25/12/2024 lúc 08:16 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Giao Thủy (Nam Định): Bài 1 - Chính quyền địa phương có 'bỏ quên' trách nhiệm?

VNHNO - Không chỉ để xảy ra tình trạng các xã trực thuộc liên tục đua nhau “xẻ thịt” hành lang bảo vệ đê điều; chặt phá rừng cây phòng hộ chắn sóng; khai man thông tin để hưởng chế độ chính sách;… UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định còn khiến dư luận không khỏi hoài nghi về hiện trạng “bỏ quên” trách nhiệm, xử lý sai phạm như “gắp cóc bỏ đĩa”…

VNHNO - Không chỉ để xảy ra tình trạng các xã trực thuộc liên tục đua nhau “xẻ thịt” hành lang bảo vệ đê điều; chặt phá rừng cây phòng hộ chắn sóng; khai man thông tin để hưởng chế độ chính sách;… UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định còn khiến dư luận không khỏi hoài nghi về hiện trạng “bỏ quên” trách nhiệm, xử lý sai phạm như “gắp cóc bỏ đĩa”…

Thời gian vừa qua, Việt Nam Hội nhập điện tử liên tục tiếp nhận thông tin về hiện trạng tàn phá rừng phòng hộ, “xẻ thịt” hành lang bảo vệ đê điều, công dân địa phương khai man thông tin để hưởng chế độ chính sách cả chục năm trời chính quyền mới hay biết (?),… xảy ra tại xã Giao Long, huyện Giao Thủy (Nam Định).

Tuy nhiên, hiện trạng là như vậy nhưng đến khi vào cuộc xử lý các cấp chính quyền tại nơi đây lại “bỏ quên” trách nhiệm – Trên có chỉ đạo, dưới lại báo cáo, tuy nhiên, tất cả chỉ “đẹp” trên giấy còn hiện trạng khắc phục thực tế vô cùng ngổn ngang, đầy bất minh và gây thiệt hại cho ngân sách. 

Biển phát động phong trào thanh niên trồng rừng phòng hộ đứng đó nhưng thực trạng chặt phá rừng vẫn diễn ra tại nơi đây 

Sau nhiều lần thông tin phản ánh tới chính quyền địa phương, ngày 25/10/2018, UBND huyện Giao Thủy đã có văn bản số: 736/UBND-VP trả lời về việc nội dung cơ quan báo chí cần tìm hiểu. Tuy nhiên, nội dung văn bản lại không thể hiện được cái nhìn khách quan, công khai và minh bạch. Tại văn bản, toàn bộ nội dung PV đã đề cập ở trên đều được thông báo đã xử lý và hoàn thành.

Tuy nhiên, quá trình xác minh thông tin thực tế, cái PV ghi nhận được lại là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược... Việc hoàn nguyên mặt bằng vô cùng ngổn ngang vẫn còn đầy rẫy những móng công trình đã xây dựng; những mương máng, ao nhỏ do nạo vét chưa san lấp hết; cây trồng lại khẳng khiu nhìn không kỹ chỉ thấy nguyên cỏ và cỏ. Đáng nói, việc hoàn nguyên lại diện tích đã bị tàn phá, xâm lấn kể trên được thực hiện từ 2015 cho tới nay nhưng không có một kế hoạch chi tiết trong khi đó nguồn tiền để khắc phục sai phạm do những cá nhân lãnh đạo đã gây ra lại là tiền ngân sách(?).

Việc hoàn nguyên sau tình trạng tàn phá rừng phòng hộ được báo cáo hoàn thành nhưng thực trạng không được như báo cáo

Những cây phi lao được trồng khắc phục bị cỏ chen lấn

Ông Lương Ngọc Am, xóm 18, xã Giao Long bức xúc: “Từ năm 2010 Nhà nước đã có chủ trương trồng rừng phòng hộ để che chắn sóng, bảo vệ đê điều, bảo vệ cuộc sống của những người dân ven biển chúng tôi. Đến khi bàn giao lại cho địa phương quản lý thì họ ngang nhiên chặt phá, xây đầm xây ao… Khi người dân chúng tôi có kiến nghị nhiều, họ không thể đạt được mục đích phải hoàn trả nguyên trạng rừng cho chúng tôi nhưng hoàn trả hình thức. Cây xung quanh cao tới gần chục mét mà cái họ trồng xuống chỉ củn ngủn cao bằng cỏ, một số chỗ đất vẫn để nguyên không động đến…”. 

Cũng theo một số người dân địa phương cho hay: “Việc trồng rừng phòng hộ và bảo vệ rừng phòng hộ không phải trách nhiệm của riêng ai. Khu rừng phòng hộ của chúng tôi còn vinh dự được đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về phát động phong trào thanh niên trồng rừng chắn sóng năm 2017, vậy mà lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện lại thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng”.

