Chuyển đổi số - Động lực tăng trưởng bền vững
Hà Nam đã không ngừng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc triển khai hiệu quả các đề án chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đã tạo cú hích mạnh mẽ, giúp Hà Nam đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) lên đến 10,93% - một con số ấn tượng, đưa tỉnh vào nhóm có mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
Hiện nay, Hà Nam có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tập trung chủ yếu tại thành phố Phủ Lý và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, khoảng 2.800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng nền tảng số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế số.
![](https://s-aicmscdn.vietnamhoinhap.vn/thumb/w_1000/vnhn-media/25/2/14/ha-nam-but-pha--lot-top-10-tinh--thanh-phat-trien-kinh-te-so-nam-2024_67aef8d3bfb71.jpg)
Năm 2024, Hà Nam đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hai sàn thương mại điện tử chính là buudien.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và sàn thương mại điện tử Hà Nam của Sở Công Thương. Theo Hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, Hà Nam đã ghi nhận 15.362 giao dịch trên sàn, với 92.811 tài khoản hoạt động, 69.747 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn, 89.650 hộ được đào tạo kỹ năng số và 3.313 sản phẩm được đưa lên sàn.
Bí quyết thành công của Hà Nam
Thành tựu này không đến một cách ngẫu nhiên mà là kết quả của chiến lược bài bản và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh. Hà Nam đã tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và hoàn thiện hạ tầng viễn thông, đảm bảo kết nối thông suốt.
Hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nguồn ngân sách Trung ương. Trong đó có chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm hỗ trợ kinh phí tư vấn và hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình này ước tính là 2.697 doanh nghiệp.
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho doanh nghiệp
Bên cạnh đó, tỉnh còn tiên phong trong việc số hóa các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công nhanh chóng, hiệu quả.
Hà Nam cũng đã triển khai mạnh mẽ các chính sách thuế điện tử với 100% doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử với ngân hàng và 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh còn triển khai Chương trình "Hoá đơn may mắn" để khuyến khích người dân hình thành thói quen lấy hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ.
Tầm nhìn và khát vọng vươn xa
Lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phát triển kinh tế số không chỉ là cột mốc đáng tự hào mà còn mở ra cơ hội để Hà Nam tiếp tục vươn xa. Hà Nam phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 25-30% GDP. Đến năm 2045, Hà Nam trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao, kinh tế số đạt 40% GDP, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời tỉnh cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm các tập đoàn công nghệ, phát triển các mô hình kinh tế số đột phá nhằm duy trì đà tăng trưởng và khẳng định thương hiệu Hà Nam trên bản đồ kinh tế số Việt Nam.
Với những bước đi chiến lược và sự quyết tâm không ngừng, Hà Nam đang khẳng định rằng: chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà chính là tương lai, là con đường tất yếu để bứt phá và phát triển bền vững.