18/01/2025 lúc 12:15 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Tạp chí Việt Nam Hội nhập trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về “Tiếp tục hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đại diện chủ sở hữu vốn; bảo đảm tính độc lập và quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn nhà nước để thực hiện hiệu quả yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

TS.Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình số 503 của Chính phủ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) với các cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, nhất là tình hình thực tế về những bất cập, vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo của Luật 69 trong bối cảnh có rất nhiều thay đổi mạnh mẽ, đòi hỏi cấp bách về vai trò và yêu cầu đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển quốc gia trong thời gian tới. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng cũng cơ bản đồng tình với 06 nhóm chính sách mà Chính phủ đề xuất trong xây dựng dự án Luật này.

Quá trình xây dựng Luật cho thấy, cơ quan dự thảo và cơ quan thẩm tra đã thể hiện tính cầu thị rất cao, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội lần này, trong đó, so với dự thảo ban đầu (với 10 chương và 92 điều), dự thảo trình Quốc hội rút ngắn khá nhiều (còn 8 chương và 62 điều, giảm 02 chương và 30 điều), thậm chí ngắn gọn hơn so với Luật 69 hiện hành (10 chương và 66 điều), đáp ứng yêu cầu Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, tính khung, không quy định những nội dung chi tiết của Nghị định, Thông tư tại Luật. Ngoài ra, việc thu gọn đối tượng áp dụng của Luật là các doang nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là một bước tiến lớn, thực hiện tốt hơn nguyên tắc phân cấp, phân quyền, phân định rõ vai trò chủ sở hữu đầu tư vốn với hoạt động quản trị, điều hành của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để hạn chế tối đa việc can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo các nguyên tắc và quy luật thị trường; giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhất là chi phí về thời gian xử lý công việc kéo dài, làm lỡ nhiều cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này, TS.Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về mô hình của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều 40 dự án Luật quy định có 05 dạng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể được giao là chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội, MTTQ Việt Nam hay các tổ chức cá nhân khác. Về hình thức, đây là các cơ quan quản lý nhà nước hoặc hoạt động mang tính hành chính trong bộ máy chính trị. Do vậy, mặc dù việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập từ năm 2018 nhằm tách bạch cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn điều hành nhà nước về tài chính, đầu tư, kế hoạch – chiến lược, kế toán – kiểm toán, mô hình quản trị, kiểm tra giám sát, quản trị rủi ro hay quan hệ công chúng. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, việc lựa chọn mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước sẽ là căn cứ quan trọng quyết định việc xây dựng cơ chế về quyền, trách nhiệm của cơ quan này đối với việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và những yếu tố đặc thù riêng có của Việt Nam, cần xác định rõ mô hình của cơ quan này, là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước hay một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ để từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp và hiệu quả. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét hợp nhất các cơ quan chủ sở hữu thành một đầu mối thống nhất (trừ trường hợp các doanh nghiệp nhà nước có tính đặc thù về quốc phòng – an ninh và các doanh nghiệp công ích) để tránh sự phân tán, thiếu đồng nhất trong quản lý, điều hành, gia tăng tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan này.

