22/12/2024 lúc 01:11 (GMT+7)
Breaking News

Kinh nghiệm của một số quốc gia trong chuyển đổi số và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Chuyển đổi số là nội dung cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0, là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, cách sống, cách làm việc của con người với mục tiêu tăng hiệu quả quản lý; nâng cao năng suất lao động; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Việc xây dựng Chương trình chuyển đổi số ở cấp độ quốc gia đang trở thành xu hướng chính sách hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Chuyển đổi số tại một số quốc gia

 E-xtô-ni-a

E-xtô-ni-a là quốc gia nghèo được tách ra từ Liên Xô (cũ) vào năm 1991, E-xtô-ni-a đã quyết tâm xây dựng, phát triển quốc gia theo cách riêng của mình bằng công nghệ thông tin (CNTT). Hiện nay, E-xtô-ni-a là quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển chính phủ điện tử (CPĐT), quốc gia số. Đúng như phát biểu của Thủ tướng Mart Laar trong thập niên 90 của thế kỷ XX: “Công nghệ thông tin là tương lai của đất nước”, sau hơn 30 năm thực hiện Chương trình “Cú nhảy của hổ (Tiger Leap)”, CNTT, CNS đã và đang biến quốc gia nhỏ bé này thành cảm hứng cho các quốc gia trong kỷ nguyên số. Quá trình chuyển đổi số (CĐS) của E-xtô-ni-a đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, như:

(1) Hoạt động của Chính phủ được số hóa. Tại đất nước vùng Ban-tích với hơn 1,3 triệu dân, người dân E-xtô-ni-a đang được hưởng một chính phủ kỹ thuật số 99,99% không giấy tờ, không quan liêu, rườm rà. Mọi thông tin cá nhân của người dân E-xtô-ni-a chỉ cần cung cấp một lần, cho một cơ quan được mặc định số hóa. Việc truy cập thông tin cá nhân luôn bảo đảm minh bạch, người dân có thể thực hiện mọi giao dịch với chính quyền, trừ ba dịch vụ công (kết hôn, ly hôn và mua bán bất động sản)1.

(2) Bảo mật thông tin cá nhân được bảo đảm gần như tuyệt đối. E-xtô-ni-a là quốc gia dẫn đầu thế giới về định danh điện tử trên cơ sở ngày càng hoàn thiện hệ thống căn cước công dân điện tử. Thẻ căn cước công dân được bảo đảm an toàn, tăng niềm tin của người dân, DN vào chính quyền số.

(3) Huy động nguồn lực từ ngoài biên giới. Với dự án E-Residency (định danh điện tử xuyên quốc gia), bất cứ ai trên thế giới có thể đăng ký cư trú điện tử – công dân số của E-xtô-ni-a. Dự án này được triển khai để thu hút khoảng 10 triệu người trên thế giới, trở thành công dân số của E-xtô-ni-a. Dự án cho phép mọi người trên thế giới có thể điều hành DN trực tuyến dù không sinh sống tại E-xtô-ni-a. Qua đó, E-xtô-ni-a có thể huy động nguồn lực khắp nơi trên thế giới để xây dựng, phát triển đất nước.

Những thành tựu trên xuất phát từ:

Một là, E-xtô-ni-a có tầm nhìn dài hạn và nhất quán trong các hoạt động CĐS quốc gia.

Với tầm nhìn đúng đắn, phát triển quốc gia từ CNTT và bằng CNTT, nước này đã có những bước đi trước thời đại, năm 2000 biến quyền truy cập internet thành quyền con người; năm 2005 bầu cử trực tuyến; số hóa hầu hết các dịch vụ công; không ngừng đổi mới, cải tiến chính phủ số để phục vụ tốt nhất cho người dân…

Hai là, vai trò của người đứng đầu.

Thực tiễn cho thấy, quá trình xây dựng và phát triển quốc gia số tại E-xtô-ni-a đạt được nhiều thành tựu không thể không kể đến vai trò của người đứng đầu. Thủ tướng Mart Laar – người đầu tiên đã đặt ra mục tiêu phát triển cùng với những bước đi hiệu quả dẫn đến thành công như ngày hôm nay. Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo trẻ, giàu tinh thần đổi mới của E-xtô-ni-a là những nhân tố nuôi dưỡng quyết tâm và thúc đẩy quá trình CĐS của E-xtô-ni-a đến thành công vượt bậc.

Ba là, chính phủ luôn cầu thị, liên tục đổi mới, lấy người dân làm trung tâm.

