VNHN - Cách đây đúng 101 năm, ngày 7/11/1917, cuộc khởi nghĩa vũ trang của công nhân, binh lính ở thành phố Petrograd dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik do V.I.Lênin đứng đầu (Cách mạng Tháng Mười) đã giành thắng lợi. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện trọng đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới.
Đó là sự kiện có ý nghĩa quốc tế lớn nhất trong thế kỷ 20, ảnh hưởng sâu rộng tới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cổ vũ và thúc đẩy cuộc đấu tranh tự giải phóng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, về đối ngoại chính trị, V.I.Lênin thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình với mục đích bảo đảm những điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nguyên tắc làm cơ sở cho chính sách đối ngoại của V.I.Lênin là chung sống hòa bình, không can thiệp vào nội bộ của các nước khác, về quyền bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chỉ cho nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc con đường đấu tranh giành thống nhất và độc lập dân tộc.
Chính sách đối ngoại hòa bình của Nhà nước Xô viết do V.I.Lênin đề xướng nhận được sự ủng hộ của các dân tộc trên thế giới lúc bấy giờ, giúp họ đoàn kết lại, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc của quốc gia mình.
Lãnh tụ V.I.Lênin. Ảnh tư liệu
Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại là một yêu cầu khách quan và cần thiết. Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ: Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và các lĩnh vực khác. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị…
Bên cạnh đó, việc tái khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đã được xác định qua các kỳ đại hội không chỉ khẳng định sự nhất quán của Đảng ta trong đổi mới tư duy đối ngoại, mà còn khẳng định thế và lực, tính đúng đắn, sáng tạo trong hoạch định chính sách, sát đúng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Quán triệt quan điểm, nguyên tắc đối ngoại của Đảng, trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong mở rộng quan hệ đối ngoại, góp phần quan trọng vào việc duy trì và củng cố môi trường hòa bình quốc tế, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia. Việt Nam trở thành thành viên tích cực của ASEAN, tham gia ngày càng sâu rộng vào các định chế kinh tế, tài chính, thương mại của ASEAN; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn trên thế giới. Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, song Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Những thành tựu của hoạt động đối ngoại chính là tiền đề, cung cấp cơ sở khoa học để Đảng ta tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, thế giới có nhiều thay đổi nhưng ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn tỏa sáng, soi đường đi lên hợp quy luật cho các dân tộc. Kiên định, giương cao ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười vẫn sẽ là một nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.