VNHNO - GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của giải pháp công nghệ giáo dục (CNGD) đã có buổi đối thoại liên quan đến CNGD trong kỷ nguyên 4.0 và chia sẻ một số vấn đề gây tranh cãi trong suốt thời gian qua về cách đánh vần “lạ” với ô vuông và hình tròn trong sách giáo khoa CNGD lớp 1.
Sứ mệnh của giáo dục là tạo ra cái mới
Chia sẻ những câu chuyện khi còn là một giáo viên dạy Toán, đến hành trình đổi mới giáo dục và những khó khăn mà ông vấp phải, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng đã đến lúc nền giáo dục của chúng ta phải là nền giáo dục mà mỗi cá nhân được là chính mình. “Đừng bắt trẻ em phải sống theo một khuôn mẫu của ai đó, hãy để nó được là chính nó", GS Hồ Ngọc Đại nói.
Trước đây, trong quá khứ, các thế hệ già chỉ lặp lại nhau, tất cả chung một nguyên lý triết học, cùng chung một thực tiễn lịch sử. Thế kỷ 21 có những thứ bố mẹ chưa bao giờ có nên tận hưởng thành tựu của nhân loại, nền giáo dục trẻ em hiện đại phải là nền giáo dục chưa hề có, lần đầu tiên được xác lập trên thực tiễn lịch sử, theo một nguyên lý triết học chưa hề có, được thực thi trong thực tiễn sư phạm bằng một công nghệ chưa hề có, GS Hồ Ngọc Đại nêu vấn đề.
GS Hồ Ngọc Đại, tôi lắng nghe những đóng góp có ích để điều chỉnh
Mỗi một cuộc cách mạng (CM) tạo ra một sức mạnh vật chất mới của một xã hội, từ cuộc CM 1.0 - 2.0 - 3.0, đến nay là cuộc CM 4.0, cách mạng của trí tuệ nhân tạo. “Trí tuệ nhân tạo là một cộng đồng người, chứng tỏ rằng, sự phục tùng cá nhân xưa kia không còn đúng trong thời đại này nữa. Do đó, nền giáo dục hiện đại sẽ không lấy ai làm khuôn mẫu mà để mỗi cá nhân trở thành chính mình, thành thật với chính mình”, GS. Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Cuộc CM 3.0 và tiếp đến là 4.0 đã làm biến đổi tận gốc cuộc sống thực tiễn, tạo điều kiện vật chất cho sự sinh thành một phạm trù triết học mới chưa hề có: Phạm trù cá nhân. Vì lợi ích của chính mình, mỗi cá nhân hiện đại hợp tác với các cá nhân khác, xác lập trong toàn xã hội quan hệ mới: Phân công - Hợp tác. Bằng cách đó, mỗi cá nhân hiện đại sẽ trở thành chính mình.
Ông quan niệm rằng, mỗi một thời có một kỹ thuật riêng. Tuy nhiên, có 2 điều cần hiểu thật đúng là tận dụng những cái đã có và tạo ra được cái mới. Sứ mệnh của giáo dục là tạo ra cái mới để trẻ em tận dụng những cái đã có. GS Hồ Ngọc Đại cho rằng “có người lấy dòng họ làm cơ bản, lấy giai cấp làm cơ bản, còn tôi lấy cá nhân làm cơ bản. Tư tưởng đó dễ bị phản ứng”.
Nếu trước đây chỉ có 5% dân cư đi học, 95% người đi làm, thì ngày nay 100% trẻ em đến trường. Do đó, trẻ em đi học phải vui vẻ, hạnh phúc. Thực tiễn giáo dục hiện đại được định hướng bởi triết học hiện đại và thực thi bằng công nghệ hiện đại, GS Hồ Ngọc Đại giải thích.
“Thầy không giảng, trò không cần cố gắng” - tư tưởng dễ bị phản ứng
GS Hồ Ngọc Đại xác nhận tư tưởng giáo dục này của mình dễ bị phản ứng. Lý giải về điều này, ông cho rằng giáo dục cần làm thế nào để học sinh không có cảm giác học mới là học. Học phải tự nhiên như hít thở không khí hằng ngày. Học sinh không bao giờ phải ôn tập.
