08/11/2024 lúc 22:59 (GMT+7)
Breaking News

Hạn chế của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

VNHN- Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, con người Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế, đòi hỏi Đảng ta phải có những chủ trương, giải pháp để sớm khắc phục.

VNHN- Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, con người Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế, đòi hỏi Đảng ta phải có những chủ trương, giải pháp để sớm khắc phục.

Ảnh minh họa

Một số mặt hạn chế của con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Có thể thấy, những hạn chế của con người Việt Nam hiện nay chủ yếu là do hoàn cảnh, điều kiện sống, truyền thống văn hóa.

Người Việt Nam trải qua một thời gian dài sống trong xã hội phong kiến, tiểu nông với nghề chính là trồng lúa nước, đa số sống trong công xã nông thôn nên có nhiều đặc tính, tính cách nhu, chẳng hạn như lối sống trọng tình, trọng đức, trọng văn; lối sống ưa chừng mực, quân bình, ổn định theo kiểu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, thể hiện rõ nhất ở những câu ca dao, tục ngữ như “Chín bỏ làm mười”, “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”.

Đứng trước thiên nhiên, người Việt thường tìm cách thể hiện, biểu lộ tình cảm của mình đối với thiên nhiên hơn là nhận thức nó với tư cách là đối tượng đứng đối diện với mình. Trong cách suy nghĩ, nhìn chung, người Việt hầu như không thích lý luận dài dòng; không thích lôgíc khô khan trần trụi. Người phương Tây cho lý, luật là cái rất bình thường trong cuộc sống của mỗi con người; nhưng người Việt lại cho rằng, khi dùng đến luật pháp thì tình cảm đã không còn gì nữa. Trong cuộc sống, để đi tới hành động, con người không chỉ cần đến lý trí mà còn cần đến cả tình cảm nữa. Nếu cứ duy lý một cách triệt để, theo một tư duy lôgí­c cứng nhắc thì rất khó có thể hiểu được cách diễn đạt mang nặng tình cảm của người Việt như “Cao chạy xa bay”, “Con ông cháu cha”, “Nhường cơm sẻ áo” v.v.. Nhưng nếu cứ hành động theo tình cảm thuần túy sẽ dẫn đến chủ quan, sai lầm. Bệnh chủ quan duy ý chí của một bộ phận người Việt cũng một phần xuất phát từ đây.

Do nông nghiệp trồng lúa nước phụ thuộc khá nhiều vào thiên nhiên, thời tiết nên hình thành ở người Việt ý thức tôn trọng và hòa đồng với thiên nhiên, sống thuận thiên hơn là “chế thiên”. Điều này thể hiện rõ trong tư duy, đó là sự thống nhất giữa chủ thể và khách thể. Người phương Tây, nhìn chung, tách rời chủ thể và khách thể, họ đứng đối lập với thế giới khách quan để nhận thức, cải tạo, chinh phục nó. Người Việt lại muốn hòa mình vào trong giới tự nhiên, tìm cách thể hiện cái hay, cái đẹp của con người qua lời kể của tự nhiên; cái hay, cái đẹp của tự nhiên qua cảm xúc của con người. Người Việt tự coi con người là tiểu vũ trụ trong cái đại vũ trụ, con người là cái tinh túy nhất trong trời đất, “Người ta là hoa đất”, có nghĩa con người là kết tinh của vũ trụ, là tinh hoa của trời đất. Đi xa hơn nữa, người Việt còn cho rằng muốn hiểu đối tượng thì phải hòa mình vào đối tượng, muốn hiểu nhau thì tư tưởng phải cùng một hệ quy chiếu.

