22/12/2024 lúc 14:54 (GMT+7)
Breaking News

Pháp luật kinh tế trong thời kỳ hội nhập

VNHN- Hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là một chủ trương lớn trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.Trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế, hội nhập kinh tế là một quá trình mà trọng tâm là chủ động mở cửa kinh tế, tham gia phân công hợp tác quốc tế tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước và nước ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển và tìm chỗ đứng phù hợp trong quan hệ kinh tế quốc tế.

VNHN- Hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là một chủ trương lớn trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.Trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế, hội nhập kinh tế là một quá trình mà trọng tâm là chủ động mở cửa kinh tế, tham gia phân công hợp tác quốc tế tạo điều kiện kết hợp có hiệu quả nguồn lực trong nước và nước ngoài, mở rộng không gian và môi trường để phát triển và tìm chỗ đứng phù hợp trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế vừa là đòi hỏi khách quan của kinh tế quốc tế nói chung, vừa là nhu cầu nội tại của sự phát triển kinh tế của đất nước. Hội nhập giúp cho việc mở rộng cơ hội kinh doanh, thâm nhập thị trường thế giới, tìm kiếm và tạo lập thị trường ổn định, từ đó có điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển kinh tế đất nước ngày càng vững mạnh.

Để cạnh tranh hiệu quả trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế, các quốc gia đều chú trọng xây dựng chiến lược cạnh tranh quốc gia, trong đó chính sách cạnh tranh là bộ phận cốt lõi. Đó là tìm ra các biện và lựa chọn các chính sách phù hợp, đảm bảo tạo dựng một môi trường thuận lợi để tạo cơ chế cạnh tranh vận hành có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế, tầm quan trọng của Luật kinh tế ngày càng được khẳng định, vì hội nhập trước hết là hội nhập về kinh tế. Đối với mỗi doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, Luật Kinh tế được coi như “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, doanh nghiệp dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng không thể thiếu bộ phận pháp lý. Các chuyên viên pháp lý là những người tham mưu về mặt pháp lý cho lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động đúng luật, cạnh tranh lành mạnh và kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi hòa nhập vào “thế giới phẳng” của các cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương),… kinh tế nước ta đang ngày càng khởi sắc với sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp nội địa bên cạnh các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, hành lang pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được đảm bảo, bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào cũng cần nắm rõ pháp chế để triển khai các hoạt động kinh doanh đúng pháp luật và phát triển bền vững.

Thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những quy định trong hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam đã ghi nhận và tạo điều kiện để triển khai thực hiện những nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh thông qua việc xác định ngành nghề kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Đặc biệt, đã có nhiều quy định phát triển thị trường nội địa theo hướng ổn định, văn minh, hiện đại phù hợp với các xu hướng chung của hội nhập kinh tế quốc tế. Mở cửa thị trường cho dịch vụ phân phối theo các cam kết với WTO. Tiếp tục tự do hoá thương mại trên cơ sở thực hiện các cam kết song phương, đa phương và theo thông lệ quốc tế; giảm dần các biện pháp bảo hộ thuế quan và phi thuế quan phù hợp với cam kết đã ký kết. Có chính sách tạo bước phát triển nhanh, mạnh và toàn diện thị trường dịch vụ nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng lớn như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ thực hiện phần mềm, dịch vụ tư vấn khoa học…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, pháp luật kinh tế hiện hành của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: Nhiều đạo luật có nội dung còn chung chung, do đó cần phải ban hành nhiều văn bản dưới luật để cụ thể hóa vì vậy đã làm chậm quá trình thực thi luật vào cuộc sống. Pháp luật kinh tế chưa đảm bảo tính đồng bộ, do đó nhiều quy định mang tính nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và các đạo luật chưa được thực thi trong thực tiễn.

Trong tương lai, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật kinh tế phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, cần phải sửa đổi, bổ sung và ban hành luật để thay thế dần các hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác. Hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc ban hành các văn bản dưới luật, qua đó khắc phục tình trạng cồng kềnh, không đồng bộ của hệ thống pháp luật kinh tế nước ta.

Cần xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế thúc đẩy sự vận hành và phát triển của nền kinh tế thị trường; đảm bảo pháp luật kinh tế không chỉ phù hợp với thực tiễn Việt Nam, mà còn phải có sự tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới, đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tăng cường học tập kinh nghiệm lập pháp, lập quy của các nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam và các nước phát triển để bảo đảm tính khoa học, tính hội nhập của pháp luật nước ta với pháp luật thế giới.

Trong hoạt động xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng, cần nghiên cứu, tiếp thu các quy định trong pháp luật của các nước, để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, tương thích với pháp luật của các nước trên thế giới, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Hồ Thị Thu Hiền