Đòi 5 triệu USD vì đồ uống quá nhiều đá
Stacy Pincus, một khách hàng của Starbucks ở Chicago, đã đệ đơn kiện tập thể đòi 5 triệu USD, cáo buộc Starbucks đã cho quá nhiều đá vào đồ uống lạnh của mình. Cụ thể, theo quảng cáo của Starbucks, đồ uống lạnh (có đá) có trọng lượng 24 ounce (tương đương khoảng 680 gram) nhưng thực chất chỉ chứa 14 ounce chất lỏng (khoảng 400 gram).
Những vụ kiện vì các lý do lố bịch thường xuyên diễn ra tại Mỹ - Ảnh: Foundersguide
Kết quả, vụ kiện trị giá 5 triệu USD đã bị thẩm phán liên bang Chicago bác bỏ vào cuối năm 2016 bởi khách hàng đã bỏ qua giải pháp cực kỳ đơn giản là “yêu cầu ít đá”. Viện Cải cách Pháp lý của Phòng Thương mại Hoa Kỳ gọi đây là “vụ kiện phù phiếm nhất năm 2016”.
5 triệu USD cho gói kẹo vơi
5 triệu USD cũng là khoản bồi thường mà công ty Hershey, nhà sản xuất socola lớn nhất thế giới, đồng thời là công ty bánh kẹo đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ đã phải đối mặt. Năm 2017, khách hàng Robert Bratton ở Missouri đã đệ đơn kiện cáo buộc công ty cố tình bán các gói kẹo Whoppers, Reese's Pieces “bị thiếu hụt”, tức là bao bì sản phẩm lớn hơn một phần so với khối lượng kẹo.
Thẩm phán cấp quận Nanette K. Laughrey đã kết luận rằng Bratton thực sự không bị tổn hại gì bởi anh ta vẫn tiếp tục mua các gói kẹo này. Thậm chí, Bratton đã mua hơn 600 gói trong suốt 1 thập kỷ và điều này làm dấy lên hoài nghi về lý do anh ta khởi kiện khi nhìn vào con số đòi bồi thường là 5 triệu đô la.
Kiện 1,5 triệu USD vì chỉ nhận được một chiếc khăn ăn
Năm 2014, một cư dân ở California Webster Lucas đã kiện McDonald's đòi bồi thường 1,5 triệu USD vì anh ta chỉ nhận được một chiếc khăn ăn trong bữa ăn của mình. Sau một cuộc tranh cãi với người quản lý, Lucas đã được nhà hàng tặng một chiếc hamburger, nhưng anh này không đồng ý với lý do vụ việc gây đau khổ về mặt tinh thần và không thể làm việc.
McDonald’s từng vướng vào những vụ kiện với lý do oái oăm - Ảnh: GOBankingRates
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Lucas “nhắm” vào các công ty fastfood. Theo NBC Los Angeles, trước khi đệ đơn kiện McDonald's, Lucas đã hai lần kiện Jack in the Box mà không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Theo chuyên gia phân tích pháp lý Royal Oakes của NBC4, Lucas là một “đương sự phiền phức”, tức là một người đưa ra những yêu cầu phù phiếm chỉ để gây rắc rối cho người bị kiện, không có đủ chứng cứ để tiến hành tố tụng.
Thậm chí, bang California đã có hẳn một “danh sách đương sự phiền phức” cấm những người có tên nộp đơn kiện trong một khoảng thời gian nhất định. Năm 2018, Lucas đã “được” ghi tên vào danh sách này vì vụ kiện McDonald's nói trên.
Vụ kiện tên gọi trị giá 5 triệu USD
Một nhóm nguyên đơn ở Chicago đã đệ đơn kiện tập thể chống lại Home Depot vào năm 2017, vì loại gỗ xẻ 4 x 4 của hãng có kích thước mỗi cạnh là 3,5 inch x 3,5 inch, thay vì 4 inch x 4 inch theo cách hiểu của họ. Luật sư của nguyên đơn yêu cầu bồi thường “thiệt hại” hơn 5 triệu USD.
Home Depot và các nhà cung cấp gỗ khác cho biết, theo quy định của ngành, “4 x 4” chỉ là tên gọi của loại tấm ván gỗ, còn kích thước tiêu chuẩn cho loại này là 3,5 inch x 3,5 inch. Kết quả, tòa án đã bác bỏ vụ kiện và yêu cầu bồi thường của nguyên đơn.
Kiện hãng bia 10.000 USD do “không có thiên đường nhiệt đới” như quảng cáo
Giống như nhiều loại đồ uống có cồn khác, quảng cáo của bia Bud Light luôn đi kèm với hình ảnh những bữa tiệc sôi động và những cô gái nóng bỏng. Tuy nhiên, Richard Overton, một người đàn ông ở Michigan đã tuyên bố “không nhận được sản phẩm như quảng cáo” và các quảng cáo trên truyền hình về bia Bud Light là “không đúng sự thật, lừa đảo và gây hiểu nhầm”. Theo anh ta, loại bia này không “đưa anh đến thiên đường nhiệt đới với những người phụ nữ xinh đẹp như lời quảng cáo trên TV”.
Năm 1991, Overton đã kiện Tập đoàn chủ quản của Bud Light là Anheuser-Busch với số tiền 10.000 đô la. Trong tuyên bố của mình, Overton cho rằng anh bị tổn thất tài chính và tổn thương tinh thần trầm trọng. Tất nhiên, vụ án sau đó đã bị tòa án bác bỏ.
Không kịp tắt TV, kiện nhà đài 2,5 triệu USD
Austin Aitken, một khán giả của chương trình “Fear Factor” đã kiện NBC đòi 2,5 triệu USD vào năm 2005. Nguyên nhân là do trong chương trình có một phân đoạn thử thách các thí sinh ăn… chuột trộn trong máy xay khiến anh ta không kịp tắt TV, dẫn tới nôn mửa, mất phương hướng và chạy đâm sầm vào cửa. Theo Aitken, thử thách này đã “đi quá xa”.
Tuy nhiên, kết quả không hoàn toàn như Aitken mong đợi. Vụ kiện phù phiếm của anh ta đã bị bác bỏ và Thẩm phán cấp quận Lesley Wells đã cảnh báo anh ta không nên nộp đơn kháng cáo.
Bảo Anh
Theo Yahoo Finance, Founders Guide