Nghề nông nghiệp lúa nước phụ thuộc chủ yếu vào những yếu tố thiên nhiên, như: mưa, nắng, trời, đất, nóng, lạnh,... do vậy, hình thành ở người Việt cách tư duy tổng hợp mang tính biện chứng tự phát, lối tư duy dung hòa, mềm dẻo, bao dung. Uyển chuyển nhưng không dẫn đến cực đoan, không “thái quá, bất cập”, muốn “một vừa hai phải”. Trong cuộc sống, thường tự nhủ mình “trông lên”, lại phải “trông xuống”. Ngay tín ngưỡng, người Việt không chỉ theo hay triệt để bài xích một tôn giáo nào đó. Lịch sử dân tộc hầu như không có chiến tranh tôn giáo, trong một gia đình cũng có thể có nhiều tôn giáo (đặc biệt ở miền Nam Việt Nam xuất hiện đạo Cao đài, là một sự tổng hợp, dung hòa của nhiều tôn giáo). Người Việt Nam có thể dung hòa được những cái trái ngược nhau mà về lôgíc hình thức người phương Tây rất khó có thể làm được điều đó: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Tín ngưỡng thờ thần thánh ở Việt Nam cũng chỉ là tương đối. Sự mềm dẻo, linh hoạt trong tư duy như vậy giúp người Việt có thể thích ứng trong mọi tình huống, dễ thích nghi với hoàn cảnh theo phương châm “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Chính vì vậy, tư duy người Việt dễ tiếp biến với những nền văn hóa khác, là loại hình tư duy mở. Cũng chính hoàn cảnh sống và điều kiện lịch sử ấy đã giải thích được người Việt Nam chống ngoại xâm nhưng không bài ngoại, vẫn sẵn sàng tiếp thu cái hay của các dân tộc khác, thậm chí kể cả kẻ thù của mình. Hơn thế nữa, tiếp thu của người mà vẫn giữ những bản sắc riêng của mình.

Trong tư duy người Việt còn có cách suy nghĩ nước đôi. Điều này được thể hiện ở câu nói có tính hài hước: “Làm tài trai cứ nước hai mà nói”, “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn”. Điều này được lý giải bởi chính thực tiễn cuộc sống, vì bản thân con người là sự tổng hòa của nhiều mối quan hệ xã hội, vì thực tiễn cuộc sống biến chuyển không ngừng nên không thể chỉ có một nguyên tắc cứng nhắc để tuân theo. Do đó, khi đọc các câu tục ngữ ca dao, truyện dân gian, chúng ta thấy có những quan điểm trái ngược nhau nhưng người Việt Nam vẫn đồng thời chấp nhận. Nhấn mạnh quan hệ huyết thống thì nói: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhưng có khi lại nói: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Những cách nghĩ, những quan điểm dường như ngược nhau ấy, người Việt đều chấp nhận vì nó vẫn phù hợp với cách sống của người Việt. Người Việt có thể dung hòa tất cả, có thể chấp nhận một cách nước đôi như đã nói ở trên nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình, vẫn không phải là chiết trung vô nguyên tắc. Cách tư duy, lối sống này có cái hay, nhưng cũng có hạn chế; cụ thể là không tạo ra những phát minh trong khoa học; và đôi khi dẫn đến lối sống ba phải.

Việc trồng lúa nước theo thời vụ, đối với người nông dân thì chỉ cần sự cần cù, chịu khó với một ít vốn liếng kinh nghiệm là đủ, không cần đến lý luận nhiều; bởi vậy, trong tư duy, họ không có ý thức nâng suy nghĩ đó thành lý luận. Đây cũng là điểm hạn chế của người Việt.

Xã hội ph­ương Tây phát triển, vận động theo hư­ớng đi lên, có tuần tự, có nhảy vọt, cái sau phủ định cái trư­ớc theo hình xoáy trôn ốc (phủ định của phủ định); còn công xã (làng xã) Việt Nam là sự biệt lập, khép kín, bởi vậy, trong t­ư tư­ởng của người Việt xuất hiện quan niệm về sự phát triển theo kiểu vòng tròn, tuần hoàn. Mặt khác, trồng lúa nước theo thời vụ nên con người thường nghĩ về sự vận động theo chu kỳ, tuần hoàn. Và có thể đây cũng là căn nguyên hình thành lối tư duy theo thời vụ mà ngày nay nhiều người gọi là lối tư duy theo nhiệm kỳ. Điều này hoàn toàn khác với cách nghĩ của người sống trên thảo nguyên, sa mạc. Triết học phư­ơng Tây có những bư­ớc nhảy vọt về chất, phản ánh những cuộc cách mạng trong xã hội, trong khi đó lý luận Việt Nam hầu nh­ư chỉ có sự tuần tự thay đổi về lượng. Điều này phản ánh một xã hội có thêm có bớt trên bề mặt, còn trong chiều sâu, nền tảng xã hội hầu như­ không có thay đổi nhiều, hoặc nếu có thay đổi thì không đáng kể, vẫn trong khuôn khổ xã hội trước đó. Biệt lập, khép kín, trì trệ thường dẫn đến cải lương chứ không đưa đến cách mạng. Đây cũng là hạn chế lớn của người Việt Nam do tồn tại xã hội quy định.