Những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ E-xtô-ni-a trong khắc phục sự cố của chính phủ số năm 2017 là minh chứng cho nhận định này. Cùng với đó, các ứng dụng chính phủ số của E-xtô-ni-a không ngừng được phát triển, cải tiến hướng tới mang lại nhiều nhất tiện ích cho người dân, DN.

Bốn là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực số.

E-xtô-ni-a chú trọng phát triển nguồn nhân lực số khi đầu tư đào tạo CNS cho thế hệ trẻ. Do đó, trẻ em từ 6 tuổi đã bắt đầu học toán và logic để áp dụng vào ngôn ngữ lập trình Scratch – nền tảng ban đầu để trở thành công dân số.

 Xinh-ga-po

Xinh-ga-po là quốc gia luôn đi đầu, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho sự phát triển của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong lĩnh vực quản trị nhà nước, Xinh-ga-po đã xây dựng được nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, là tiền đề thúc đẩy kinh tế – xã hội ngày càng phát triển. Trong CĐS quốc gia, đây cũng là quốc gia có nhiều thành tựu:

(1) Là quốc gia thành công trong xây dựng CPĐT. Xinh-ga-po bắt đầu xây dựng CPĐT từ những năm 80 thế kỷ XX. CPĐT của Xinh-ga-po không ngừng được cải tiến, hoàn thiện. Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ dùng chung tích hợp tất cả các dịch vụ công của các bộ, ngành và người dân chỉ cần vào một cổng thông tin duy nhất của Chính phủ để thực hiện tất cả các dịch vụ hành chính2.

(2) Là quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng số phát triển. Xinh-ga-po đã đưa vào sử dụng mạng cáp quang (năm 2010) và mạng di động 4G (năm 2011). Năm 2019, đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá những tác động của 5G để chuẩn bị triển khai trên thực tiễn.

(3) Xây dựng quốc gia thông minh. Đây là dự án khởi động từ năm 2014 với mục tiêu phục vụ tối đa cho người dân, DN. Xinh-ga-po đang triển khai các dự án, như: nhận dạng số quốc gia (NDI); cảm biến thông minh quốc gia (SNSP); thanh toán điện tử, di chuyển thông minh; đẩy mạnh giáo dục về trí tuệ nhân tạo (AI); moments of Life để đạt được tham vọng này4.

Thành công trong CĐS của Xinh-ga-po có thể kể đến từ các nguyên nhân sau:

Một là, tầm nhìn chiến lược với người dân là trung tâm của CĐS. Giống như E-xtô-ni-a, Xinh-ga-po luôn có tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia bằng CNTT, bằng dự án xây dựng quốc gia thông minh. Những chính sách của Xinh-ga-po trong CĐS luôn kịp thời thay đổi phù hợp với thực tiễn. Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Xinh-ga-po Heng Swee Keat cho biết: “Chuyển đổi số đã trở thành bước chuyển mình quan trọng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và Xinh-ga-po không thể vận hành theo cách cũ”5.

Cùng với đó, mục tiêu phát triển quốc gia trong CĐS đều hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Lời của Thủ tướng Lý Hiển Long khi chia sẻ về Dự án xây dựng quốc gia thông minh minh chứng cho nhận định này: “Quốc gia thông minh Xinh-ga-po dành cho tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả thành phần xã hội đều có thể hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ, dù trẻ hay già”6.

Hai là, nguồn lực đầu tư cho CĐS luôn được bảo đảm. Quá trình CĐS của Xinh-ga-po cho thấy, Chính phủ luôn quan tâm đầu tư cho các dự án liên quan đến phát triển công nghệ, CĐS. Mới đây, Xinh-ga-po đã chi 352 triệu USD cho các DN thực hiện thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử và nhiều công cụ số khác trong Covid-197.

Ba là, luôn quan tâm xây dựng nguồn nhân lực số, đồng thời, triển khai các dự án để thu hút người dân, DN tiếp cận với các chương trình, ứng dụng CNTT để khai thác phục vụ cuộc sống cũng như các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Thông qua các tổ chức như Skills Future (là một phong trào quốc gia của Xinh-ga-po nhằm phát triển tiềm năng con người, không kể xuất phát điểm của họ) hay SG Innovate (tổ chức các nhà khoa học xây dựng công ty khởi nghiệp Deep tech thuộc sở hữu của Chính phủ Xinh-ga-po), Chính phủ cung cấp cho người dân những khóa học, những sự kiện truyền thông về CNTT, AI, robot, chuỗi khối (blockchain) và các chủ đề công nghệ chuyên sâu khác…8.

Thái Lan

So với E-xtô-ni-a và Xinh-ga-po, Thái Lan bắt đầu CĐS muộn hơn bằng Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội lần thứ 12 (còn gọi là “Digital Thailand”) được công bố vào tháng 4/2016. Mục tiêu của Kế hoạch là CĐS toàn bộ hoạt động của Chính phủ Thái Lan đến các hoạt động hỗ trợ sản xuất – kinh doanh, cảnh báo thảm họa thiên nhiên…

Kế hoạch Digital Thailand đưa ra 6 chiến lược chính: (1) Thiết lập cơ sở hạ tầng truyền thông cơ bản, tạo thuận lợi cho người dân; (2) Số hóa nhiều mặt của đời sống, dự kiến sẽ mang đến cơ hội kinh tế và thương mại lớn hơn cho người dân Thái Lan; (3) Xây dựng CPĐT, trong đó người dân được chuẩn bị để có thể tiếp cận các dịch vụ số; (4) Chuẩn bị nhân lực số ở tất cả các cấp độ của các cơ quan chính phủ; (5) Tối đa hóa năng lực kỹ thuật số của mọi người, thúc đẩy họ tập trung hơn vào CNS và sử dụng nó hiệu quả và phù hợp nhất; (6) Tạo niềm tin trong việc sử dụng CNS và phương tiện truyền thông trực tuyến9.

Các chiến lược này được Thái Lan xác định thực hiện trong 5 năm. Đầu tiên, Thái Lan tập trung vào Chiến lược “Xây dựng CPĐT trong đó người dân được chuẩn bị để có thể tiếp cận các dịch vụ số” bằng việc thực hiện Kế hoạch phát triển chính phủ số do Cục CPĐT công bố.

Với quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực hành động, Thái Lan sẽ có nhiều tiền đề quan trọng để phát triển trong thời gian tới. Cụ thể là từ nhiều công trình nghiên cứu “Mở khóa tác động kinh tế của CĐS ở châu Á- Thái Bình Dương” năm 2018, Microsoft và IDC đã dự báo: năm 2021 CĐS sẽ bổ sung khoảng 9 tỷ USD (2.800 tỷ baht) vào GDP của Thái Lan và tốc độ tăng trưởng tăng là 0,4% hằng năm và có thể tăng “khoảng 40% GDP của Thái Lan là từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số”10.

Tuy là một nước thực hiện CĐS quốc gia tương đối muộn, nhưng quá trình CĐS của Thái Lan đã có nhiều thành tựu ấn tượng, như: (1) Tầm nhìn với những mục tiêu, chiến lược cụ thể được xác lập một cách kiên định, tường minh trong “Digital Thailand”; (2) Vai trò dẫn dắt, điều chỉnh của Chính phủ Thái Lan trong tổ chức thực hiện quá trình CĐS; (3) Ưu tiên xây dựng CPĐT, chính phủ số và tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư CĐS.

Hàm ý chính sách, chương trình chuyển đổi số của Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư đã xác định các mục tiêu cho từng thời điểm năm 2025, năm 2030 hướng tới tầm nhìn đến năm 2045: “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất các các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh”; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình đã xác định: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình CĐS quốc gia mở ra một “cuộc cách mạng” trong bối cảnh phát triển mới: dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới. Chương trình này là cơ sở để các địa phương, ngành, lĩnh vực xác lập mục tiêu, giải pháp để CĐS phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Chương trình CĐS của Việt Nam còn được gọi là Chương trình thông minh hóa quốc gia với ba trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Với Chương trình CĐS, Việt Nam hướng tới khơi dậy khát vọng “xây dựng Việt Nam hùng cường” thông qua thông điệp “Make in Vietnam”.

Hàm ý chính sách của Việt Nam khi thực hiện Chương trình CĐS quốc gia:

Thứ nhấtkiên định tầm nhìn, mục tiêu cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách thúc đẩy CĐS quốc gia.

Kiên định và nhất quán trong thực hiện mục tiêu CĐS quốc gia để Việt Nam tiến nhanh, không bị bỏ lại phía sau trong lộ trình phát triển. Yêu cầu này đòi hỏi Chính phủ, từ người đứng đầu cho đến từng cán bộ, công chức, viên chức thống nhất, thông suốt, quyết tâm thực hiện các mục tiêu trong Chương trình CĐS. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, từng bước xóa “khoảng cách số” giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, trước hết là khung thể chế, chính sách cho CĐS quốc gia, tạo hành lang pháp lý trên ba trụ cột chính. Từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, cơ chế cho từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó chú ý những ngành, lĩnh vực chính, đột phá cho phát triển CNS, như: định danh điện tử, dữ liệu số, AI…

Thứ hai, đẩy mạnh quản trị của Chính phủ hướng tới xây dựng chính phủ số.

Để CĐS thành công, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan hành chính nhà nước phải đi đầu trong CĐS và tập trung vào một số giải pháp cơ bản:

(1) Nâng cao năng lực quản trị số của từng cán bộ, công chức, viên chức – những nhân vật trung tâm của chính phủ số. Đây là giải pháp then chốt trong các giải pháp cần thực hiện để thực hiện Chương trình CĐS. Trước mắt, Việt Nam cần có Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cả nước để nâng cao nhận thức và năng lực quản trị số phù hợp với lộ trình xây dựng chính phủ số được xác định. Phát huy vai trò và xác định trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong xây dựng chính quyền số.

(2) Phát triển, ứng dụng AI và các giải pháp thông minh vào hoạt động quản trị. Xây dựng chính phủ số không thể tách rời phát triển, ứng dụng AI vào hoạt động quản trị của các cấp chính quyền. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có khả năng sử dụng thành thạo AI trong các hoạt động của mình. Ứng dụng AI để tham vấn chính sách, lắng nghe thấu hiểu người dân khi mỗi người dân trở thành một “cảm biến xã hội”. Sử dụng các giải pháp thông minh, các giải pháp công nghệ bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu số một cách hiệu quả.

Các cấp chính quyền cần đẩy mạnh cải cách hành chính mạnh mẽ hơn để tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho chính quyền, người dân và DN. Cần rà soát từng thủ tục hành chính, cụ thể là để đơn giản hóa, thậm chí bãi bỏ cùng với đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phù hợp với lộ trình xây dựng chính phủ số.

Thứ ba, phát huy vai trò của các DN đổi mới sáng tạo và phát triển AI.

Quan tâm, khuyến khích các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về CNTT, CNS để biến thông điệp “Make in Vietnam” trở thành nguồn lực thực tiễn của CĐS quốc gia. Hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo trong phát triển các ứng dụng, giải pháp thông minh phục vụ cho CĐS an toàn, thân thiện với người Việt Nam. Phát triển các khu đô thị sáng tạo để phát huy năng lực đổi mới sáng tạo – nguồn lực quan trọng nhất trong kỷ nguyên số phục vụ CĐS quốc gia. Bên cạnh đó, quan tâm phát triển AI để thúc đẩy CĐS trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Thứ tư, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư CĐS.

Huy động và ưu tiên ngân sách nhà nước đầu tư cho CĐS quốc gia, đồng thời, xác lập cơ chế huy động các nguồn lực từ các kênh khác nhau. Tăng cường quản lý để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kiểm soát quá trình sử dụng các nguồn lực đầu tư cho CĐS quốc gia.

Thứ năm, quan tâm phát triển nguồn nhân lực số.

Để CĐS quốc gia thành công, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực số là các chuyên gia, kỹ sư CNS và các công dân số. Xác lập cơ chế pháp lý, cơ chế làm việc linh hoạt để thu hút các chuyên gia CNS của thế giới (đặc biệt là các chuyên gia người Việt đang làm việc ở nước ngoài) làm việc tại Việt Nam theo các hợp đồng công vụ, dự án về CĐS quốc gia. Nghiên cứu, triển khai đào tạo về CNS phổ thông trong các chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đồng thời, cần nghiên cứu kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trong CĐS, như: E-xtô-ni-a, Xinh-ga-po và Thái Lan… phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Chú thích:
1,2. Học tập kinh nghiệm quốc tế xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025. http://mpi.gov.vn, ngày 20/01/2021.

3. Xây dựng chính phủ điện tử: Kinh nghiệm từ các nước. http://hdll.vn, ngày 02/8/2019.
4, 6. Các dự án biến Xinh-ga-po thành quốc gia thông minh. https://vnexpress.net, ngày 11/9/2018.
5, 7. Xinh-pa-po chi 352 triệu USD cho doanh nghiệp chuyển đổi số. https://vnexpress.net, ngày 12/6/2020.
8. Kinh nghiệm một số nước ASEAN về phát triển kinh tế số và tham khảo cho Việt Nam”. http://hdll.vn, ngày 28/5/2020.
9, 10. Thái Lan đang chuyển đổi số như thế nào? https://viettimes.vn, ngày 02/3/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
TS. Bùi Ngọc Hiền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
...