24/11/2024 lúc 17:00 (GMT+7)
Breaking News

Quyền sở hữu trí tuệ trong hội nhập quốc tế

VNHN - Để nhanh chóng hội nhập với thế giới, Việt Nam đã và đang tiến hành gia nhập nhiều tổ chức và điều ước quốc tế, gần đây nhất là TPP. Việc mở rộng mối quan hệ giao lưu thương mại với các nước, các tổ chức là cơ hội giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Nhưng, bên cạnh đó cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.

VNHN - Để nhanh chóng hội nhập với thế giới, Việt Nam đã và đang tiến hành gia nhập nhiều tổ chức và điều ước quốc tế, gần đây nhất là TPP. Việc mở rộng mối quan hệ giao lưu thương mại với các nước, các tổ chức là cơ hội giúp kinh tế Việt Nam phát triển. Nhưng, bên cạnh đó cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng.

 

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng về SHTT như: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid; Hiệp ước Hợp tác patent (PCT); Thỏa ước Lahay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp; Hiệp ước luật nhãn hiệu hàng hóa; Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh: Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV); Hiệp ước Washington về SHTT đối với bố trí mạch tích hợp; Hiệp định thương mại về Quyền SHTT (TRIPS); các hiệp định của WTO; Công ước thành lập Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO),…Việc tham gia các điều ước quốc tế, một trong những điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế, chính là cam kết của Việt Nam, cả phía chính quyền lẫn khối doanh nghiệp, về việc tuân thủ những yêu cầu rất chặt chẽ trong thực thi các quy định có liên quan đến SHTT. Tuy nhiên, nhận thức về SHTT, nhất là nhãn hiệu hàng hóa, của các doanh nghiệp (và cả người tiêu dùng) Việt Nam hiện còn nhiều vấn đề.

 Quyền SHTT chưa thực sự được coi trọng

Theo số liệu của Cục SHTT, trong số các nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT chỉ có khoảng 20% là của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, đa số nhãn hiệu đăng ký là của các doanh nghiệp tư nhân. Rất ít doanh nghiệp nhà nước tham gia. Điều này cho thấy, việc coi trọng, quan tâm đúng mức đến SHTT của doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc hơn, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước, vì đây là khối đóng góp khá lớn (khoảng 40%) trong tổng GDP của cả nước.

Bên cạnh việc ít quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho mình, nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng vi phạm quyền SHTT đối với hàng hóa hay sản phẩm bán chạy cùng loại. Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, rất nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm quyền SHTT về nhãn hiệu hàng hóa có thể kể đến như sản phẩm mì Hảo Tôm (công ty Đ.N.), có bao bì tương tự như mì Hảo Hảo của công ty Acecook; sản phẩm kẹo Applebe của công ty T.T.P. có tên và bao bì có màu sắc giống sản phẩm kẹo Alpenliebe của công ty Perfetti Van Melle SPA (Italy); sản phẩm E-Nat của công ty H.K. có tên giống với sản phẩm Enat 400 của công ty Mega Lifecences Ltd. (Thái Lan),…

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM, từ 13-18/3/2015, cơ quan quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra và phát hiện khoảng 2.400 sản phẩm quần tây nhái, do một công ty tại quận 6 sản xuất, gắn nhãn hiệu Owen mua trôi nổi trên thị trường để bán. Tại Hội chợ Triển lãm Hàng thật - Hàng giả tổ chức tại TP. HCM, ông Ngô Đức Hòa, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Thắng Lợi chia sẻ, không chỉ nhãn hàng Thắng Lợi mà rất nhiều sản phẩm của các thương hiệu dệt may uy tín trong nước đã bị làm giả, thậm chí những người kinh doanh hàng giả còn công khai mở cả cửa hàng để phân phối sản phẩm giả, với giá chỉ bằng 1/3-1/2 giá hàng thật. Không chỉ dừng lại ở việc bày bán công khai, một số nơi còn rao nhận gia công các sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu cho các tiểu thương có nhu cầu.

Nhận thức sai lệch của người tiêu dùng đã tạo điều kiện cho nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu phát triển trên thị trường. Do giá bán các loại hàng này chỉ bằng 1/10 đến 1/3 giá hàng thật, nên nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn mua để sử dụng. Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, “Sở dĩ hàng nhái, hàng giả liên tục được nhập lậu vào Việt Nam với số lượng lớn, một phần là do người tiêu dùng thích xài hàng hiệu giá rẻ”.

Theo đàm phán WTO hiện nay, thời hạn bảo hộ đối với các sáng chế về dược phẩm sẽ tăng lên 25 năm (thay vì quy định hiện tại của Việt Nam và WTO là 20 năm), do cân nhắc đến khoản bù 5 năm cho thời gian từ khi tiến hành đăng ký cho đến lúc sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường. Việc thực thi quyền SHTT, theo cam kết cũng phải chặt chẽ hơn. Ví dụ, thời hạn bảo hộ nhãn hiệu vẫn là 10 năm, nhưng việc tiến hành các biện pháp ngăn chặn nhãn hiệu bị làm giả, làm nhái phải thực hiện triệt để hơn.

Theo TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp), hiện nay hàng xuất khẩu ít bị xem xét khía cạnh vi phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, sau khi gia nhập TPP thì việc kiểm soát các vi phạm quyền SHTT cần phải tiến hành chặt chẽ, đặc biệt là đối với hàng xuất khẩu sang khu vực EU, Mỹ. Ví dụ, các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu nhãn hiệu Nike, Adidas phải xác định rõ người đặt hàng gia công có quyền sở hữu hợp pháp hoặc có ủy quyền đối với các nhãn hiệu này hay không.

Hàng hóa nhập khẩu và lưu thông trên thị trường sẽ phải kiểm soát gắt gao hơn, thậm chí cần phải tiến hành hình sự hóa một số vi phạm. Hiện nay, việc hình sự hóa vi phạm quyền SHTT chỉ tiến hành khi vi phạm ở quy mô thương mại lớn. Trong khi đó, theo các thương thảo TPP hiện nay, khi xảy ra một vụ vi phạm quyền SHTT, không chỉ quy mô thương mại của vi phạm, mà mức độ thường xuyên của vi phạm cũng sẽ được xem xét để chuyển sang xử lý hình sự.

Rõ ràng, bên cạnh các biện pháp nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và thái độ, hành vi của người tiêu dùng trong xã hội, bản thân các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập hiện nay cũng cần nâng cao nhận thức về SHTT. Hiểu rõ quyền SHTT giúp doanh nghiệp có thể khai thác tối đa những lợi ích mà SHTT mang lại cho doanh nghiệp, cho cộng đồng. Thực tiễn cho thấy, nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác có hiệu quả quyền SHTT. Hiểu rõ về SHTT còn giúp doanh nghiệp tránh bị chế tài, không chỉ về tiền bạc mà còn cả khả năng bị truy tố hình sự khi xâm phạm quyền SHTT của người khác.