Người phương Tây đưa ra những khái niệm rõ ràng, thường với những cách hiểu hoặc những định nghĩa xác định, từ đó, họ lập luận chắc chắn theo những quy tắc nhất định. Ở người Việt, những khái niệm thường không được định nghĩa một cách rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách, nhiều chiều, chứ không nhất thiết phải theo một chiều nhất định, từ đó, cách lập luận thường không chặt chẽ. Trong quá trình tư duy, người Việt Nam rất chú ý lời nói, chẳng hạn, ngay từ đầu đã phải “Học ăn học nói”. Đối xử với nhau phải chú ý lời nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” v.v.. Do đó có hiện tượng những người ăn nói khéo dễ tiến nhanh hơn những người chuyên môn giỏi. Mặt khác, lời nói của số đông sẽ trở thành dư luận, mà dư luận có sức mạnh ghê gớm: “Chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết”.

Về tính cách con người Việt Nam đã có nhiều học giả, nhiều cơ quan nghiên cứu đề cập đến.

Cụ Đào Duy Anh cho rằng, ở Việt Nam, xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường, giàu trực giác hơn luận lý, não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt, cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm; cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn, cực khổ hay nhẫn nhục; tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh; thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; não sáng tác thì ít nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hóa thì rất tài.

Học giả Nguyễn Văn Huyên, trong tác phẩm “Văn minh Việt Nam” đã nhấn mạnh những đức tính quý báu như: cần cù, nhẫn nại, khả năng chịu đựng cao, đầu óc thực tế, nếp nghĩ thiên về tình cảm, có chất nghệ sỹ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp lớn, tế nhị, hài hước, thông minh linh hoạt, hiền lành, phục thiện; nhưng cũng có một số mặt tiêu cực như tính tự ái, bệnh sĩ diện, lối học nhồi nhét kiến thức “học nhiều kinh sách đầy trí nhớ” thui chột khả năng tư duy sáng tạo.

Viện Nghiên cứu xã hội Mỹ đã đưa ra những nhận xét về tính hai mặt trong tính cách con người Việt Nam: người Việt Nam cần cù lao động, song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng; thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động; khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít khi quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm); vừa thực tế, vừa mơ mộng, nhưng không có ý thức nâng lên thành lý luận; ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, nhưng ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không còn là mục tiêu tự thân của nhiều người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn học để kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí đam mê); xởi lởi chiều khách song không bền; tiết kiệm, nhưng cũng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ; có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn (trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này ít khi xuất hiện); yêu hòa bình, nhẫn nhịn, nhưng nhiều khi hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ti lặt vặt, đánh mất đại cục; thích tụ tập nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo thành sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

Những phân tích trên cho thấy phần nào cái hay, cái dở, mặt tích cực cũng như hạn chế của con người Việt Nam. Để khắc phục hạn chế này, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều vấn đề, biện pháp một cách thường xuyên, lâu dài. Một mặt, chúng ta phải rèn luyện, nâng cao tư duy lý luận, tư duy pháp luật, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, phải có tác phong làm việc khoa học; mặt khác cần cải tạo nền tảng xã hội; kế thừa, phát huy những mặt tốt đẹp của văn hóa truyền thống; loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Đồng thời, chúng ta phải tạo ra một cơ chế thông thoáng để đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” vào cuộc sống; xóa bỏ cơ chế tạo nên sự dối trá, hình thức, bệnh thành tích; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; xây dựng, phát triển xã hội hài hòa, bền vững và văn minh.

 GS, TS Nguyễn Hùng Hậu

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh