18/01/2025 lúc 12:10 (GMT+7)
Breaking News

Hải Phòng đẩy mạnh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới

Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng đã và đang đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự gia tăng năng suất, chất lượng lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu tham quan nhà máy sản xuất của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đang đầu tư tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng_Nguồn: anhp.vn

1- Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn, được xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc, trọng điểm phát triển kinh tế biển, một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thủy sản, giáo dục, y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định quan điểm chú trọng đầu tư phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Hải Phòng. Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp tục chỉ rõ phát triển thành phố Hải Phòng thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm quốc tế đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển. Quyết định số 323/QĐ-TTg, ngày 30-3-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050”, nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không và đường thủy nội địa; trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.

Thực hiện chủ trương của Đảng, trên cơ sở nhận thức rõ vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của thành phố, đặc biệt là trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 16-5-2013, “Về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định phát triển khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng; là tiêu chí nâng cao sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; là một trong những khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động có liên quan, như Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 26-10-2021, “Về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Chương trình hành động số 86-CTr/TU, ngày 8-7-2019, “Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Chương trình hành động số 50-CTr/TU, ngày 23-6-2023 “Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”...

Ngày 25-7-2013, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND, “Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND, ngày 17-9-2021 “Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình hành động số 86-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW”...

Các nhiệm vụ, giải pháp được cụ thể hóa trong 5 chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực, như khoa học xã hội và nhân văn; công nghiệp - giao thông - đô thị; nông, lâm nghiệp, thủy sản; sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; 5 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm (đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học - công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ) và hàng chục chương trình, kế hoạch cho các lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Trong giai đoạn 2013 - 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành 19 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định, hướng dẫn thực hiện, triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo hành lang pháp lý giúp khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phát huy vai trò động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2- Chủ trương, chính sách về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đảng, Nhà nước và thành phố được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến tận cơ sở, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bám sát nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị của thành phố luôn gắn kết mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mỗi cấp, ngành, đơn vị; qua đó, tăng cường sự chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện, từng bước đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như:

Một là, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, xây dựng căn cứ khoa học cho chủ trương, chính sách, quyết định của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn.

Trong 10 năm (2013 - 2022), thành phố Hải Phòng đã phê duyệt và triển khai 205 nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp thành phố với tổng kinh phí thực hiện là 257.473.016.000 đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học - công nghệ hỗ trợ 156.502.394.000 đồng (chiếm tỷ lệ 60,8%); kinh phí huy động của tổ chức, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ và nguồn kinh phí khác là 100.970.622.000 đồng (chiếm tỷ lệ 39,2%). Cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã triển khai 36 nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ trên các lĩnh vực và trên 3.500 nhiệm vụ cấp cơ sở với phương châm bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều kết quả nghiên cứu mở ra hướng nghiên cứu mới để ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống; phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động; tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Hai là, hoạt động chuyển giao, đổi mới, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được đẩy mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố.

Xác định công nghiệp công nghệ cao là một trong ba trụ cột kinh tế của địa phương, thành phố Hải Phòng đã tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa trong các ngành sản xuất, như sản phẩm điện tử, điện lạnh, xi măng, cơ khí, đóng tàu, luyện cán thép, may mặc, hóa chất, cao su - nhựa,... Thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư từ nước ngoài, đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị tự động hóa, sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường(1). Cùng với đó, cơ cấu ngành công nghiệp của thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành sử dụng nhiều lao động, nhưng giá trị gia tăng thấp (sản xuất giày dép, đóng tàu) giảm dần tỷ trọng; các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng (sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất kim loại) bắt đầu có xu hướng giảm dần tỷ trọng; các ngành công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, như sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng, sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất hóa chất, cao su và plastic (sơn tàu biển, ống nhựa, dược phẩm và thiết bị y tế, lốp ô-tô...) đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng chiếm tỷ trọng cao. Năm 2005, ngành sản xuất điện tử - tin học chỉ chiếm tỷ trọng thấp với 1,17% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, đến năm 2015 chiếm 8,66%, nhưng đến năm 2020 đã chiếm tỷ trọng lớn nhất với 45,68% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố. Cơ cấu này đã phản ánh sự chuyển dịch ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo đảm phát triển công nghiệp chủ lực có tỷ trọng cao, vừa phát triển đa dạng ngành, nghề, sản phẩm để linh hoạt trước biến động thị trường, hướng tới phát triển bền vững. Nhờ tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới phương thức quản lý, tốc độ tăng năng suất lao động trong ngành công nghiệp của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2020 là 24,88%, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp của cả nước (10,74%).

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thành phố tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhân giống thành công nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, lai tạo, sản xuất, sử dụng giống đặc sản, giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật, biện pháp thâm canh bền vững, giảm sử dụng phân bón vô cơ và hóa chất bảo vệ thực vật, giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản lý, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ góp phần làm thay đổi mạnh về năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp(2). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt từ 77,17% năm 2005 xuống 53,36% năm 2021, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản từ 22,42% năm 2005 lên 43,46% năm 2021.