Thứ hai, đối với quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp (quy định tại điều 41, điều 42 dự án Luật), để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định của doanh nghiệp, cần nghiên cứu, xem xét tập trung vào 04 nhóm quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước, bao gồm: (i) Ban hành Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) hoặc cho ý kiến để người đại diện vốn xây dựng Điều lệ hoạt động (đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối), quy chế hoạt động của Ban kiểm soát ; (ii) Ban hành hoặc cho ý kiến để người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong trung và dài hạn (chiến lược 5 năm, tầm nhìn 10-20 năm); riêng kế hoạch hàng năm chỉ cho ý kiến để Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị ban hành; (iii) Lựa chọn và cử người đại diện vốn vào các vị trí quản lý, điều hành doanh nghiệp, tham gia điều hành ban kiểm soát và các kiểm soát viên tại doanh nghiệp; và (iv) Giám sát, kiểm tra, cảnh báo việc quản lý dự án đầu tư, quản lý dòng tiền, việc tuân thủ các chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh đã ban hành, thực hiện tốt yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trên góc độ tổng thể theo mục tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, với xu hướng tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần chi phối hoặc nắm giữ tại các doanh nghiệp, chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, thiết yếu, gắn với quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, lĩnh vực mà doanh nghiệp ngoài nhà nước không làm, cần có các quy định tại dự án Luật về phân định khác về thẩm quyền, cách thức quản lý đối với nhóm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, có vị trí then chốt trong nền kinh tế, doanh nghiệp về quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt. Hiện các quy định tại dự án Luật về cách thức, mô hình quản lý, đầu tư vốn đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước là đồng nhất, không có sự phân biệt dù trên thực tế, mức độ quan trọng, phức tạp theo ngành nghề của các doanh nghiệp nhà nước là rất khác nhau, nhất là về quy mô vốn và trình độ về khoa học công nghệ. Thực tế, trong 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn là đại diện chủ sở hữu, có doanh nghiệp tổng vốn và tài sản chỉ khoảng 5000 tỷ, trong khi có doanh nghiệp khác vốn và tài sản lên đến 700-800 ngàn tỷ, hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước có nhiều thời điểm lên đến 8-10% GDP.

Thứ tư, theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng hiện nay, các cơ quan quản lý, cơ quan chủ sở hũu vốn nhà nước chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật, chính xác và các phần mềm thông minh để có sự liên thông, kết nối thường xuyên, liên tục, giúp các cơ quan, tổ chức theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, nhiệm vụ sớm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý và điều hành doanh nghiệp nhà nước, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là hết sức cấp bách. Mặc dù dự án Luật đã có quy định tại điều 59 về nội dung này, tuy nhiên còn thiếu chế tài bắt buộc đủ mạnh đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Ngoài ra, việc giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành và khai khác là chưa phù hợp, mà hệ thống này nên được xây dựng và quản lý bởi cơ quan được Chính phủ giao là chủ sở hữu vốn nhà nước, cho phép sử dụng nguồn lực từ phần lãi được chia của các doanh nghiệp để sớm xây dựng và vận hành hệ thống này, giúp việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được kịp thời, hiệu quả, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay.

Thứ năm, qua tham khảo mô hình quản trị hiệu quả nêu tại Bộ hướng dẫn về quản trị doanh nghiệp nhà nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung một số nguyên tắc được nêu tại tài liệu này để quy định tại dự án Luật, bao gồm: (i) Chức năng chủ sở hữu nên được tách bạch với chức năng quản lý nhà nước; (ii) Mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước về sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích và trách nhiệm xã hội cần được thể chế hóa một cách rõ ràng, công khai, các chi phí liên quan phải được hoàn trả theo phương thức tường minh; (iii) Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ quan chủ sở hữu, đặc biệt đối với các công ty cổ phần, trong đó cho phép doanh nghiệp nhà nước độc lập, tự chủ để thực hiện mục tiêu, hết sức hạn chế can thiệp có tính chất hành chính vào hoạt động điều hành doanh nghiệp; (iv) Đối xử bình đẳng với các cổ đông tại các công ty đại chúng có vốn nhà nước chi phối; (v) Cơ chế về trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin minh bạch và giám sát, đánh giá tính xác thực của thông tin doanh nghiệp; và (vi) tạo cơ chế tuyển dụng nhân sự quản lý, điều hành gắn với hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu cao về năng lực, tính độc lập, sự liêm chính, có cơ chế lương, thưởng đủ sức hấp dẫn theo cơ chế thị trường; hoạt động trong một mô hình có sự giám sát và cân bằng quyền lực, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị trong các doanh nghiệp nhà nước./.

TS Nguyễn Mạnh Hùng

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

...