc gia đồng sáng lập Phong trào Không liên kết, khẳng định vai trò của quốc gia này trong các nước thuộc thế giới thứ ba. Indonesia là một trong năm nước thành viên sáng lập của ASEAN và những nỗ lực của Indonesia trong việc giải quyết vấn đề Campuchia thông qua Hội nghị không chính thức (JIM 1, năm 1988) và JIM 2 (năm 1989) đã khẳng định vai trò của nước này như một quốc gia “chủ chốt” tại khu vực Đông Nam Á. Ngoại giao hòa giải cũng trở thành một phương thức ngoại giao chuyên biệt của Indonesia trước nhiều cuộc tranh chấp, xung đột.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia, tháng 11-2022), Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh sự cần thiết của ASEAN trong việc giữ thái độ trung lập và không bị sa lầy vào căng thẳng giữa các cường quốc. “ASEAN phải trở thành một khu vực hòa bình, là mỏ neo cho sự ổn định toàn cầu, luôn thượng tôn pháp luật quốc tế và không trở thành đại diện cho bất kỳ cường quốc nào”(22). Các nhà lãnh đạo Indonesia cũng nhiều lần nhấn mạnh, cả Trung Quốc và Mỹ đều là những “quốc gia thân thiện” đối với Indonesia.

Indonesia cũng thể hiện những nỗ lực trong việc không để cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) lần thứ 17, diễn ra tại Thủ đô Bali (Indonesia) vào tháng 11-2022. Trong vai trò Chủ tịch G-20, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thực hiện chuyến thăm tới Nga và Ukraine, đề nghị trở thành cầu nối ngoại giao giữa hai bên. Là nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên thực hiện chuyến công du đến cả Nga và Ukraine kể từ khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào tháng 2-2022, Indonesia đã thành công trong việc đề nghị hai nước tham dự Hội nghị thượng định G-20 lần thứ 17 theo hình thức trực tuyến để hạn chế nguy cơ tê liệt hội nghị. Thành công của G-20 năm 2022 là một minh chứng sống động cho trường phái “ngoại giao hòa giải” của Indonesia, dù hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine chưa được thành công so với các vấn đề khác ở khu vực Đông Nam Á.

Có thể thấy, trường hợp Hàn Quốc và Indonesia là những minh chứng rõ nét cho sự điều chỉnh chính sách của các quốc gia tầm trung trong bối cảnh thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, thiên tai, bệnh dịch, cạnh tranh nước lớn… Mặc dù đối mặt với không ít thách thức về an ninh cũng như vấn đề nội bộ trong nước, Hàn Quốc vẫn khẳng định được vai trò trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ngày càng diễn ra gay gắt, qua đó góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á. Đối với Indonesia, ngoại giao con thoi và ngoại giao hòa giải của quốc gia này góp phần quan trọng vào việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Đông Nam Á, khẳng định uy tín của ASEAN như một đối tác tin cậy trong khu vực. Ngoại giao tầm trung của Indonesia khẳng định tầm quan trọng của các thể chế, diễn đàn đa phương, thể hiện nhu cầu chung của các nước vừa và nhỏ về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây được xem là hai trường hợp triển khai chính sách đối ngoại quốc gia tầm trung điển hình, có nhiều tính tham khảo.

Hàm ý chính sách đối với Việt Nam

Với thành tựu sau gần 40 đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(23). Sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng tăng trên các bảng xếp hạng thế giới. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục khẳng định “là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(24) trên cơ sở phát huy hơn nữa vai trò, cũng như đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, thúc đẩy hợp tác đa phương,… từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mang tính thời đại. Đó là, sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch… Cạnh tranh nước lớn và các cuộc xung đột diễn ra khắp nơi trên thế giới đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Kinh nghiệm từ các quốc gia tầm trung, như Hàn Quốc và Indonesia, mang đến nhiều suy ngẫm và bài học tham khảo đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Kinh nghiệm từ Indonesia và Hàn Quốc cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ là điểm tựa quan trọng để cân bằng giữa bảo đảm sự tự chủ chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng cường độ tin cậy, đồng thời tránh rơi vào thế “mắc kẹt” trong cạnh tranh chiến lược nước lớn.

