VNHN - Thời gian qua, Việt Nam Hội nhập điện tử liên tục phản ánh những tồn tại, bất cập xảy ra tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định về việc có hay không chuyện "bỏ quên" trách nhiệm?… Tuy nhiên, thay vì có những động thái và khẳng định quyết tâm giải quyết thực trạng tồn tại ở địa phương, đại diện UBND huyện lại lên tiếng "thanh minh" cho những tồn tại theo hướng cảm tính, thiếu thuyết phục.
Như chúng tôi đã thông tin: Hàng loạt sai phạm xảy ra tại xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang khiến dư luận bức xúc về hiện trạng xử lý sai phạm như "gắp cóc bỏ đĩa" của chính quyền địa phương. Thay vì có những biện pháp thực tế, tất cả những tồn tại, khắc phục chỉ "đẹp" trên giấy. Huyện chỉ đạo xã, xã báo cáo lên nhưng thực trạng thì hoàn toàn trái ngược. Đáng nói, không chỉ tại xã Giao Long mà nhiều địa phương khác cũng tồn tại tình trạng buông lỏng quản lý để những ao, đầm mặc nhiên "xẻ thịt" hành lang bảo vệ đê điều, lấn chiếm diện tích trồng rừng phòng hộ.
Sau khi cơ quan báo chí vào cuộc thông tin, một số chuyển biến tích cực mang lại niềm tin cho quần chúng nhân dân đã được địa phương thực hiện như: Công khai thông báo kỷ luật cán bộ để xảy ra sai phạm chặt rừng phòng hộ, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều biển và cho người hưởng sai chế độ chính sách khiến người dân vô cùng hân hoan. Vậy tại sao nhiều năm qua chính quyền sở tại lại "bỏ quên" trách nhiệm? Phải chăng quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" lại không được địa phương áp dụng?
Ông Trần Văn Nhận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy có đang cố "thanh minh" cho những sai phạm tồn tại?
Ngày 08/11, phóng viên Việt Nam Hội nhập điện tử đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy. Tiếp phóng viên không phải là Chủ tịch huyện mà là Phó chủ tịch Thường trực - ông Trần Văn Nhận. Ông Nhận cho biết: "UBND huyện Giao Thủy trân trọng những thông tin Tòa soạn Việt Nam Hội nhập gửi đến địa phương trong thời gian vừa qua và ghi nhận những thông tin mà cơ quan báo chí phản ánh đã có tác động tích cực đến địa phương".
Trả lời về việc cho người dân hưởng sai chế độ và quy trình thu hồi sau phát hiện sai phạm đối với trường hợp ông Phạm Như Chuân, người dân tại xã Giao Long, ông Nhận cho hay: "Việc của ông Chuân là do lịch sử để lại, thời gian thực hiện việc xét chế độ chính sách, trình tự thủ tục chưa được chặt chẽ nhưng toàn bộ công việc đều được thực hiện đúng quy trình, trình tự. Sau khi rà soát lại và áp dụng luật mới thì mới phát hiện ra có sự chênh lệch, cụ thể: ông đủ tiêu chuẩn vùng tham gia kháng chiến, trước năm 1975 nhưng khi giám định y khoa thì bản thân ông Chuân không nhiễm chất độc hóa học, con cái ông Chuân không bị dị tật hay ảnh hưởng nào. UBND huyện đã đình chỉ việc cấp chế độ chính sách và yêu cầu UBND xã Giao Long tiến hành thu hồi số tiền đã trợ cấp theo quy định".
Cũng theo ông Nhận: "Việc thu hồi số tiền chính sách đã cấp vô cùng khó, bởi ngoài trường hợp của ông Chuân như cơ quan báo chí đã nêu thì hiện tại sau khi rà soát thì tại huyện Giao Thủy cũng có tổng cộng 49 trường hợp khác cấp sai (?). Trong trường hợp của ông Chuân UB Kiểm tra huyện Ủy cũng đã kỷ luật trách nhiệm cán bộ địa phương".
Liên quan đến việc UBND xã Giao Long thực hiện cho đấu thầu xây dựng ao, đầm nuôi trồng thủy sản xâm hại hành lang bảo vệ đê điều và lấn chiếm diện tích rừng phòng hộ ông Trần Văn Nhận cho hay: "Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều và rừng phòng hộ tại địa phương không phải là bây giờ mới xảy ra mà tồn tại từ quá khứ. Tất cả các trường hợp mới vi phạm, chúng tôi đều rất quyết liệt xử lý còn những vi phạm trước đó, địa phương đang cho đình chỉ giữ nguyên hiện trạng để tiến hành lộ trình xử lý, khắc phục (?). Hơn thế nữa, trình độ nhận thức của một số bộ phận cán bộ địa phương còn hạn chế mà luật đất đai, luật bảo vệ đê điều, luật rừng phòng hộ lại liên tục thay đổi nên chưa thể cập nhật hết.
