(VNHN)- Mặc dù Luật BC và pháp luật nói chung đã có những quy định nhằm bảo vệ nhà báo tác nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có không ít vụ việc cản trở nhà báo tác nghiệp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo và thậm chí là hành hung nhà báo khi họ tham gia hoạt động báo chí đúng theo quy định của pháp luật. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ nhà báo, đảm bảo an toàn cho nhà báo khi họ tác nghiệp…
Xung quanh những băn khoăn này, PV Báo NB&CL đã có cuộc trò chuyện với ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông). Việt Nam Hội nhập điện tử trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn này đến quý độc giả.
Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc trả lời truyền thông bên lề Hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016
Có không ít trường hợp đùn đẩy, nể nang, xử lý không nghiêm minh, thiếu trách nhiệm
+ Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 có quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, có không ít vụ việc cản trở, đe dọa, thậm chí hành hung nhà báo khi tác nghiệp. Theo ông, tình trạng đó có phải là do Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác liên quan chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, khiến các đối tượng xem thường và vẫn cố tình vi phạm?
- Hiện nay, luật pháp nước ta có rất nhiều quy định và chế tài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, hoạt động nghề nghiệp của nhà báo nói riêng. Theo tôi, thực trạng đe dọa, cản trở, hành hung người làm báo thời gian qua xảy ra là rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, trình độ dân trí ở nước ta đã được nâng lên, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện; tuyên truyền pháp luật đang được làm tích cực, tuy nhiên, ý thức pháp luật của không ít người dân còn chưa cao; nhiều trường hợp, việc thực thi pháp luật còn có những hạn chế, chưa hiệu quả.
+ Như vậy phải chăng những quy định đó (Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác liên quan) chưa được các cơ quan chức năng thực thi có hiệu quả, nghiêm minh?
- Tùy theo mức độ của hành vi cản trở, đe dọa, hành hung người làm báo, cơ quan thực thi pháp luật áp dụng Luật Báo chí, Luật Dân sự hay Luật hình sự. Thời gian qua, các lực lượng thanh tra chuyên ngành thông tin, truyền thông khi nhận được thông tin hành hung người làm báo đều đã xử lý kịp thời và nghiêm minh; lực lượng công an cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhiều trường hợp.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc, hành vi xâm hại chưa đến mức cấu thành tội phạm; chế tài đối với hành vi cản trở như chửi bới, dọa nạt, gây khó dễ, thu giữ phương tiện tác nghiệp, gián tiếp ngăn chặn tác nghiệp chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, để nhận diện được hành vi cản trở tác nghiệp báo chí không phải là dễ, bởi lẽ có những cản trở ở ngay trong chính tòa soạn, tác động của nhóm lợi ích...
+ Thực tế, ít có vụ xâm hại nhà báo được xử lý “đến nơi đến chốn” trong khi có nhiều vụ việc cản trở, hành hung nhà báo dư luận rất quan tâm, nhưng sau đó việc xử lý lại rất chậm trễ, thậm chí rơi vào quên lãng. Vậy theo ông, chính quyền nơi xảy ra vụ việc cũng như các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm gì trong việc này?
- Nếu một vụ cản trở, hành hung người làm báo xảy ra, có đủ căn cứ để xử lý thì trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật là phải giải quyết triệt để, thấu tình, đạt lý. Thực tế, có những vụ việc công luận rất quan tâm, nhưng hành vi nguy hiểm chưa đến mức cấu thành tội phạm, chỉ dừng ở xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Cũng có không ít trường hợp đùn đẩy, nể nang, xử lý không nghiêm minh, thiếu trách nhiệm. Không xử lý nghiêm minh việc cản trở báo chí thì sẽ khó có một nền báo chí chân chính.
Người làm báo phải trang bị các kỹ năng cần thiết để ứng phó khi phát sinh tình huống nguy hiểm
+ Thưa ông, về phía các phóng viên, nhà báo, họ cần lưu tâm điều gì để đảm bảo an toàn cho bản thân mình trong tình huống tác nghiệp tại những nơi nguy hiểm?
- Nhà báo phải tác nghiệp đúng pháp luật để bảo vệ mình. Kinh nghiệm từ những vụ việc đã xảy ra cho thấy, đối tượng cản trở, hành hung báo chí thường là bảo vệ cho lợi ích của mình, khi sai phạm có nguy cơ bị báo chí đưa ra ánh sáng. Phản ứng của đối tượng tất nhiên là tìm mọi cách để bưng bít, cản trở, không để báo chí biết, đăng phát. Tùy theo tính chất vụ việc, loại đối tượng điều tra, điều kiện, môi trường tác nghiệp, vấn đề tìm hiểu… để phóng viên và tòa soạn xây dựng kế hoạch cụ thể.
Đã có nhiều trường hợp phóng viên tác nghiệp điều tra không cho tòa soạn, lãnh đạo báo biết, tất nhiên có những vụ việc điều tra cần ít người biết, có những hoạt động tác nghiệp cụ thể cần sự độc lập, nhưng về nguyên tắc mọi hoạt động của phóng viên khi thực hiện đề tài nguy hiểm thì lãnh đạo báo phải được biết để có phương án bảo vệ, hỗ trợ.
Bản thân nhà báo phải ứng xử mềm dẻo, khéo léo, lựa tình huống để bảo vệ bản thân và vật chứng, chứng cứ thu thập được; có sự phối hợp tốt với tòa soạn, trong nhiều trường hợp là các lực lượng chức năng.
Tóm lại là người làm báo phải trang bị cho bản thân kiến thức pháp luật cần thiết để vững tâm làm việc đúng; trang bị các kỹ năng cần thiết để ứng phó khi phát sinh tình huống nguy hiểm. Anh em báo chí hay nói vui, ngoài ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, nhà báo cũng cần có “độ lì đòn” để thoát hiểm, phải có “độ lì” trong đeo bám đề tài.
Cần thiết có quy chế phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam với cơ quan quản lý báo chí (Bộ TT&TT), cơ quan công an (Bộ Công an)
+ Để bảo vệ và tạo điều kiện cho phóng viên hoạt động nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật, chúng ta có cần một cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, tổ chức Hội Nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan pháp luật… để xử lý vấn đề này? Và nếu cần, cơ chế đó sẽ vận hành như thế nào?
- Mặc dù hệ thống pháp luật của chúng ta đã có đầy đủ các quy định và chế tài để bảo vệ và tạo điều kiện cho báo chí hoạt động. Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để bảo vệ và tạo điều kiện hơn nữa cho phóng viên hoạt động nghiệp vụ đúng quy định của pháp luật là rất cần thiết.
Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã rất kịp thời, chủ động trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, người làm báo. Tuy nhiên, có không ít trường hợp thông tin về các vụ hành hung, cản trở báo chí đến với Hội và cơ quan quản lý chưa kịp thời, chủ yếu qua phản ánh của báo chí.
Do vậy, về phía cơ quan báo chí, khi phát sinh vụ việc cần thông báo ngay cho Hội Nhà báo các cấp, công an địa phương, chính quyền sở tại, lực lượng thanh tra thông tin và truyền thông để kịp thời xử lý.
Ở phương diện quản lý, cần thiết có quy chế phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam với cơ quan quản lý báo chí (Bộ TT&TT), cơ quan công an (Bộ Công an) để từ đó thiết lập kênh thông tin phối hợp xử lý đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, hạn chế tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, tống tiền tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện cho nhà báo hoạt động đúng pháp luật phát huy vai trò xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vì lợi ích của cộng đồng.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
T.Toàn (Thực hiện)/NB&CL