Hai là, lựa chọn những vấn đề phù hợp trong khu vực để khẳng định vai trò của Việt Nam. Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, xác định Việt Nam cần phấn đấu để dần đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” trong các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể”(25). Lựa chọn vấn đề phù hợp sẽ phát huy được giá trị của nền ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Ba là, sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy vai trò của Việt Nam. Trong “cuộc chơi” với các nước lớn và các vấn đề khu vực, Việt Nam khó có thể một mình phát huy tối đa vai trò, do đó cần tăng cường sức mạnh đoàn kết quốc tế thông qua góp phần khẳng định, thúc đẩy sự gắn kết trong ASEAN, qua đó phát huy vai trò của các thể chế đa phương, cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động trung gian. Việc các quốc gia tầm trung “cùng chí hướng” cũng là một xu thế và là một đặc trưng để nhóm nước này khẳng định vị thế và vai trò trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Bốn là, đẩy mạnh và chủ động tham gia các sáng kiến khu vực và toàn cầu mang lại lợi ích chung cho cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia. Việt Nam chủ động đề xuất các sáng kiến hợp tác phát triển khu vực, tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác tiểu đa phương khu vực và quốc tế để có thể đáp ứng những yêu cầu về phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Muốn vậy, công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu về đối ngoại cần được đặc biệt chú trọng; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp cần được triển khai đồng bộ, linh hoạt để kịp thời tranh thủ cơ hội và nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Năm là, để phát huy vai trò của nền ngoại giao toàn diện trong các vấn đề khu vực và toàn cầu cần nguồn lực lớn cả về cơ chế, tài chính và nhân sự. Do vậy, Việt Nam cần có một chiến lược xây dựng và phát triển ngành ngoại giao toàn diện và hiện đại, đầu tư cả về chính sách và nguồn lực tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp nói riêng đủ sức đáp ứng nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới./.