Để thông tin được khách quan, minh bạch, PV đã phản ánh những hiện trạng ghi nhận đến lãnh đạo UBND xã Giao Long. Tiếp PV, ông Trần Xuân Hải, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy – Chủ tịch HĐND (nguyên Chủ tịch UBND xã); ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã đều khẳng định: “Việc cho thuê đất xâm hại hành lang bảo vệ đê điều và tàn phá rừng phòng hộ là sai phạm của địa phương. Đây là chủ trương trực tiếp của cá nhân lãnh đạo xã lúc đó, không được thông qua ý kiến tập thể (?). Tuy nhiên, sự việc đã được địa phương sửa chữa, thanh lý hợp đồng với các bên cho thuê và hoàn nguyên lại rừng (?)”.

PV tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy việc hoàn nguyên như ông nói có kế hoạch hay tờ trình nào không? Chi phí cho việc hoàn nguyên được lấy ở đâu? 

Ông Hải và ông Nam đều khẳng định: Việc hoàn nguyên tại diện tích rừng phòng hộ thuộc đê bao xã Giao Long không có kế hoạch hay tờ trình nào cả, còn chi phí để hoàn nguyên được lấy từ ngân sách xã (?). Cái sai thì khẳng định là của cá nhân lãnh đạo, còn tiền xử lý cái sai đó lại dùng tiền công quỹ liệu có thỏa đáng?

Cũng tại buổi làm việc với PV, ngoài những nội dung liên quan trực tiếp đến tàn phá rừng phòng hộ, lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều thì việc ông Phạm Như Chuân, công dân xã Giao Long không thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng vẫn nghiễm nhiên lãnh chế độ hơn chục năm qua, cho đến nay Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội vào cuộc yêu cầu hoàn trả và giao UBND xã thực hiện thu hồi thì ông Trần Hoài Nam trả lời như sau: “UBND xã đã cho mời ông Chuân xuống lập biên bản làm việc và ông Chuân cho biết vì lý do gia đình khó khăn, bệnh tật nên chưa thể hoàn trả (?)”.

Vậy việc gây thất thoát ngân sách hơn 200 triệu đồng đối với trường hợp của ông Chuân trách nhiệm thuộc về ai? Quy trình thẩm định chính sách xuất phát từ đề xuất của UBND xã Giao Long, thẩm định thuộc phòng Lao động Thương binh và Xã hội trước khi trình đi, trong khi đó, trả lời cho những câu hỏi PV đưa ra, lãnh đạo UBND xã Giao Long cho biết: Căn cứ làm chế độ chính sách cho ông Chuân là từ những Huân Huy chương mà ông cung cấp (?). 

Xin được nhắc lại, đây là chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị “nhiễm chất độc hóa học” không phải chế độ với người có công với Cách mạng hay tham gia kháng chiến đơn thuần.

Tiếp tục mở rộng thông tin điều tra, ngoài những sai phạm đã tổn tại ở xã Giao Long thì hàng loạt những sai phạm khác cũng đang tồn tại trước sự quản lý “lỏng lẻo” của UBND huyện Giao Thủy. Tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều vẫn ngang nhiên tồn tại ở: Giao Xuân, Bạch Long, Giao Phong và Quất Lâm.

Ghi nhận thực tế tại các điểm kể trên, PV được biết: Hàng loạt những ao bạt, trại giống đều được xây dựng trên hành lang bảo vệ đê điều từ nhiều năm nay nhưng không có đơn vị nào xử lý. 

Đáng nói, thực trạng trên ngoài lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều dẫn đến tình trạng đê yếu mà còn xâm lấn diện tích trồng rừng phòng hộ, rừng ngập mặn chắn sóng đang được phát động triển khai tại địa phương. Nguy hiểm hơn nữa, tính mạng và tài sản của người dân đang bị đặt cheo leo trước miệng “tử thần” mà chính quyền lại tỏ ra vô trách nhiệm.

Những ao bạt, đầm nuôi thủy sản vẫn vô tư lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều tại xã Bạch Long

Một hiện trạng tương tự cũng được PV ghi nhận tại xã Giao Phong

Chiều 26/10, để tiếp tục làm rõ những thông tin trong văn bản trả lời số: 736/UBND-VP và phản ánh thực trạng sau ghi nhận. PV Việt Nam Hội nhập điện tử đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy nhưng chưa nhận được câu trả lời. 

Một số năm trở lại đây, tình trạng bão lũ đang là vấn đề trọng điểm gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Nam Định, đặc biệt là các huyện ven biển. Tuy nhiên, công tác phòng chống bão lũ như thực trạng đang xảy ra tại huyện Giao Thủy liệu có đảm bảo? Có hay không việc buông lỏng quản lý của chính quyền nơi đây?

Việt Nam Hội nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin chi tiết tới bạn đọc!