Mỗi thời điểm học sinh đến trường phải có giá trị của nó, cần tận dụng từng giây phút của trẻ trong đời người. GS Hồ Ngọc Đại cho biết chương trình mà ông thiết kế không bao giờ có việc phải ôn tập. “Cùng 1 việc mà phải làm 2 lần là lãng phí thời gian, điều đó không thể lấy lại được”, GS Hồ Ngọc Đại nhận xét.
Nói về sách giáo khoa CNGD lớp 1 hiện đang gây tranh cãi, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: Khi người ta chưa biết, chưa hiểu thì không nên chấp. Trẻ em hiện đại (sinh từ 1-1-2001) là nhân vật lần đầu tiên xuất hiện, xét về cả lịch sử và triết học. Khi có thế hệ trẻ em mới, lịch sử cần một nền giáo dục hoàn toàn mới. Nguyên tắc sư phạm của tôi là học sinh tự làm mọi việc, thầy giao việc và trò làm việc; khi trò làm việc thì thầy theo dõi.
Nhấn mạnh thêm về hiệu quả của cách dạy này, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ: Tiếng Việt lớp 1 là thành tựu 30 năm nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt, tổng kết lại làm giáo trình cho sinh viên năm thứ 3 năm 1977 và đến 1978, tôi đưa vào lớp 1 với khóa đầu tiên của GS Ngô Bảo Châu. “Chúng tôi muốn các em hiểu thế nào là vật thật và vật thay thế, tiếng nói là vật thật, âm nghe thấy là vật thật, còn chữ là vật thay thế. Vật thật thì không thể thay thế, còn vật thay thế có thể thay thế thoải mái”, GS Hồ Ngọc Đại cho biết.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ thêm: Tôi ra trường sư phạm cuối năm 1954. Từ đó đến nay, liên tục hơn 60 năm, tôi không một ngày nào rời xa giáo dục nhà trường, luôn luôn đau đáu về nghiệp vụ sư phạm. Từ năm 1978 đến nay, tôi liên tục triển khai thực nghiệm giáo dục, làm căn cứ thực tiễn để định hướng-khai phá-kiểm nghiệm-khẳng định. Nhờ đó, liên tục trong 50 năm, tôi tự mình viết lại và năm 2017 viết xong bộ sách giáo khoa tiểu học.
Năm học 2017-2018, có hơn 700.000 học sinh lớp 1 học theo quyển Tiếng Việt lớp 1 tôi viết lại, ở 49 tỉnh thành cả nước. Dù em học sinh đó được sinh ra ở đâu, gia đình nào, dân tộc nào, 6 tuổi lần đầu tiên đến trường, học Tiếng Việt theo sách giáo khoa của tôi thì cuối năm, em sẽ đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù chữ.
“Trẻ em 6 tuổi đã nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn xác và tinh tế mọi điều. Cớ gì mà viết sai câu? Chẳng qua là nghiệp vụ sư phạm của giáo viên không đủ sức!”, GS Hồ Ngọc Đại nói.
GS cho rằng giải pháp thực tiễn là phải tuân theo quá trình tự nhiên trưởng thành, phát triển của trẻ em hiện đại, dọc theo dòng thời gian tuyến tính trong cuộc sống tự nhiên, độc lập với tư duy. Giải pháp thực tiễn cho giáo dục nói chung thường gọn vào 2 cụm vấn đề: Sách giáo khoa và Nghiệp vụ sư phạm.
Giáo dục đại học và tiểu học là hai giai đoạn cơ bản của giáo dục nhà trường dành cho người hiện đại mà GS Hồ Ngọc Đại cho là quan trọng nhất, bởi tiểu học là cơ hội cuối cùng bảo tồn truyền thống dân tộc, là cơ hội đầu tiên đi theo định hướng triết học và làm theo công nghệ giáo dục mới; đại học là cơ hội đầu tiên hội nhập ngay với thế giới hiện đại, tiếp cận ngay với khoa học-công nghệ hiện đại trên toàn thế giới.
Trước thông tin dư luận có nhiều tranh cãi về phương pháp dạy mới này, GS Hồ Ngọc Đại cho biết: “Tôi lắng nghe những đóng góp có ích để điều chỉnh. Tương lai của Công nghệ giáo dục là vĩnh viễn"./.