23/01/2025 lúc 16:43 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều cơ hội cho xuất khẩu lao động

VNHN- Những nới lỏng điều kiện đón lao động nước ngoài sang làm việc của một số quốc gia sẽ mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu. Năm 2019 là năm đầy triển vọng đối với thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) với mục tiêu đưa được 120.000 lao động xuất khẩu mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề ra.

VNHN- Những nới lỏng điều kiện đón lao động nước ngoài sang làm việc của một số quốc gia sẽ mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu. Năm 2019 là năm đầy triển vọng đối với thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) với mục tiêu đưa được 120.000 lao động xuất khẩu mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề ra.

Nhiều cơ hội lớn

Năm 2019, rất nhiều thị trường XKLĐ có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà lao động Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi, như: Điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… Điều này tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao cho người lao động (NLĐ) Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường XKLĐ mới.

Đào tạo điều dưỡng đi xuất khẩu lao động

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, thời gian qua, bộ đã tiếp rất nhiều đoàn của các nước đến với mong muốn ký kết hợp tác thỏa thuận XKLĐ. Với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra, gần như các nước đều có sự thiếu hụt lao động. Hiện Nhật Bản là một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt, được NLĐ Việt Nam ưa thích. Tính đến nay, Việt Nam đã đưa gần 200.000 lao động sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Số lượng thực tập sinh hằng năm gia tăng nhanh chóng. Tổng số lao động Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126.000 người. Năm 2019, số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh và nhanh hơn do dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua vào ngày 8-12-2018 và có hiệu lực từ tháng 4-2019. Với dự luật này, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới.

Cùng với thị trường Nhật Bản, trong chuyến thăm châu Âu tháng 11-2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với hai nước là Bungari và Romania. Từ hai biên bản ghi nhớ này, lao động Việt Nam sẽ có hàng trăm nghìn cơ hội việc làm tại châu Âu.

Chỉ riêng với thị trường Bugaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động. Việc ký kết thỏa thuận giữa bộ lao động hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả XKLĐ và đào tạo nghề. Romania cũng được đánh giá là thị trường XKLĐ tiềm năng trong khu vực châu Âu, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của NLĐ bảo đảm, chi phí trước khi đi thấp.

Giữ thương hiệu cho xuất khẩu lao động

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc đáng lo ngại nhất là lao động bỏ trốn. Không chỉ Hàn Quốc, hiện nay, Nhật Bản cũng đang yêu cầu phía Việt Nam phải giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp xuống mức thấp nhất. Vì vấn đề này, Hàn Quốc từng 4 năm không ký lại bản ghi nhớ đưa lao động đi xuất khẩu với Việt Nam; 49 quận/huyện đã chính thức bị thông báo tạm dừng đưa lao động sang thị trường Hàn Quốc. Đây là một trong những vướng mắc lớn mà phía Việt Nam đang phải đối mặt khi đàm phán ký kết các chương trình đưa lao động đi làm việc ở hai thị trường lớn này. Nguy hiểm hơn, việc làm trái quy định của số lao động này cũng đang ảnh hưởng đến rất nhiều người có mong muốn chính đáng được đi XKLĐ và làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam tại nhiều thị trường lao động truyền thống.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH): Để tránh tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn, chính quyền địa phương cần có bản cam kết với NLĐ trước khi xuất cảnh. Cùng với đó là việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của cục, bộ và các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách, quy định mới của Việt Nam và của các nước tiếp nhận, thông tin giới thiệu về những chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động. Trong trường hợp NLĐ bỏ trốn khỏi nơi làm việc, phá hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức hoặc ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động thì căn cứ vào Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, NLĐ bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng; đồng thời bị buộc về nước, cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn hai năm.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ tổ chức nhiều khóa tập huấn, thông tin những quy định mới về pháp luật liên quan đến lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho cán bộ các doanh nghiệp XKLĐ và cán bộ địa phương làm công tác này, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đưa lao

động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với việc ổn định và mở thêm những thị trường xuất khẩu lao động mới, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục mở rộng những ngành nghề mới, nhất là những ngành nghề có nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật.