27/12/2024 lúc 01:10 (GMT+7)
Breaking News

Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng

VNHNO - Sáng 15-8, Phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

VNHNO - Sáng 15-8, Phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, đồng chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị. Ảnh: Trọng Hải

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng thời gian qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, nhiều bất ngờ, tạo ra những ảnh hưởng, hệ lụy chưa từng thấy. Trong bối cảnh đó, đường lối chủ trương sáng suốt của Đảng, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giúp ngành đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng đạt được những thành tựu đáng kể, đóng góp thiết thực cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế đất nước.Tham dự Phiên họp còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo gần 100 tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp lớn của Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Trọng Hải

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, ngành ngoại giao đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, cụ thể là ngoại giao kinh tế đã bám thật sát yêu cầu của từng ngành, vùng, sản phẩm thế mạnh của đất nước, tìm ra lợi thế so sánh để chủ động phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân, tận dụng các hoạt động ngoại giao chính trị, chuyến thăm cấp cao nhằm thúc đẩy các hợp đồng, thỏa thuận kinh tế quan trọng; tranh thủ quan hệ tốt với các nước để tháo gỡ khó khăn, trở ngại trong hợp tác kinh tế; tận dụng và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do; linh hoạt, sáng tạo xử lý thách thức và tận dụng cơ hội từ các cơ chế hợp tác tiểu vùng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, đối tác chiến lược với Australia, đối tác toàn diện với Canada, Myanmar, nâng tổng số các nước có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với Việt Nam lên 27 nước. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với thế giới nhờ đó ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng trên mọi lĩnh vực.

 

 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

“Hình ảnh của dân tộc, vị thế của đất nước, vai trò của quốc gia trong khu vực và trên trường quốc tế được nâng cao đáng kể với thành công của Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC cũng như những đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015, những hoạt động chủ động tích cực của Việt Nam ở các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng. Không chỉ có vậy, chúng ta đã từng bước tham gia định hình và định hướng các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính đa dạng, phong phú, đan xen. Đó chính là sự góp mặt của Việt Nam tại các hội nghị kinh tế lớn của thế giới như Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sự chủ động trong các cơ chế khu vực, thể hiện qua thành công của Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mê Công lần thứ 7 (ACMECS 7), Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia -Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8), Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10), Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6). Lợi ích của đất nước, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đã được lồng ghép và hòa quyện sâu sắc, chặt chẽ.

Có thể khẳng định Việt Nam đã thành công trong quá trình chuyển từ tham gia tích cực sang chủ động đóng góp, xây dựng và định hình các thể chế đa phương, phục vụ tốt hơn cho lợi ích của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Theo QĐND