Trong lĩnh vực dịch vụ, hạ tầng viễn thông được xây dựng hiện đại, dung lượng và tốc độ lớn, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng kết nối số, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% khu vực dân cư được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ của tổ chức và người dân. Triển khai thử nghiệm thành công mạng và dịch vụ viễn thông 5G của các nhà mạng Viettel và Mobifone tại địa bàn thành phố Hải Phòng.

Phương thức kinh doanh - thương mại hiện đại tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng diện mạo mới cho thương mại thành phố. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã làm thay đổi cơ bản việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách sâu rộng. Các thiết bị di động thông minh, công nghệ mã nguồn mở, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây... được ứng dụng ngày càng phổ biến, góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế dịch vụ của thành phố.

Với sự đóng góp của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của thành phố giai đoạn 2013 - 2022 đạt trung bình 13,3%/năm, trong đó các năm 2020 - 2022 đều đạt 15%/năm. Tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào mức tăng trưởng GRDP tăng đáng kể, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 37,92%/năm, năm 2023 đạt 43,26%.

Ba là, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (PII - Provincial Innovation Index) của thành phố Hải Phòng xếp thứ ba cả nước (chỉ sau Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Số lượng sáng kiến có quy mô thành phố không ngừng tăng hằng năm về số lượng và chất lượng, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của thành phố được lan tỏa rộng khắp. Định kỳ 2 năm 1 lần, Thành phố tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật cho từng đối tượng cụ thể với kinh phí giải thưởng lên tới hàng chục tỷ đồng, qua đó thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong đội ngũ nhà nghiên cứu, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên và người lao động, góp phần tạo ra sản phẩm trí tuệ mang đậm dấu ấn của thành phố Hải Phòng.

Triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của thành phố, giai đoạn 2011 - 2015, thành phố Hải Phòng được cấp 1.120 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng văn bằng được bảo hộ là 2.723 (tăng 2,43 lần so với giai đoạn 2011 - 2015). Giai đoạn 2020 - 2023, thành phố có 103 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và đã được cấp 45 văn bằng. Các văn bằng được bảo hộ xuất phát từ doanh nghiệp, cá nhân được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất với tỷ lệ trên 65%.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch Thực hiện chương trình đổi mới công nghệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch số 281/KH-UBND, ngày 10-12-2021). Trong 6 năm (2017 - 2022), thành phố đã lựa chọn 35 dự án để thúc đẩy khởi nghiệp, 2 dự án thúc đẩy ươm tạo. Hằng năm, thành phố phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có liên quan tổ chức các sự kiện hội thảo, triển lãm, Tuần lễ đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp của thành phố (Techfest Hải Phòng) nhằm giới thiệu sản phẩm được hình thành từ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố và vùng đồng bằng sông Hồng.

Bốn là, tiềm lực và thị trường khoa học và công nghệ có bước phát triển quan trọng, hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và công nghệ được đổi mới, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Hiện tại, thành phố có 52 tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ (cả công lập và ngoài công lập) với kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng được tăng cường. Số phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS (ISO/IEC17025) trên địa bàn thành phố là 38 (tăng gấp gần 3 lần so với năm 2013).

Đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ của thành phố được chú trọng và liên tục tăng lên qua các năm. Mức độ tăng trung bình giai đoạn 2013 - 2023 là khoảng 11,06%/năm, tuy nhiên mới chỉ chiếm bình quân khoảng 0,39% so với tổng chi ngân sách của thành phố. Ngoài kinh phí ngân sách địa phương, thành phố đã kết hợp huy động các nguồn khác, như kinh phí đối ứng của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, kinh phí ngân sách Trung ương, viện trợ quốc tế, huy động từ doanh nghiệp...

Thị trường khoa học và công nghệ thành phố dần được hình thành và bước đầu phát triển. Hoạt động kết nối, giao dịch công nghệ, thiết bị được triển khai hiệu quả(3). Hệ thống quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ từ thành phố đến các quận, huyện luôn được rà soát và kiện toàn theo hướng tinh giản, tăng cường năng lực điều phối liên ngành, giảm bớt chức năng tác nghiệp cụ thể. 100% cơ quan hành chính nhà nước của thành phố xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Năm 2023, thành phố thí điểm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho chính quyền địa phương - ISO 18091:2020 tại 12 quận, huyện, xã, phường.

Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh. Nhiều thỏa thuận hợp tác về khoa học - công nghệ được ký kết và triển khai thực hiện, trong đó có Thỏa thuận hợp tác về khoa học - công nghệ giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; giữa Ủy ban nhân dân thành phố với các tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn, như Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn FPT,...