Còn về trường hợp của xã Giao Long sau khi phát hiện sai phạm chúng tôi đã cho tiến hành xử lý và yêu cầu hoàn nguyên, tuy nhiên, do lãnh đạo UBND xã lúc đó là ông Trần Xuân Hải bị ung thư nên mới kéo dài đến hiện tại. Việc khắc phục mặt bằng như xã Giao Long đã làm là tốt rồi, không thể đảm bảo được nguyên trạng như trước (?). Xã đã làm hết khả năng, còn lại tồn tại đến đâu sẽ khắc phục dần. Việc sử dụng ngân sách xã là không phải, bởi ngoài ngân sách ra thì còn có ngân sách dự phòng của địa phương, việc làm của ông Hải lúc đó là đại diện cho UBND không phải việc làm cá nhân (?)", ông Nhận cho biết.
Bên cạnh đó, PV cũng đề cập đến việc: Tại sao lãnh đạo địa phương để xảy ra sai phạm thay vì xử lý nghiêm minh mà vẫn còn thăng chức? ông Nhận nói: "Việc ông Trần Xuân Hải về chức vụ có thể nói là đi lên nhưng thực sự là đi xuống (?). Sống thì cũng phải có nhân văn, bản thân ông Hải đang bị bệnh ung thư và việc làm của ông Hải chưa đến mức bị kỷ luật, cộng thêm có năng lực nên huyện vẫn đề xuất cho ông giữ chức vụ (?)".
Ngoài toàn bộ trao đổi như PV đã đề cập thì vị đại diện UBND huyện Giao Thủy cũng không cung cấp thêm được cho PV những văn bản hay giấy tờ khẳng định tính chất minh bạch trong công tác quản lý. Hơn nữa, trong quan điểm ông Nhận đưa ra thiếu tính thống nhất, việc ông Trần Xuân Hải sai phạm đang gây bức xúc trong quần chúng nhân dân nhưng quan điểm ông Nhận đưa ra để lý giải cho sai phạm nhưng "quan lộ" còn dài lại chỉ mang tính chất chủ quan, thiếu nhất quán. Đường đường là Phó Chủ tịch Thường trực thực hiện công việc quản lý hành chính công nhưng lại dùng tình cảm để quản lý là đúng hay sai? Thượng tôn của Hiến pháp và Pháp luật ông đang để đâu?
Đáng nói, riêng trường hợp của ông Trần Xuân Hải bản thân ông Hải khẳng định việc sai phạm xảy ra khi ông đương nhiệm là do cá nhân lãnh đạo địa phương tự quyết không thông qua tập thể nhưng ông Nhận lại khẳng định đã là người đứng đầu thì đại diện cho UBND xã thực hiện không phải vai trò cá nhân(?). Vậy biên bản nào thể hiện chủ trương, đường lối của việc ông Hải đã làm? Hay có chăng ông Hải đang cố tình lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng?
Hơn thế nữa, toàn bộ quá trình làm việc tất cả những sai phạm đang tồn tại ông Nhận đều khẳng định đó là do lịch sử để lại. Tuy nhiên, với trách nhiệm lãnh đạo địa phương thì những tồn tại đang có, trách nhiệm xử lý sẽ thuộc về ai? Phải chăng UBND huyện Giao Thủy cố tình "bỏ quên" trách nhiệm của mình? Chưa kể đến hàng loạt những sai phạm Việt Nam Hội nhập đã nêu ngoài xã Giao Long vẫn còn đang hết sức nóng hổi nhưng vẫn chưa có một biện pháp hay một động thái xử lý cụ thể nào được UBND huyện Giao Thủy đưa ra. Vậy ở đây, chính quyền sở tại đã thực sự vào cuộc hay chưa? Hay có chăng tất cả chỉ đơn giản là "thanh minh", bao biện cho sai phạm tồn tại?
Nếu Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy với vai trò và trách nhiệm là người đứng đầu không đứng ra trực tiếp giải quyết triệt để các vụ việc trên một cách nghiêm túc thì Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ phải tiếp tục làm việc với UBND tỉnh và thông tin trở lại với quý độc giả!