Trần Xuân Thủy

Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Tp Hồ Chí Minh


----------------------------
(1) Chien-wen Kou - Chiung-Chiu Huang - Brian L. Job: The Strategic Options of Middle Powers in the Asia - Pacific (Tạm dịch: Lựa chọn chiến lược của các cường quốc tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Routledge, 2022, tr. 5
(2) Xem: Vũ Lê Thái Hoàng (Chủ biên): Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi, ưu tiên của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 46 - 68
(3) Efstathopoulos Charalampos: “Middle powers and the behavioural model” (Tạm dịch: Quyền lực tầm trung và mô hình hành vi), Global Society, 2018, 32 (1), tr. 48 - 59
(4) Xem: Đỗ Vân: “IMF: Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng ổn định, cần chính sách linh hoạt”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 30-4-2024, https://www.vietnamplus.vn/imf-chau-a-thai-binh-duong-tang-truong-on-dinh-can-chinh-sach-linh-hoat-post942930.vnp
(5) Xem: “ADB Raises Developing Asia and the Pacific’s Economic Growth Forecast for 2024” (Tạm dịch: Ngân hàng Phát triển châu Á nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển vào năm 2024), Asian Development Bank, ngày 17-7-2024, https://www.adb.org/news/adb-raises-developing-asia-and-pacific-economic-growth-forecast-2024#:~:text=News%20Release%20%7C%2017%20July%202024&text=MANILA%2C%20PHILIPPINES%20(17%20July%202024,exports%20complement%20resilient%20domestic%20demand
(6) Bao gồm: Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ
(7) Xem: “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngày 14-2-2022, https://vn.usembassy.gov/vi/trang-thong-tin-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-hoa-ky/
(8) Vi Trân: “Mỹ mở đại sứ quán tại Solomon sau 30 năm”, Trang thông tin điện tử Thanh niên, ngày 2-2-2023, https://thanhnien.vn/my-mo-dai-su-quan-tai-solomon-sau-30-nam-185230202091442398.htm#:~:text=M%E1%BB%B9%20m%E1%BB%9F%20%C4%91%E1%BA%A1i%20s%E1%BB%A9%20qu%C3%A1n%20t%E1%BA%A1i%20Qu%E1%BA%A7n%20%C4%91%E1%BA%A3o%20Solomon%20trong,th%E1%BB%A9c%20m%E1%BB%9F%20c%E1%BB%ADa%20ng%C3%A0y%2027.1
(9) Tạ Phú Vinh - Nguyễn Xuân Cường: “Bàn về Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc”, Tạp chí Khoa học xã Hội Việt Nam, số 10 (2022), https://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/view/76123
(10) Park Jin: “Korea between the United States and China: how does hedging work?” (Tạm dịch: Hàn Quốc giữa Mỹ và Trung Quốc: Phòng ngừa rủi ro như thế nào?), Joint U.S-Korea Academic Studies, 2020, tr. 64, https://keia.org/wp-content/uploads/2020/05/korea_between_the_united_states_and_china.pdf
(11) Chen Weihua: “S. Korea joins AIIB” (Tạm dịch: Hàn Quốc gia nhập AIIB), China Daily, ngày 27-3-2015, http://www.chinadaily.com.cn/world/2015-03/27/content_19926327.htm
(12) Han-na Lee - Jeehyun Cho: “Korea’s Lotte Selling Retail Stores in Beijing to Wumei for $230mn” (Tạm dịch: Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc bán cửa hàng bán lẻ ở Bắc Kinh cho Wumei với giá 230 triệu USD), Pulse, 2018, https://pulsenews.co.kr/view.php?year=2018&no=267492#:~:text=In%20the%20first%20part%20of,other%20parts%20of%20the%20mainland
(13) Jung Suk-yee: “S. Korea’s Investment in China Almost Halved This Year” (Tạm dịch: Đầu tư của Hàn Quốc vào Trung Quốc gần như giảm 1/2 trong năm nay), BusinessKorea, 2017, http://www.businesskorea.co.kr/news/articleView.html?idxno=19332
(14) Hyo-sik Jung - Shim Kyu-seok: “U.S. Might Restrict Intel over Huawei” (Tạm dịch: Mỹ có thể hạn chế Intel đối với Huawei), Korea JoongAng Daily, 2019, https://koreajoongangdaily.joins.com/2019/06/16/politics/U.S.-might-restrict-intel-over-Huawei-use/3064381.html
(15) Michael E. O’Hanlon: “What is going on with the United States alliance with South Korea?” (Tạm dịch: Điều gì đang xảy ra đối với liên minh Mỹ - Hàn Quốc), Brookings, 2019, https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2019/11/27/what-is-going-on-with-the-united-states-alliance-with-south-korea/
(16) Xem: Hải Yến: “Mỹ đánh giá tích cực chiến lược Ấn Độ Dương-TBD của Hàn Quốc”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 28-12-2022, https://www.vietnamplus.vn/my-danh-gia-tich-cuc-chien-luoc-an-do-duong-tbd-cua-han-quoc-post838346.vnp
(17) Trần Quyên: “Mỹ cấp cho Samsung hơn 6 tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất chip”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 16-4-2024, https://www.vietnamplus.vn/my-cap-cho-samsung-hon-6-ty-usd-de-mo-rong-hoat-dong-san-xuat-chip-post940374.vnp
(18) Thái An: Định hình liên minh Chip 4, Tiền phong Online, ngày 3-10-2022, https://tienphong.vn/dinh-hinh-lien-minh-chip-4-post1474594.tpo
(19) Xem: “Indonesia Economy” (Tạm dịch: Kinh tế Indonesia), Asia Fund Management, ngày 19-10-2022, https://www.asiafundmanagers.com/gbr/indonesia-economy/
(20) Xem: “2023 Indonesia Military Strength” (Tạm dịch: Sức mạnh quân sự của Indonesia năm 2023), GPF, 2023, https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=indonesia
(21) Dewi Fortuna Anwar: “Indonesia’s Foreign Policy After the Cold War” (Tạm dịch: Chính sách đối ngoại của Indonesia sau Chiến tranh lạnh), Southeast Asian Affairs, 1994, 146 - 147
(22) Hariz Baharudin: “Asean must become peaceful region and not be proxy for any powers: Jokowi” (Tạm dịch: ASEAN phải trở thành khu vực hòa bình và không được ủy quyền cho bất kỳ cường quốc nào: Jokowi), The Strait Times, ngày 13-11-2022, https://www.straitstimes.com/asia/asean-must-become-peaceful-region-and-not-be-proxy-for-any-power-indonesia-president-joko-widodo
(23) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(24) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 162
(25) Vũ Lê Thái Hoàng - Đỗ Thị Thủy: “Vai trò trung gian, hòa giải của quốc gia tầm trung trong quan hệ quốc tế: Hàm ý cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, ngày 24-4-2019, https://nghiencuuquocte.org/2019/04/24/vai-tro-trung-gian-hoa-giai-cua-quoc-gia-tam-trung/

...