Các trường đại học trên địa bàn thành phố cũng tích cực hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó có nhiều trường danh tiếng trên thế giới, như Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Học viện Kỹ thuật Cock (Ai-len), Học viện Hàng hải (Đại học bang California (Hoa Kỳ)), Trường Y (Đại học Havard (Hoa Kỳ)), Đại học Liege (Bỉ), Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc)...; đồng thời, cử hàng trăm sinh viên đi thực tập tại các trường đại học ở nước ngoài, bước đầu cử giảng viên trao đổi giảng dạy tại một số trường đại học ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Phần Lan).

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ngành máy in tại Công ty TNHH công nghệ điện tử Chee Yuen Việt Nam, 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) ở Khu công nghiệp An Dương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng_Ảnh: TTXVN

3- Hướng tới mục tiêu đến năm 2030, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội nhằm đưa thành phố Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành, nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển, thành phố Hải Phòng xác định thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp trong triển khai, tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động khoa học - công nghệ. Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy gắn kết viện, trường với doanh nghiệp để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hoàn thiện chính sách thúc đẩy để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tập trung xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Ba là, củng cố, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ của thành phố, giảm đầu mối trung gian, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu. Nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các địa phương, ban, ngành, doanh nghiệp, để xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình hành động một cách đồng bộ, trong đó xem xét đầu tư nâng cấp Sàn công nghệ và thiết bị Hải Phòng, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hải Phòng thành tổ chức khoa học và công nghệ có quy mô cấp vùng và quốc gia.

Tập trung đầu tư một số đơn vị có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại cho cơ sở nghiên cứu, viện, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ biển. Nâng cấp, phát triển một số cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo về biển ngang tầm trọng điểm quốc gia, từng bước đạt tầm cỡ trong khu vực quốc tế, như Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), Viện Y học biển Việt Nam, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.

Phát triển nhân lực khoa học - công nghệ có trình độ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học - công nghệ biển. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên ngành về biển đạt trình độ khu vực và quốc tế, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu về khoa học - công nghệ biển. Có chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nhân lực chất lượng cao làm việc trong các ngành, lĩnh vực, nhất là ở các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về biển.

Bốn là, bảo đảm đầu tư từ ngân sách cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho khoa học - công nghệ, trong đó thực hiện nâng cao tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp và xã hội hóa, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ, nhất là một số ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng, thế mạnh. Ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường; hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ, kỹ thuật cao làm đòn bẩy cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành, lĩnh vực trọng điểm. Tiêu chuẩn hóa, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; ngăn chặn việc ứng dụng, chuyển giao, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 18%/năm và đến năm 2030 đạt 20%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt trên 52% - 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2030. Tích cực thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ.

Sáu là, tăng cường thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ. Phấn đấu số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ đến năm 2025 tăng 2 lần so với năm 2020, nằm trong nhóm địa phương đứng đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp; 100% đặc sản, làng nghề truyền thống của Hải Phòng được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài tăng trung bình 20%/năm. Tập trung thúc đẩy hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc sản, làng nghề của thành phố. Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới, chuyển giao công nghệ; phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá, chuyển giao công nghệ.

Bảy là, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Tập trung nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thành lập trung tâm ươm tạo, câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thành phố. Triển khai thúc đẩy nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tám là, chủ động mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm trong hợp tác trong và ngoài nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, chia sẻ thông tin, chuyên gia, đổi mới công nghệ, hướng giải quyết các mục tiêu của thành phố. Chủ động tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế, như ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển và ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học... Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, cán bộ khoa học trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia dự án khoa học - công nghệ và làm việc tại các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học trên địa bàn thành phố.

Chín là, đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn kết với hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố, như đổi mới quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực phát triển; phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số trong các tổ chức và doanh nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh mới./.

NGUYỄN VĂN TÙNG
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

----------------------

(1) Tiêu biểu như các chi tiết, linh phụ kiện của máy phát điện gió (Công ty trách nhiệm hữu hạn GE VN); các chi tiết, cụm chi tiết máy (Công ty trách nhiệm hữu hạn EBA), robot (Công ty trách nhiệm hữu hạn Rorze Robotech), máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, ti vi, điện thoại thông minh, thiết bị nghe nhìn ô tô (Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Electronics); máy in, laser, máy photocopy điện tử kỹ thuật số, máy đa chức năng (Công ty trách nhiệm hữu hạn Fuji Xerox Hải Phòng), dược phẩm (Công ty trách nhiệm hữu hạn Nippro Pharma)...
(2) Giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản trên 1ha đất (giá thực tế) tăng từ 47,05 triệu đồng/ha (năm 2005) lên 169,1 triệu đồng/ha (năm 2021), bình quân tăng 6,8%/năm
(3) Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức kết nối 682 cuộc cho tổ chức, doanh nghiệp gặp gỡ, thương thảo ký kết hợp đồng; 162 cuộc hội thảo, khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp; 3 phiên đấu giá công nghệ; 15 cuộc kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài; 7 chợ công nghệ và thiết bị...; cung cấp hàng nghìn thông tin công nghệ và thiết bị cho tổ chức, doanh nghiệp

... Theo tapchicongsan.org.vn